Video: Dân coi thường mạng sống, cố lách barie băng qua đường ray khi tàu đến
Tại đoạn đường sắt km14+700 lối rẽ từ QL1A vào đường liên xã đi Nhị Khê, Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội), nhiều người luôn túc trực vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, khi không có người gác chắn, an ninh đường sắt tại khu vực này luôn không đảm bảo do ý thức người dân kém. Khi tàu đến, dân vẫn cố tình vượt qua barie.
“Kể từ 01/1/2018, khi nhân viên đường sắt túc trực 24/24 tại đây rút đi, barie tự động được lắp đặt. Nhân viên gác chắn được huyện và xã thuê về để gác vào giờ cao điểm. Những lúc này, người dân chấp hành nghiêm chỉnh nhưng khi không có họ, nhiều người vẫn cố băng qua đường sắt khi barie đã hạ xuống”, ông Lê Xuân Vinh, người dân sống ở gần đó chia sẻ.
Theo người dân sống ở khu vực này, đoạn đường sắt cắt ngang giữa QL1A với tuyến đường liên xã nối các xã Nhị Khê, Khánh Hà…thường xuyên đông người qua lại.
Vào khung giờ cao điểm, hai nhân viên gác chắn tàu trực 4 ca/ngày vào sáng, trưa, chiều, tối, mỗi ca 1,5-2 tiếng đồng hồ.
Hai thanh barie khi hạ xuống chỉ chắn được nửa đường nên khi không có người gác chắn, người tham gia giao thông tại đây vẫn cố tình vượt qua. Để ngăn chặn tai nạn thương tâm có thể xảy ra, nhiều lúc người dân sống gần khu vực này phải căng dây thừng để ngăn người tham gia giao thông vượt barie.
“Những lúc rảnh rỗi công việc, tôi và người dân sống ở đây lại chạy ra căng dây thừng để cản người tham giao thông vượt qua barie khi tàu đến”, anh Nguyễn Văn Tùng, người dân sống gần đó chia sẻ.
Người dân cũng cho hay, nhiều khi không có tàu nhưng barie vẫn hạ xuống. Đây là một trong những lí do khiến người tham gia giao thông nhiều lúc chủ quan, không tin tưởng độ chính xác của hai thanh barie khi hạ xuống báo tàu sắp đến.
"Trước đây, Sở GTVT đã có công văn gửi báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, gửi các quận, huyện, xã về việc rút 8 chốt gác chắn có nhân viên túc trực 24/24 vì không có kinh phí.
Chốt gác chắn tàu tại k14m+700 (Quán Gánh, Thường Tín) là 1 trong 8 chốt bị cắt nhân viên gác chắn. Việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt được giao cho huyện, xã tự lo liệu, cắt cử chi trả nhân viên", một lãnh đạo phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội cho biết.
Bình luận