Trên con phố nào đó của Châu Âu vào một buổi chiều gió lộng, có một gia đình nhỏ gồm: bố, mẹ và đứa con nhỏ xíu. Đứa bé chạy loăng quăng và bỗng ngã cái uỳnh. Nó khóc. Ừ thì đau nên phải khóc thôi. Bố mẹ đứa bé thấy vậy liền bảo: "An-Tôn! Đứng dậy nào! Con là nam nhi, tại sao lại khóc? Chỉ việc đứng dậy thôi mà cũng khó vậy sao?". Thế là thằng bé tự đứng dậy và tiếp tục chạy theo.
Vấn đề ở đây không hẳn nằm ở mức độ thấu hiểu của thằng bé về việc mình là đàn ông thì phải mạnh mẽ và không nên khóc mà là bé chẳng thấy bố mẹ chạy lại nâng con, cứ nhiều lần như vậy nên bé phải tự đứng dậy thôi.
Còn ở Việt Nam thì sao nhỉ?
"Con có đau không? Bin có bị chảy máu chỗ nào không? Để mẹ xem nào? Mẹ thương, đừng khóc nữa nào! Mẹ xin lỗi Bin nha" hay cũng có thể người mẹ lập tức trách ông chồng rằng: "Anh này, chả lo cho con gì cả, lần sau phải ẵm nó trên tay suốt quãng đường về nhà đấy".
Đại loại là những câu nói như vậy, và ba chữ "Mẹ xin lỗi" nghe thật nực cười. Xin lỗi ở đây là cái gì vậy? Vì lơ là để con té ngã ư? Chả có ai có lỗi cả, trẻ con ngã tự nó sẽ biết cách đứng lên và cứ lần này qua lần khác sẽ cẩn thận vì con đã-biết-sợ-đau rồi.
"Tật xấu" của các bà mẹ Việt Nam được kể ra ở đây là thương con một cách quá mức. Chính vì như vậy nên con cái càng được đà "cưỡi cổ đội đầu" cha mẹ.
Hôm qua tôi vừa đọc một bài chia sẻ trên mạng xã hội của một người phụ nữ thế này: "Tôi có hai đứa con trai, đứa 3 tuổi và đứa 1 tuổi rưỡi. Chúng có nhiều đồ chơi lắm và cứ thế mỗi lần chơi là chúng lại bày bừa ra đầy nhà. Lần nào con chơi xong tôi cũng phải dọn dẹp cho chúng và cảm thấy rất mệt mỏi. Lần này thì tôi quyết định để cho chúng tự làm. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, tôi bắt cậu lớn dọn đồ chơi, dọn luôn phần em nó. Ban đầu bé không chịu dọn, hoặc có thì chỉ dọn qua loa. Tôi bảo rằng: 'Nếu con không dọn sạch, những gì còn sót lại mẹ sẽ quét hết ra đường và con sẽ không bao giờ gặp lại chúng nữa'. Và tôi làm thật. Nhưng thực tế là sau đó giấu mất tăm. Bé biết là mẹ nói thật. Từ đó về sau, tôi thấy đồ chơi vứt bừa bãi, bảo bé dọn là bé dọn ngay. Cứ thế thì cậu nhỏ cũng lon ton bắt chước cậu anh mà dọn theo".
Đó có thể coi như một kinh nghiệm mà nhiều người phụ nữ khi có con nhỏ nên học hỏi để làm sao dạy con nên người. Đừng vì quá thương con, sợ con đau, tổn thương một chút mà giành hết phần việc cho bản thân mình. Có nhiều bà mẹ vì chịu nhiều áp lực của công việc với gia đình, con cái, mãi đến khi không kìm nén được lại bùng phát rồi đâm ra cãi cọ với chồng và người thân xung quanh.
Đấy là cách tự làm khổ mình, trong khi đứa con lớp 3 của bạn đã biết quét nhà, dọn bàn học của mình; biết tắt tivi, điện trong phòng khi không dùng nữa; thậm chí biết giăng mùng cho cái giường ngủ của mình - vậy thì tại sao người mẹ còn phải làm hết cho con? Phải chăng lí giải của việc này là tội con vì học nhiều quá ư? Sao ta không thử nghĩ con quét cái sân nhà coi như là vừa tập thể dục, thư giãn cơ thể sau khi ngồi quá nhiều ở bàn học lại vừa tập cho con biết sống thế nào là sạch sẽ. “Một công đôi việc” có ích như vậy thì tại sao không để con tự làm?
Có rất nhiều phụ nữ còn thương con theo kiểu con đòi mua gì, ăn gì cũng đều chiều theo. Chẳng hạn như: nếu buổi sáng đến trường, con thấy bạn bè mua gói bim bim ngon, lạ miệng thì con cũng đòi mua. Và để chiều con, bạn cũng mua mấy gói cho con được "bằng bạn bằng bè". Cái thương này của người mẹ là cái thương tai hại nhất trên đời. Những món đồ ăn nhanh ngoài đường đều là những thứ "đang giết mòn" sức khỏe của con đấy, phụ nữ ạ.
Thương con mà mua cho con những món đồ chơi độc hại, không lành mạnh thì có khác nào mình đang mang đến cho con những mầm mống của sự nguy hiểm đâu. Mặc kệ chúng khóc hay đòi thì bạn cũng nên biết cách dạy chúng một cách nhẹ nhàng rằng những thứ đó không có lợi. Hoặc giả như bạn không đủ kiên nhẫn thì chỉ cần nghiêm khắc nói với con: "Mẹ sẽ không bao giờ mua cho con những món đồ ăn, thức uống này, thế nên con chẳng cần khóc làm gì cho người khác cười đâu".
Ngoài những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt ấy, người mẹ thương con nên dạy cho con cả trong những suy nghĩ, tâm thức - đặc biệt khi con đang bước vào tuổi dậy thì. Bạn không nên áp đặt mọi suy nghĩ của mình vào con, dẫu rằng bạn có yêu con, luôn mong cho con tốt nhưng đừng vì những nghĩ suy của bản thân mà quên tới cảm giác của con mình.
Tôn trọng, biết lắng nghe là một cách thông minh để dạy con. Cùng con trò chuyện để thấu hiểu những tâm tư phức tạp đang diễn ra trong trái tim con là điều cần thiết mà người phụ nữ nên làm, để bé con của bạn luôn được hạnh phúc và lớn khôn mỗi ngày.
Hải Văn/ Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Bình luận