• Zalo

Tàu ngầm Hoàng Sa sắp chạy thử ở hồ

Thời sựChủ Nhật, 22/11/2015 12:28:00 +07:00Google News

Ngày 21/11, tàu ngầm Hoàng Sa được đưa ra khỏi bể, sau đó chỉnh sửa một số chi tiết, phủ sơn màu xanh và sẽ được chạy thử ở hồ hay một khúc sông nào đó.

Ngày 21/11, tàu ngầm Hoàng Sa được đưa ra khỏi bể, sau đó chỉnh sửa một số chi tiết, phủ sơn màu xanh và sẽ được chạy thử ở hồ hay một khúc sông nào đó.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, cha đẻ của tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa cho biết, 20/11 là ngày cuối cùng ông thử nghiệm Hoàng Sa trong bể ở Thái Bình. Sau đó, tàu sẽ được nhấc lên, chỉnh sửa một số chi tiết bên ngoài và được đưa ra chạy thử ở hồ hoặc một khúc sông nào đó.

Tàu ngầm Hoàng Sa thử nghiệm thành công ở bể. Ảnh: Nhật Quang.
Tàu ngầm Hoàng Sa thử nghiệm thành công ở bể. Ảnh: Nhật Quang. 
Ông Hòa cho biết, rút kinh nghiệm từ Trường Sa 1 và có sự tham khảo hàng loạt công nghệ mới của nhiều nước như Đức, Nhật, Mỹ…, tàu Hoàng Sa được thiết kế hoàn toàn khác biệt. Tàu có hình thoi dẹp giúp phân tán sóng âm của những máy dò mục tiêu dưới nước, ít bị sóng đánh và do đó khó bị phát hiện. Thời gian tới, tàu sẽ được phủ lớp áo màu xanh - màu ông ưa thích.


Về nội thất, các bộ phận trong buồng lái của Hoàng Sa vẫn giữ nguyên như Trường Sa 1, nhưng được sắp xếp lại để dễ điều khiển, thuận tiện cho người lái. Hoàng Sa có bộ đàm, ở độ sâu 5 m dưới nước, người lái có thể liên lạc bình thường với người ở trên bờ. 

Ngoài ra, so với Trường Sa 1, chủ nhân của con tàu này đã giảm bớt các chi tiết thừa, cồng kềnh. “Chúng tôi tích hợp lại hệ thống tự động và giảm bớt đồng hồ vì Trường Sa 1 có quá nhiều đồng hồ, có thể gây khó khăn cho người điều khiển”, ông Hòa nói thêm.

Doanh nhân Thái Bình này cho hay, với Hoàng Sa, mục tiêu của ông là để người lính hoặc một ngư dân bình thường sau khi được hướng dẫn trong một vài tiếng là có thể tự điều khiển tàu.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đam mê chế tạo tàu ngầm. Ảnh: Nhật Quang.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đam mê chế tạo tàu ngầm. Ảnh: Nhật Quang. 

Hoàng Sa là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa kế hoạch dài hơi có được công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Việt Nam, để trong tương lai không xa người Việt có thể chế tạo những con tàu mini phục vụ đất nước. “Tôi mong có thể chế tạo được một con tàu bơi thật nhanh, thật xa, lặn thật sâu và thật lâu", ông nói.

Trường Sa 1 khi chạy thử trên biển mới đạt tốc độ xấp xỉ 10 hải lý/giờ. Khi đó, động cơ mới chạy hết 1/2 công suất thì bị trục trặc do va chạm chân vịt. "Hoàng Sa chắc chắn chạy nhanh hơn do có sự đổi mới về thiết kế hình dáng, công suất động cơ… Tốc độ tối thiểu của Hoàng Sa là 7 hải lý/giờ. Tôi kỳ vọng nó đạt được khoảng 20 hải lý/giờ khi chạy thử nghiệm”, ông Hòa chia sẻ.

Nói về dự án tàu ngầm Trường Sa 1, ông Hòa cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng (cụ thể là Hải quân) kết hợp kiểm tra, chạy thử, nhưng đến nay các thủ tục kéo dài hơn một năm vẫn chưa xong.

Đề cập các dự định trong tương lai, ông Hòa cho hay, nếu kiếm được đủ kinh phí sẽ cho ra đời Trường Sa 2. 

Tàu ngầm mini Hoàng Sa nặng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5 m; cao 2 m và có thể lặn sâu 50 m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm.

Hoàng Sa được thiết kế với nhiều tính năng vượt trội, được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo chướng ngại vật phía trước và quan sát được 360 độ dưới nước. Tàu có thể nằm trong bùn và thoát ra ngoài, tiến ra biển không cần thủy triều, đi vào khu nước cạn tự vượt ra. 

Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn