Ngày 13/9, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ áp sát gần các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Động thái này nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.
Biển Đông là một trong những điểm nóng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ Mỹ - Trung, bên cạnh cuộc chiến thương mại leo thang, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào quân đội Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ - Đài Loan.
Phát ngôn viên Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Reann Mommsen khẳng định tàu khu trục Wayne E. Meyer đang thực thi chiến dịch thách thức các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa.
“Trung Quốc đã nỗ lực tuyên bố chủ quyền nhiều vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn những gì nước này được quyền theo luật pháp quốc tế” - nữ phát ngôn viên Mommsen nói.
Phía Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách xây dựng phi pháp các căn cứ quân sự trên các đảo nhận tạo và các thực thể tại các vùng biển tranh chấp.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại tuyên bố rằng việc xây dựng là cần thiết để tự vệ, đồng thời khẳng định Mỹ mới bên phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng căng thẳng do đã cử tàu chiến và máy bay quân sự đến gần các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố có yêu sách.
Thời gian gần đây, Trung Quốc ngày càng có những hành động gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông, nơi có khoảng 5 nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại đi qua mỗi năm, nhằm hiện thực hóa những yêu sách phi lý của mình.
Tàu khu trục Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ vào ngày 28/8 từng tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai thực thể này hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể chối cãi với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải, hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Mỹ gần đây gia tăng các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Động thái này được một số quốc gia đồng minh của Mỹ lên tiếng ủng hộ đồng thời cân nhắc đưa tàu tuần tra chung. Trong đó Anh là một ví dụ.
Hải quân Hoàng gia Anh mới đây lên tiếng về kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thực hiện nhiệm vụ tương tự như tàu của các đồng nghiệp Mỹ.
Ngày 12/9, liên quan đến kế hoạch tuần tra Biển Đông của nhóm tàu sân bay Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam hoan nghênh tất cả các hoạt động nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và bay qua Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực lẫn thế giới".
Bình luận