• Zalo

Tàu sân bay 13 tỷ USD ra khơi ‘không kèn không trống’, dư luận Mỹ hoài nghi?

Quân sựThứ Tư, 13/04/2022 18:33:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Nếu tính cả ngân sách chương trình phát triển, USS Gerald R. Ford là lớp tàu chiến đắt nhất lịch sử từng được con người chế tạo.

Theo Popular Mechanics, USS Gerald R. Ford (CVN-78) – tàu sân bay hạt nhân đắt đỏ nhất lịch sử hải quân Mỹ đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Dự kiến con tàu này sẽ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên vào cuối năm 2022, trễ hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Ra khơi không kèn không trống

Cây bút Kyle Mizokami của Popular Mechanics nhận định, việc USS Gerald R. Ford sẵn sàng hoạt động được xem là tin vui đối với Lầu Năm Góc khi kế hoạch triển khai tàu sân bay này liên tục bị gián đoạn suốt gần 5 năm qua. Tuy nhiên, hải quân Mỹ lại lặng lẽ phê duyệt kế hoạch biên chế USS Gerald R. Ford từ cuối năm 2021 nhưng không có bất cứ hoạt động truyền thông nào, khác hẳn các tàu sân bay trước đây.

Còn theo DefenseOne, lý do khiến hải quân Mỹ im lặng về trạng thái hoạt động của USS Gerald R. Ford phần lớn liên quan đến các sự số kỹ thuật của con tàu cũng như việc ngân sách dành cho nó bị đội lên qua từng năm, mọi thứ diễn không như Lầu Năm Góc kỳ vọng trước đó.

Tàu sân bay 13 tỷ USD ra khơi ‘không kèn không trống’, dư luận Mỹ hoài nghi? - 1

Việc chốt được thời gian biên chế USS Gerald R. Ford khiến hải quân Mỹ thở phào nhẹ nhõm nhưng con tàu sân bay này vẫn còn những vấn để chưa thể khắc phục. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford được khởi đóng năm 2009, hạ thủy 4 năm sau đó và bàn giao cho hải quân Mỹ tháng 5/2017. Tuy nhiên, hải quân Mỹ không thể đưa siêu tàu sân bay này vào biên chế khi chưa giải quyết xong loạt vấn đề liên quan tới độ tin cậy của nhiều công nghệ mới được trang bị trên tàu.

Theo cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, giá của tàu sân bay USS Gerald R. Ford khi nó đi vào hoạt động sẽ lên tới 13,3 tỷ USD, vượt ngân sách dự kiến ban đầu hơn 3 tỷ USD, trở thành chiến hạm đắt đỏ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Trong khi đó ngân sách để phát triển con tàu này sau 17 năm đã lên đến con số 37 tỷ USD.

Cần phải nói thêm rằng, chi phí trên chưa bao gồm ngân sách dành cho hơn 70 máy bay các loại tàu sân bay này sẽ mang theo, cũng như hạm đội tàu hộ vệ đi cùng nó trong các nhiệm vụ.

Thời gian triển khai kéo dài, các vấn đề kỹ thuật, công nghệ mới hoạt động không như quảng cáo, cộng thêm bội chi ngân sách hàng tỷ USD và nhiều lý do khác khiến hải quân Mỹ thận trọng không muốn “ăn mừng” quá sớm trong quá trình đưa USS Gerald R. Ford vào hoạt động.

Tàu sân bay 13 tỷ USD có gì đặc biệt?

USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên của lớp tàu sân bay hạt nhân Ford, dự kiến sẽ thay thế các tàu sân bay lớp Nimitz hiện có. Là lớp hàng không mẫu hạn tiên tiến đầu tiên của hải quân Mỹ sau nhiều thập kỷ, Ford được tích hợp hàng loạt công nghệ mới cho phép Washington tiếp tục duy trì vị trí siêu cường hải quân số 1 thế giới.

Có thể nói tàu sân bay lớp Ford là giải pháp nhằm hiện đại hóa các chiến dịch tàu sân bay của Mỹ trong kỷ nguyên mới, và 23 công nghệ mới giúp tàu lớp Ford có nhiều cải tiến so với tàu lớp Nimitz tiền nhiệm, trong đó có khả năng vận hành nhanh hơn với thủy thủ đoàn số lượng ít hơn.

Tàu sân bay 13 tỷ USD ra khơi ‘không kèn không trống’, dư luận Mỹ hoài nghi? - 2

USS Gerald R. Ford là tàu sân bay hiện đại và đắt nhất trong lịch sử nhân loại. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Về trang bị, các tàu sân bay Ford sẽ được tích hợp hệ thống radar mới, hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS), tăng thêm số thang máy tải vũ khí tiên tiến (AWE), hệ thống cáp hãm đáp tiên tiến (AAG) và nhiều trang bị khác. Những thay đổi này sẽ giúp Ford trở thành một tàu sân bay có hiệu quả tác chiến cao hơn so với Nimitz, tăng đáng kể tần suất xuất kích của máy bay trong mỗi lượt.

Trong khi 4 hệ thống phóng máy bay trên tàu lớp Nimitz chạy bằng hơi nước, các EMALS trên tàu lớp Ford sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính. EMALS mới hiệu quả hơn so với hệ thống chạy bằng hơi nước và triển khai máy bay cánh cố định êm hơn và nhanh hơn.

Hệ thống hãm đà tiên tiến (AAG) của tàu sân bay Ford cũng có những lợi thế so với phiên bản trên tàu lớp Nimitz. Là một hệ thống tuabin điện, AAG có bộ kiểm soát kỹ thuật số có khả năng tự chẩn đoán và gửi cảnh báo, giúp tiết kiệm sức người và thời gian để bảo trì.

AAG mới có thể kiểm soát sức nặng của nhiều loại máy bay hơn và cùng với EMALS, cho phép các tàu sân bay của hải quân Mỹ trở thành nền tảng triển khai và hạ cánh đáng tin cậy đối với cả máy bay có người lái và không người lái.

Quan trọng hơn cả, tàu sân bay Ford được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân mới A1B có khả năng tạo nhiều năng lượng gấp 3 lần so với lò phản ứng A4W trên tàu lớp Nimitz.

Tuy nhiên, việc tích hợp quá nhiều trang bị mới khiến lớp Ford, mà cụ thể là USS Gerald R. Ford đối mặt với loạt vấn đề về kỹ thuật, thậm chí nhiều trường hợp dẫn đến sự cố nghiêm trọng. Một trong số đó có thể nói đến hệ thống thang máy tải vũ khí tiên tiến (AWE) – được sử dụng để chuyển tên lửa, bom từ bên trong khoang tàu lên trên boong tàu.

Tàu sân bay 13 tỷ USD ra khơi ‘không kèn không trống’, dư luận Mỹ hoài nghi? - 3

Các vấn đề kỹ thuật khiến hải quân Mỹ thận trọng không muốn “ăn mừng” quá sớm trong quá trình đưa USS Gerald R. Ford vào hoạt động. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Đối với USS Gerald R. Ford mà nói việc hệ thống thang AWE gặp sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tác chiến của con tàu, điều này buộc hải quân Mỹ phải sớm giải quyết vấn đề này. Mãi đến năm ngoái hệ thống này mới hoạt động trơn tru.

Theo thiết kế, mỗi tàu sân bay Ford được trang bị 11 thang máy AWE, chúng có thể vận chuyển hơn 9 tấn vũ khí lên boong với tốc độ gần 46 m/phút, so với 30 m/phút của tàu sân bay lớp Nimitz. Còn số thang máy chở máy bay là 3 chiếc, ít hơn một chiếc so với Nimitz.

USS Gerald R. Ford có thể mang theo tối đa từ 40 đến 50 tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet và F-35C Joint Strike Fighters; 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler; 19 trực thăng MH-60 Seahawk; 4 máy bay cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye và máy bay vận tải đa năng MV-22B Osprey.

Ngoài tàu sân bay USS Gerald R. Ford, nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries đã hạ thủy tàu sân bay lớp Ford thứ 2 USS John F. Kennedy (CVN-79) và đang đóng tàu sân bay thứ 3 là USS Enterprise (CVN-80). Tàu sân bay CVN-79 dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024. CVN-80 dự kiến đưa vào hoạt động năm 2027 hoặc 2028.

Trà Khánh(Theo Popular Mechanics)
Bình luận
vtcnews.vn