Theo Tass, EU có kế hoạch tăng đáng kể lượng khí đốt tự nhiên mua từ Nga thông qua các quốc gia sẵn sàng trả tiền bằng rúp.
Tass dẫn nguồn tin chính phủ từ Brussels, Bỉ cho biết: “Nhóm điều phối khí đốt đã có cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay (27/4) về tình hình ở Ba Lan và Bulgari. Quyết định tạm thời được đưa ra là tăng mua một số lượng lớn khí đốt từ Nga thông qua các kênh còn lại, từ đó cho phép Ba Lan và Bulgari mua thêm khí đốt bổ sung trên thị trường châu Âu. EU cũng đang làm việc với tất cả các đối tác để đảm bảo tăng nguồn cung khí đốt, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)”, nguồn tin nói.
Còn theo RT, động thái nói trên dường như nhằm bù lại nguồn cung thiếu hụt ở Ba Lan và Bulgari sau khi công ty năng lượng Nga Gazprom thông báo sẽ dừng đưa khí đốt đến hai nước này, vì họ từ chối cơ chế trả tiền bằng đồng rúp. Hồi tháng 3, Nga đã yêu cầu người mua từ các nước “không thân thiện” mở tài khoản đồng rúp ở ngân hàng Nga để đổi tiền thanh toán. Phương pháp chỉ áp dụng đối với các quốc gia áp lệnh trừng phạt lên Nga vì hoạt động quân sự tại Ukraine.
“Về lâu dài, các nước EU xác nhận ý định của họ là trong thời gian ngắn nhất – vài tháng hoặc vài năm – sẽ giảm thiểu hoặc hoàn toàn đóng nguồn cung khí đốt từ Nga, thay thế bằng các nguồn khác. EU cũng sẽ tăng tốc chuyển đổi năng lượng xanh”, nguồn tin nói thêm, tái khẳng định chủ trương của khối về việc giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga sau các sự kiện ở Ukraine.
Nguồn tin cũng lưu ý rằng, theo ước tính của EU, Ba Lan và Bulgaria trong tương lai gần sẽ không thiếu khí đốt và có khả năng kĩ thuật để nhập khí đốt từ thị trường châu Âu. Dù vậy Brussels cáo buộc động thái ngừng cung cấp khí đốt cho Warsaw và Sofia là đã “vi phạm hợp đồng dài hạn với các nước này”.
Trước đó, hôm 27/4, Bloomberg đưa tin ít nhất 10 nước châu Âu đã mở tài khoản để trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp, 4 trong số đó đã bắt đầu thanh toán theo đề xuất của Moskva. Theo bài báo, Gazprom cho biết Nga ít có khả năng dừng nguồn cung thêm với các nước khác, cho đến nửa sau tháng 5, khi đến hạn thanh toán tiếp theo.
Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, từ đó vấp phải lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây. Một trong những vấn đề nổi cộm của làn sóng trừng phạt là việc năng lượng Nga đang chiếm phần lớn trong cơ cấu nhập khẩu của châu Âu, khiến khối khó có khả năng hạn chế ngay lập tức các mặt hàng dầu khí từ nước này.
Bình luận