Chính vì điều này mà nhiều nước trên thế giới đã mua tàu ngầm lớp Kilo cho lực lượng hải quân của mình. Năm 2009, Việt Nam đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo.
Hôm 13.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm tra tiến độ thử nghiệm tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên của Việt Nam, mang tên Hà Nội.
“Chiến binh” hai lớp đa năng
Theo trang Lenta.ru, Kilo là loại tàu ngầm có thân được che chắn bằng 2 lớp vỏ. Lớp vỏ cứng bên trong có hình trụ, được chia làm 6 khoang kín có vách ngăn, có khả năng chống nước thẩm thấu. Nhờ thiết kế này mà trong trường hợp tham chiến, nếu bị đối phương bắn hỏng 1 - 2 khoang, tàu vẫn có khả năng nổi và hoạt động tốt.
Một chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Nga - Ảnh: Defense.gov |
Trung tâm điều khiển tàu nằm ở vị trí khoảng giữa thân tàu. Trong đó có khoang riêng cho các thiết bị vận hành, vị trí chỉ huy. Ngoại trừ kính tiềm vọng thì tất cả đều được thiết kế trong một khoang kín không thấm nước.
Bộ não của trung tâm là một máy tính loại MVU - 110 EM, cấu hình mạnh, tốc độ cao, có khả năng xử lý cực nhanh các thông tin. Màn hình của MVU - 110 EM hiển thị rõ nét, cho thấy ngay các thông số tác chiến như phần tử bắn, kiểm soát vũ khí cùng các hướng dẫn về điều khiển khác.
Nhờ trung tâm này mà việc vận hành tàu và hệ thống vũ khí đơn giản, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, những bánh lái phía mũi tàu và chân vịt 7 cánh cũng giúp tàu giảm thiểu tiếng ồn.
Cũng theo Lenta.ru, khi hoạt động dưới nước hoặc trên mặt nước, Kilo chủ yếu sử dụng hai động cơ diesel và một động cơ điện có công suất 5.500 mã lực. Hai bộ pin nhiên liệu (mỗi bộ chứa 120 bình ắc-quy) giúp tàu hoạt động liên tục trong suốt 45 ngày.
Ngoài ra, Kilo còn trang bị 2 động cơ điện dự bị, loại PG - 168 (102 mã lực/động cơ), sử dụng trong trường hợp khi phải luồn lách giữa những khúc cua hẹp, hay khi bắt đầu rời bến, hoặc lúc các động cơ chính bị hư hỏng.
Về trang thiết bị vũ khí, Kilo được đặt giàn phóng 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm ngay phía mũi tàu. Trong đó, có hai ống phóng điều khiển bằng sóng từ thiết kế với kỹ thuật mới nhất, độ chính xác khi chinh phục mục tiêu gần như tuyệt đối. Ngoài ra, "sát thủ vô hình" này còn có thiết bị chuyên dụng để chứa 18 trái ngư lôi (trong đó có 12 trái điều khiển bằng sóng từ) hoặc 24 trái thủy lôi.
Tàu ngầm lớp Kilo nổi tiếng vì sự... "vô hình" - Ảnh: Defense.gov |
Kilo cũng được trang bị hệ thống điều khiển tự động cho phép nạp ngư lôi nhanh, rút ngắn thời gian đáng kể để chiếm thế thượng phong khi giao chiến. Hệ thống này có thể điều khiển từ xa, hoặc trực tiếp từ vị trí chỉ huy.
Trong trường hợp cần thiết, thay cho ngư lôi, Kilo sẽ được trang bị loại tên lửa chống tàu chiến ZM-54e và Zm-54E. Điểm tiện lợi là loại tên lửa này có thể sử dụng giàn phóng ngư lôi để tác chiến. Bên cạnh đó, Kilo còn có 4 trái tên lửa loại PZRK “Strela-3”, chuyên để bắn hạ máy bay của đối phương.
Kilo là lớp tàu ngầm đa năng, tác chiến trên nhiều phương diện - Ảnh: fas.org |
Nhờ có hệ thống vũ khí, khí tài đa chủng loại, hiện đại mà Kilo được gọi là tàu ngầm đa năng, cùng một lúc có thể tác chiến trên nhiều phương diện. Nó có thể đối đầu nghênh chiến chống lại các tàu ngầm khác, hay nghênh chiến với các chiến hạm trong thời chiến.
Hơn thế, nhờ hệ thống điều khiển “Byus” hiện đại, Kilo cùng một lúc có thể ngắm bắn hai mục tiêu khác nhau. Còn trong thời bình Kilo được sử dụng cho mục đích tuần tiễu, bảo vệ lãnh hải, cơ sở quân sự hay trinh sát trên biển.
Theo Thanh niên
Bình luận