Những ngày qua, truyền thông Trung Quốc nói chuyến đi lần này là hoạt động lần thứ 2 được Hiệp hội nghề cá địa phương tổ chức sau khi cái gọi là thành phố Tam Sa được thành lập trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 6/2012.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng xua đội tàu 30 chiếc ra Trường Sa đánh bắt hải sản vào tháng 7 nhưng gần như không thu hoạch được gì.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở quần đảo Trường Sa - Ảnh minh họa của báo chí Philippines
Li Nianyou, phó Giám đốc Sở thủy sản tỉnh Hải Nam được tờ China Daily trích lời nói sẽ “cố gắng để đảm bảo an toàn” cho đội tàu cá trong chuyến đi lần này.
Trong khi đó, báo chí Philippines nói rằng Bộ Ngoại giao (DFA), các lực lượng vũ trang (AFP) và Lực lượng Bảo vệ bờ biển (PCG) của nước này đang xác nhận thông tin xung quanh vụ việc Trung Quốc xua tàu cá ra Trường Sa đánh bắt trái phép.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez nói: “Mặc dù mọi quốc gia đều có quyền tự do khai thác hải sản trong vùng biển quốc tế. Nhưng chúng tôi xin nhắc lại rằng, mọi hành động của các bên lúc này đều có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực”.
“Tất nhiên, nếu họ khai thác trên vùng biển quốc tế thì chúng tôi không có ý kiến gì. Chúng tôi chỉ bày tỏ quan ngại khi có sự hiện diện trên vùng biển tranh chấp. Và giờ đây, chúng tôi đang xác minh điều đó”, truyền thông Philippines dẫn nguồn tin Văn phòng Tổng thống.
Năm ngoái, Trung Quốc đã tự ý thành lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Biển Đông lâu nay được cho là nơi có nhiều tài nguyên hải sản và khí đốt. Các chuyên gia ước tính có khoảng 3.5 triệu tấn cá ở vùng biển Trường Sa trong khi sản lượng khai thác chưa đến 3% mỗi năm.
Chuyên gia luật Mỹ phản đối ‘đường lưỡi bò’
Trong khi đó, một giáo sư người Mỹ và chuyên gia về Luật Hàng hải và các vấn đề an ninh gọi đường 9 đoạn của Trung Quốc là “phi lý” và không thuộc quyền lợi của Bắc Kinh.
Bắc Kinh tuyên bố quyền hàng hải được mở rộng tới toàn bộ Biển Nam Trung Hoa và Biển Tây Philipin qua tuyên bố về “đường chính khúc”.
“Đường 9 khúc hoàn toàn không có cơ sở nào trong luật quốc tế và luật biển quốc tế” và “không thuyết phục” theo Moore, giáo sư nghiên cứu luật biển Đại học Luật Virginia, Mỹ.
Ông nói rằng việc làm của Trung Quốc đã gây trở ngại cho tự do hàng hải.
“Lợi ích lâu dài của Trung Quốc nằm ở sự tuân thủ trật tự được thiết lập trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) cũng như bảo vệ tự do hàng hải quốc tế”, giáo sư cho biết.
Lầu Năm Góc, trong các báo cáo hàng năm trước Quốc hội Mỹ nói tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất hiện ở bờ biển phía Tây của Philippines kể từ sau vụ tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).
Báo cáo cho rằng việc thực hiện luật biển quốc tế của tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Philippines đã rơi vào bế tắc kéo dài ở Panatag sau khi hải quân Philippines có những hành động chống lại những "kẻ câu trộm cá Trung Quốc".
Mặc dù những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã giảm bớt cuối năm nay, nhưng cả hai bên vẫn tiếp tục khẳng định quyền tài phán trên các rặng san hô.
Minh Tuyết
Bình luận