• Zalo

Tàu 3.000 tấn đâm biến dạng cầu ở Hải Dương: Lộ nhiều sai phạm

Thời sựThứ Năm, 10/03/2016 08:00:00 +07:00Google News

Sau khi xảy ra vụ va chạm tàu trên 3000 tấn đâm vỡ dầm cầu An Thái (Hải Dương), cơ quan chức năngvào cuộc điều tra và phát hiện nhiều sai phạm.

(VTC News) - Sau khi xảy ra vụ va chạm tàu trên 3.000 tấn đâm vỡ dầm cầu An Thái (Hải Dương), cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và phát hiện nhiều sai phạm.

Ngày 9/3, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị vừa có báo cáo chính thức gửi Bộ GTVT về vụ tai nạn tàu thủy đâm va vỡ dầm cầu An Thái (Hải Dương).
Theo đó, hồi 17h, ngày 6/3, tại khu vực Km 19+500 sông Kinh Môn (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), tàu Thành Luân 28, số hiệu HP3016 chạy không hàng xuôi nước, ca bin của tàu đã đâm va vào dầm khoang thông thuyền cầu An Thái.
Hiện trường tàu Thành Luân 28 đâm va vỡ dầm cầu An Thái (Hải Dương) - Ảnh MK
Hiện trường tàu Thành Luân 28 đâm va vỡ dầm cầu An Thái (Hải Dương) - Ảnh MK 

Tàu Thành Luân 28, có công dụng chở hàng khô, số đăng kiểm V15-01853. Chủ phương tiện là doanh nghiệp tư nhân Thành Luân (xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), có trọng tải 3.145 tấn.
Tàu có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa số 00697/14V34 do Chi cục đăng kiểm Hải Hưng cấp ngày 14/4/2015, có hiệu lực đến ngày 21/1/2016.
Người điều khiển phương tiện là ông Trần Huy Du (SN 1977, có bằng thuyền trưởng hạng nhất - T1).

Video Cận cảnh vụ tàu trên 3.000 tấn đâm va cầu An Thái (Kim Thành, Hải Dương)
Trước khi xảy ra vụ tai nạn, ngày 18/2/2016, cán bộ Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Kinh Môn (thuộc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I) phát hiện tàu Thành Luân 28 neo đậu trong vùng nước Cảng đóng tàu Hà Bình (thuộc Km31 + 660 đến Km 32 + 140, bờ phải sông Kinh Thầy).
Đại diện Cảng vụ Kinh Môn đã yêu cầu thuyền trưởng tàu Thành Luân 28 thực hiện làm thủ tục vào Cảng, bến thủy nội địa theo đúng quy định nhưng thuyền trưởng không chấp hành.
Ngay trong ngày 18/2, đại diện Cảng vụ Kinh Môn lập biên bản làm việc với ông Phạm Ngọc Anh - Giám đốc Cảng đóng tàu Hà Bình, thống nhất về việc tàu Thành Luân 28 phải có giấy phép nhập cảng do Cảng vụ cấp mới được lên đà sửa chữa.

Tuy nhiên, từ ngày 18/2 đến ngày 24/2, tàu Thành Luân 28 vẫn neo đậu trong vùng nước và ngày 25/2, Tổ Cảng vụ tàu Cầu Bình phát hiện tàu Thành Luân 28 đang nằm trên đà của Cảng đóng tàu Hà Bình mà chưa hoàn thành thủ tục nhập cảng theo quy định.
Do đó, đại diện Cảng vụ Kinh Môn đã có Thông báo số 06, ngày 25/2, yêu cầu chủ Cảng Hà Bình ngừng sửa chữa tàu Thành Luân 28.
Ngày 26/2, đại diện Cảng vụ Kinh Môn tiếp tục yêu cầu tàu Thành Luân 28 làm việc với Cảng vụ, tuy nhiên vào thời điểm đó, thuyền trưởng, thuyền phó và máy trưởng của tàu đều không có mặt trên tàu.
Đại diện Cảng vụ Kinh môn đã làm việc và lập biên bản xử phạt hành chính đối với chủ Cảng đóng tàu Hà Bình. Từ ngày 26/2-5/3, tàu Thành Luân 28 vẫn nằm trên đà Cảng đóng tàu Hà Bình.
Sau khi lên đà sửa chữa định kỳ tại Cảng đóng tàu Hà Bình (trên sông Kinh Thầy, Hải Dương), sáng ngày 6/3, tàu được hạ thủy, người điều khiển phương tiện đã tự ý điều động tàu hành trình trên sông Kinh Thầy (5km) và sông Kinh Môn (21km) đi về Hải Phòng.

Chủ tàu chưa làm thủ tục rời bến với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cảng đóng tàu Hà Bình (đại diện Cảng vụ Đường thủy Nội địa Kinh Môn thuộc Cảng vụ Đường thủy Nội địa khu vực I).
Đến 17h cùng ngày thì tàu gây tai nạn, ca bin của tàu đâm va vào nhịp giữa cầu An Thái, làm nứt, vỡ 1 dầm phía thượng lưu, tàu Thành Luân 28 bị mắc kẹt giữa khoang thông thuyền.
Ca bin tàu Thành Luân 28 đâm vỡ dầm dự ứng lực cầu An Thái và mắc kẹt tại đó
Ca bin tàu Thành Luân 28 đâm vỡ dầm dự ứng lực cầu An Thái và mắc kẹt tại đó 

Trong một thông tin khác, ngày 8/3, ông Phan Quốc Hiếu - Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) trả lời trên Báo Tiền Phong, theo tính toán sơ bộ của đoàn công tác do Bộ GTVT thành lập, tàu Thành Luân 28 đâm vào cầu An Thái làm hỏng một dầm bê tông dự ứng lực. Việc thay dầm mới dự kiến sẽ mất khoảng 5-7 tỷ đồng.
Ngoài ra, do cây cầu này nằm trong dự án đầu tư BOT thu phí, vụ tai nạn làm ôtô không thể lưu thông nên làm nhà đầu tư thất thu. Theo báo cáo sơ bộ của chủ đầu tư cầu An Thái, doanh thu mỗi ngày đạt khoảng 150 triệu đồng. 
Theo ông Hiếu, việc sửa chữa cầu có thể kéo dài đến 2 tháng nên hậu quả vụ tai nạn gây ra đối với chủ đầu tư khoảng 9 tỷ đồng; nâng tổng thiệt hại của vụ tai nạn này lên đến 14-16 tỷ đồng.
Ông Hiếu cho biết, người trực tiếp gây tai nạn (người điều khiển, chủ tàu) sẽ phải chịu trách nhiệm. “Nếu công ty sở hữu tàu và nhà đầu tư cầu An Thái không thỏa thuận được, sự việc sẽ được giải quyết dựa theo phán quyết của tòa án” - ông Hiếu cho biết.
Mỗi ngày có hàng ngàn <a href='https://vtcnews.vn/oto-xe-may.31.0.html' >ô tô</a> thường xuyên qua cầu An Thái giờ phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ để di chuyển qua sông bằng phà, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp khó có thể tính toán hết được - Ảnh Kiến Thức
Mỗi ngày có hàng ngàn ô tô thường xuyên qua cầu An Thái giờ phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ để di chuyển qua sông bằng phà, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh Kiến Thức 

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lý luồng tuyến đường thủy thuộc Cục Đường thủy nội địa.
Trong công văn chỉ đạo ngày 8/3, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam yêu cầu các phòng ban chuyên môn tiếp tục làm rõ các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra làm rõ.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn