Hôm 28/10, phi thuyền Cassini của Mỹ bay sát Enceladus, vệ tinh đầy băng của sao Thổ, để quan sát những mạch nước muối ở cực nam của nó.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo phi thuyền Cassini sẽ chỉ cách bề mặt Enceladus khoảng 50 km vào ngày 28/10. Với cự ly ấy, các thiết bị của tàu có thể quan sát những mạch nước mặn phun ra từ lớp vỏ của Enceladus, The Christian Science Monitor đưa tin.
Trong cuộc họp báo hôm 26/10, ông Curt Niebur, một nhà khoa học tham gia Chương trình Cassini của NASA, nói rằng phi thuyền sẽ lấy những mẫu tốt nhất từ vệ tinh của sao Thổ để nghiên cứu.
Lớp băng dày bao phủ bề mặt của Enceladus. Ảnh: NASA |
Cassini bay vào vũ trụ năm 1997 và bay quanh quỹ đạo sao Thổ từ năm 2004. Phi thuyền phát hiện những mạch nước phun trên bề mặt vệ tinh Enceladus vào năm 2005. Ít nhất 101 mạch nước phun xuất hiện ở cực nam của nó. Từ đại dương bên dưới lớp băng bao phủ bề mặt Enceladus, nước thoát ra nhờ những kẽ nứt dài.
Nước là một chất cần thiết đối với sự sống. Ở những nơi nước xuất hiện trong vũ trụ, các dạng sống có thể hình thành và phát triển.
"Enceladus không chỉ là một thiên thể có đại dương, mà còn là nơi có thể cung cấp môi trường thuận lợi để sự sống phát triển. Chúng tôi sẽ thu thập những mẫu vật chất tốt nhất từ một đại dương bên ngoài trái đất", National Geographic dẫn lời Niebur.
Đây không phải lần đầu tiên phi thuyền Cassini thu thập dữ liệu để tìm dấu hiệu của sự sống. Khi bay sát Enceladus vào năm 2008, phi thuyền tìm thấy những phân tử hữu cơ - thành phần cần thiết đối với các dạng sống. Một năm sau nó phát hiện muối trong các mạch nước phun.
"Về phương diện thiên văn, Enceladus là một trong những nơi thú vị nhất trong hệ Mặt Trời, Hunter Waite, một trong những nhà khoa học phân tích dữ liệu từ tàu Cassini, phát biểu.
Bình luận