• Zalo

Tàu cao tốc gặp nạn ở Cần Giờ: Hành khách không được hướng dẫn mặc áo phao

Thời sựChủ Nhật, 08/04/2018 15:10:00 +07:00Google News

Hành khách cho biết, từ lúc lên tàu cho đến khi gặp sự cố, họ không được nhân viên nào hướng dẫn hay chỉ vị trí để áo phao.

Video: Hiện trường tàu cao tốc chở 42 người gặp nạn ở Cần Giờ

Liên quan đến vụ việc tàu cao tốc chở 42 người gặp nạn ở Cần Giờ, hành khách Trần Hoàng Vũ cho biết, sáng cùng ngày ông đi trên chiếc tàu cao tốc C3 của hãng GreenlinesDP.

Tuy nhiên, khi bước lên tàu không có nhân viên nào hướng dẫn khách sử dụng hay chỉ vị trí để áo phao.

"Từ lúc lên tàu đến lúc tàu gặp sự cố không có ai hướng dẫn chúng tôi dùng áo phao cả, cứ lên là đi vậy thôi. Chúng tôi còn không biết áo phao để ở đâu.

May mắn là thoát nạn, chứ nếu không thì không biết làm sao", ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, đây là lần đầu tiên ông đi chuyến tàu cao tốc này do được bạn giới thiệu. Tuy nhiên, việc tàu gặp sự cố khiến ông lo sợ nên sẽ không dám đi nữa.

Được biết, chuyến tàu cao tốc này của Công ty GreenlinesDP vừa được đưa vào vận hành từ 10/2. Ngoài tàu gặp nạn vào sáng 8/4, công ty này còn khoảng 9 tàu cao tốc khác đang chạy theo lộ trình TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu.

IMG_20180408_122000

Tàu gặp sự cố ở Cần Giờ. (Ảnh: Hành khách cung cấp) 

Trước đó, trả lời VTC News, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) cho biết, vào lúc 8h ngày 8/4, tàu cao tốc C3 chở khách từ Vũng Tàu về Cần Giờ gặp sự cố khiến nước tràn vào tàu.

Trên tàu lúc này có 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 1 thuyền viên, 1 nhân viên và 42 hành khách. Theo ông Dũng, tàu chỉ bị sự cố nước tràn vào khoang chứ không chìm. Sự cố khiến hành khách hoảng loạn chạy lên mũi tàu, rồi nhảy lên cầu cảng an toàn.

Sau sự cố, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ xanh Greenlines DP phải đảm bảo đưa hành khách đi đường bộ đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức rà soát tình trạng kỹ thuật, các điều kiện an toàn của những tàu khác đang chạy theo lịch trình để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân sự cố trên.

Thông tư 15/2012 của Bộ GTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách:

Điều 7: Trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông

1. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

2. Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm:

a) Trước khi cho phương tiện rời bến phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một  áo phao hoặc một dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng.

b) Hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện.

3. Từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.

4. Chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn