“Ngoại trừ một số sự chậm trễ hoặc mất tín hiệu vệ tinh tạm thời, tất cả các tàu Trung Quốc vẫn hoạt động và sử dụng các hệ thống giám sát bình thường”, Đại sứ Trung Quốc tại Ecuador Chen Guoyou phát biểu trước Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ecuador hôm 24/8, cho biết các tàu này chủ yếu đánh bắt mực, với một tỷ lệ nhỏ đánh bắt cá ngừ.
“Đặc điểm hoạt động của các tàu câu mực không cho phép bắt cá mập và các loài sinh vật biển được bảo vệ khác. Trung Quốc là một quốc gia đánh cá lớn... và cũng là một quốc gia đánh cá có trách nhiệm", Đại sứ Trung Quốc Chen Guoyou nhấn mạnh.
Ông Chen Guoyou cho biết các tàu này tuân thủ "nghiêm ngặt" các quy định do Ủy ban Cá ngừ Nhiệt đới Liên Mỹ (IATTC) và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực đặt ra. Theo ông Chen Guoyou, “không có tàu cá Trung Quốc” trong danh sách các tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do các cơ quan này công bố.
Trước đó, Lực lượng vũ trang Ecuador hôm 18/8 chỉ ra mánh khóe hoạt động của các tàu cá Trung Quốc, cho biết hàng chục tàu cá Trung Quốc hoạt động gần Quần đảo Galapagos đã tắt hệ thống theo dõi để không bị giám sát hoạt động.
"Trong số khoảng 325 tàu đánh bắt ở vùng biển gần Galapagos vốn nhạy cảm về mặt sinh thái, 149 tàu cá Trung Quốc đã ngắt liên lạc trong những tháng gần đây", Chuẩn đô đốc Darwin Jarrin - Tư lệnh hải quân Ecuador nói và cho biết một số tàu cũng thay đổi tên để tránh bị giám sát.
Tuyên bố trên được Chuẩn đô đốc Ecuador đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang tìm cách ngăn chặn các hoạt động đánh cá không bền vững, đồng thời tránh đối đầu với Trung Quốc - thị trường xuất khẩu tôm chính, cũng là quốc gia hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Quito.
Từ năm 2017, đội tàu cá của Trung Quốc trong những tháng hè thường tổ chức đánh bắt ở khu vực gần quần đảo Galapagos, nơi tập trung nhiều động vật đang bị đe dọa như mực khổng lồ hoặc cá mập đầu búa.
Hiện chưa rõ sản lượng các tàu cá Trung Quốc đánh bắt được ở Galapagos là bao nhiêu, nhưng các chuyên gia nói rằng các tàu Trung Quốc thường báo cáo sản lượng ít hơn so với thực tế.
Năm 2017, giới chức Ecuador bắt giữ toàn bộ thủy thủ của một tàu cá Trung Quốc vì đánh bắt và vận chuyển trái phép cá mập ở quần đảo Galapagos, với số lượng cá mập có trên tàu lên tới 300 tấn.
Mặc dù vét sạch mực ở biển Nam Mỹ song Trung Quốc đầu tháng 7 này bất ngờ ban lệnh cấm câu mực kéo dài 3 tháng trên vùng biển Nam Mỹ với lý do "thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá ở vùng biển mở". Sản lượng mực tại các vùng biển này gần như cạn kiệt vì tàu cá Trung Quốc.
Tuy nhiên, tạp chí Maritime Executive cho hay, tác động của lệnh cấm này sẽ rất hạn chế. "Hạm đội" tàu cá của Trung Quốc mỗi năm đánh bắt từ 50 tới 70% tổng sản lượng đánh bắt hải sản trên các vùng biển quốc tế. Mực ống chiếm 1/3 tổng sản lượng đánh bắt của Trung Quốc và trong 9 năm liên tiếp, các tàu cá Trung Quốc câu mực nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.
Tàu cá Trung Quốc không chỉ hiện diện ở vùng biển quốc tế ở Mỹ Latinh mà còn hoạt động thường xuyên tại biển Hoa Đông hay Biển Đông. Hoạt động của tàu cá Trung Quốc không chỉ hoạt động đơn thuần với mục đích đánh bắt hải sản thuần túy mà còn có những hành đọng hung hăng, ngang ngược, đối đầu với tàu cá của các nước khác khi hoạt động ở vùng biển quốc tế.
Mới đây, Nhật Bản phát đi cảnh báo lực lượng phòng vệ nước này sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động xâm phạm nào khi nhiều tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Theo Nhật Bản, nếu Bắc Kinh cho phép và khuyến khích tàu cá hoạt động gần quần đảo trên, đây được xem là hành động leo thang trong trong quan hệ song phương.
Bình luận