Trong thông báo của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và UBND TP.HCM mới đây, đơn vị này đề nghị Công ty TNHH MTV XNK Nông Lâm Hải sản (công ty con của Sagri) thanh lý hợp đồng hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy về việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Trung Thủy Sagri.
Công ty TNHH Trung Thủy Agri được thành lập năm 2016, do Lê Thanh Vũ là đại diện pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là bất động sản và có số vốn điều lệ khoảng 164 tỷ đồng, đây là ngành nghề kinh doanh mà Sagri không được phép đầu tư.
Trong tổng vốn điều lệ 164 tỷ đồng, Sagri góp hơn 59 tỷ đồng, chiếm 36%; Tập đoàn Trung Thủy góp 104,96 tỷ đồng, chiếm 64% vốn và là cổ đông lớn của Trung Thủy Sagri.
Tuy nhiên, số tiền 59 tỷ đồng mà Sagri góp vốn được Tập đoàn Trung Thủy cam kết tự nguyện cho vay trong 3 năm và không tính lãi.
Theo tìm hiểu, Trung Thủy Sagri được thành lập để thực hiện dự án hợp tác đầu tư Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất có diện tích hơn 650 ha, với tổng vốn đầu tư là 820 tỷ đồng tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Tuy nhiên, dự án này là 1 trong 3 dự án bị UBND TP.HCM giao Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Sagri kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan đối với các sai sót trong tham mưu, đề xuất ký kết hợp đồng hợp tác không đúng quy định vào hồi đầu năm 2018.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra rằng, Sagri đã bàn giao hơn 140 ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
“Việc này là không đúng quy định của Thủ tướng và quyết định của UBND TP.HCM (Quyết định 5039/2013) về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM.
Cụ thể, Quyết định 5039 của UBND TP.HCM có quy định là “không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”, Kiểm toán Nhà Nước nhận định.
Như vậy, chỉ với 36% vốn góp ở công ty liên kết với Tập đoàn Trung Thủy, Sagri là cổ đông nhỏ, không đủ quyền phủ quyết trong các dự án. Thế nhưng Sagri đã gần như dễ dàng giao gần 1.000 ha đất cho Tập đoàn Trung Thủy để đổi về một số tiền vay không lãi trong 3 năm là 59 tỷ đồng.
Ngoài những vụ chuyển giao đất kể trên, Sagri còn ký hợp đồng số 64/HĐ-TCT ngày 27/5/2016 hợp tác với Tập đoàn Trung Thủy năm 2016 trong dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và được đưa vào hoạt động.
Thời hạn hợp tác giữa Sagri và Trung Thủy trong dự án này 20 năm từ thời điểm bàn giao mặt bằng và khoản chia hợp tác 5 năm đầu là 11,7 tỷ đồng.
Được biết, Sagri là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, được thành lập từ cuối năm 1996. Tổng vốn điều lệ tính đến cuối năm 2017 là hơn 1.690 tỷ đồng với nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, song chủ lực vẫn là hoạt động nông nghiệp.
Trong khi đó, Tập đoàn Trung Thủy được thành lập từ năm 1995, chuyên hoạt động trong các lĩnh vực: Bất động sản, Nông nghiệp công nghệ cao, Dịch vụ thương mại,...
Hiện Trung Thủy đang sở hữu nhiều dự án bất động sản, cao ốc văn phòng như tòa nhà The Lancaster tại Hà Nội, khu du lịch cao cấp Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), khu du lịch nghỉ dưỡng Trung Thủy (Đà Lạt), khu tổ hợp căn hộ và dịch vụ (Quận 4, TP.HCM), khu căn hộ cao cấp - văn phòng - trung tâm thương mại (Quận 1, TP.HCM),…
Với đề nghị thanh lý hợp đồng của Kiểm toán Nhà nước, chắc chắn UBND TP.HCM và Sagri phải thực hiện. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến số phận của dự án Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Video: Siêu dự án bỏ hoang, biến thành bãi chăn bò ở Ninh Thuận
Bình luận