• Zalo

Tập đoàn tội phạm bí ẩn nhất thế giới, kiếm lợi hàng năm bằng tổng GDP 3 nước

Thời sự quốc tếThứ Năm, 23/11/2023 08:45:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Hơn 2.000 bản án vừa được tuyên trong phiên toà xét xử lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến tổ chức tội phạm ngầm quyền lực nhất Italia - "'Ndrangheta".

Chưa ai biết các bản án có thể “nhổ tận gốc rễ" mạng lưới tội phạm khét tiếng này hay không, xong phiên toà một lần nữa gây chú ý đến một thế giới bóng tối của những tên tội phạm, có mặt trong các ngóc ngách từ đời sống đến kinh tế, chính trị…

Nguồn gốc của tập đoàn tội phạm ‘Ndrangheta

Những năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, ‘Ndrangheta đã vượt qua băng nhóm Cosa Nostra khét tiếng của Sicily để trở thành nhóm tội phạm có tổ chức quyền lực nhất ở Italia và là một trong những nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới.

Theo TRT, nhóm này có nguồn gốc từ vùng Calabria, nơi “mũi giày” của Italia và gắn bó sâu sắc với truyền thống và phong tục của khu vực. ‘Ndrangheta được thành lập vào năm 1860 bởi một nhóm người Sicilia bị trục xuất khỏi hòn đảo quê hương.

'Ndrangheta dần vươn "vòi bạch tuộc" ra bên ngoài bằng các vụ ám sát đối thủ xuyên quốc gia.

'Ndrangheta dần vươn "vòi bạch tuộc" ra bên ngoài bằng các vụ ám sát đối thủ xuyên quốc gia.

Trong khi tất cả các nhóm mafia ở Italia đều quan tâm đến quyền lực và lợi nhuận thì ‘Ndrangheta được nhận xét là một “nhóm tội phạm truyền thống”, theo Tiến sĩ Anna Sergi, giảng viên cao cấp về tội phạm học tại Đại học Essex, Anh.

Ông Sergi nói: “Hội này có các nghi lễ giống như các nghi lễ của hội Tam điểm cổ xưa. Mỗi hệ thống đều có cấp bậc riêng và các cộng sự sẽ tuyên thệ bằng máu và lặp lại các truyền thống”.

Luật pháp Italia phân loại 'Ndrangheta là mafia vào năm 2010, nhưng nhóm này đã trở nên nổi tiếng ở Italia sau một loạt vụ bắt cóc vào những năm 1980 và 1990. Năm 2007, sự chú ý của quốc tế lần đầu tiên đổ dồn vào nhóm này sau vụ sát hại 6 thành viên gia tộc đối thủ ở Duisburg của Đức, như một phần của mối thù truyền kiếp giữa các gia đình từ San Luca, Calabria.

Những nghi lễ và sự kết nối giữa các thành viên

'Ndrangheta tuyển các thành viên của mình theo nghi thức thề sẽ giữ im lặng suốt đời. 

Một thành viên là Vangelo (Phúc âm) được gọi như vậy vì đã long trọng thề không bao giờ phản bội tổ chức khi đặt một tay lên bản sao Phúc âm. Năm 2014, các thám tử Italia đã ghi lại được đoạn băng hiếm hoi về một nghi lễ tuyên thệ trong băng mafia này. 

Theo đó, ngoài việc thề trên Kinh thánh, các thành viên mới còn thề trước một khẩu súng và một viên thuốc tự sát mà họ thề sẽ sử dụng nếu bị bắt.

Những thành viên này tập trung ở các thị trấn và làng nghèo như San Luca, tương đương với Corleone, ngôi làng Sicilia nổi tiếng trong bộ phim Bố già.

Hệ thống phân cấp bao gồm: Thứ nhất là Giovane d'onore (thành viên danh dự) liên quan đến huyết thống được lấy ngay khi sinh ra và thuộc về con cái của các thành viên;

Thứ hai, là Picciotto d'onore (Người lính danh dự) . Đây là cấp bậc thực sự đầu tiên trong “sự nghiệp” của thành viên nhóm. Cấp này phải chấp hành mệnh lệnh hoàn toàn của người cấp cao hơn trong hệ thống phân cấp để nhận được lợi ích;

Thứ ba, là Sgarritsta (Sếp nhỏ) là những người được sử dụng để nhận hối lộ;

Thứ tư, là Santista (Thánh) - người có nhiều công trạng trong tổ chức;

Thứ năm, là Quintino (Cấp 5) là cấp bậc cao nhất mà một thành viên có thể đạt được, bao gồm một số lượng hạn chế những tên cướp nổi tiếng với trách nhiệm cao trong tổ chức và có hình xăm ngôi sao 5 cánh.

Các thành viên 'Ndrangheta bị bắt giữ sau một chiến dịch truy quét của cảnh sát Italia.

Các thành viên 'Ndrangheta bị bắt giữ sau một chiến dịch truy quét của cảnh sát Italia.

Nhưng vẫn còn một cấp cao hơn là Associazione (Hiệp hội), đại diện cho quyền lực cao nhất của 'Ndrangheta và được bầu chọn tập thể. Ở cấp độ này sẽ là những người đứng đầu các gia đình tham gia vào nhiều chi nhánh, có liên minh và bảo vệ chính trị, đồng thời là những người có khả năng gây ảnh hưởng không chỉ ở khu vực của mình mà còn đến các tổ chức ở nước ngoài.

Tổ chức duy trì mối quan hệ huyết thống giữa các thành viên của mình, thường bằng cách sử dụng hôn nhân. Một chuyên gia nói với Guardian: “Chỉ riêng trong một gia đình đã thực hiện hơn 4 cuộc hôn nhân với một gia đình khác”. Vì tư cách thành viên của 'Ndrangheta chủ yếu giới hạn ở người thân nên các ông chủ cố gắng tối đa hóa số lượng con cháu.

Cũng chính vì điều này mà rất khó tìm ra những nhân chứng chống lại ‘Ndrangheta từ bên trong tổ chức. Để so sánh với các tổ chức khác, trước năm 2008, có hơn 1.000 người cung cấp thông tin về Cosa Nostra ở Sicilia, 2.000 về Naples Camorra và chỉ có 42 người về ‘Ndrangheta. Nhà chức trách khó bắt các thành viên của 'Ndrangheta do thám lẫn nhau, bởi vì tất cả các thành viên của tổ chức mafia này đều là gia đình theo đúng nghĩa đen, không giống như Cosa Nostra cũng chấp nhận người bên ngoài là "gia đình".

Như vậy, ‘Ndragheta giống như một liên đoàn gồm các gia đình mafia tập hợp lại để phối hợp với nhau nhưng nhìn chung là độc lập. Điều này khiến tổ chức giống con rắn nhiều đầu, mà mỗi đầu bị cắt đứt sẽ mọc ra hai đầu mới.

Người chống lại hệ thống này cũng phải chịu những kết cục thảm khốc. Khi Carmelo Novella, người đứng đầu 'Ndrangheta ở Lombardy, cố gắng hoạt động độc lập, ông ta đã bị một trong những thủ lĩnh mafia ở Calabria ám sát vào năm 2008.

Mạng lưới chân rết và những ông trùm đầu sỏ “vào tù ra khám”

Mê cung ngõ hẻm ở các thị trấn như San Luca từ lâu đã trở thành địa bàn hoạt động của băng nhóm. Các thành viên của các gia đình đối địch gặp nhau ở đây để dự các “hội nghị thượng đỉnh hòa bình”, đặc biệt là sau cái gọi là cuộc chiến tranh 'Ndrangheta (từ các tranh chấp băng nhóm mafia) năm 1985-1991 khiến hơn 700 người thiệt mạng.

Cho đến lúc đó, tội ác nổi tiếng nhất của Ndrangheta là vụ bắt cóc John Paul Getty, 16 tuổi, năm 1973 tại Rome, cháu trai của người giàu nhất thế giới - nhà kinh doanh dầu mỏ Getty. 

Nhà Getty lúc đầu từ chối trả tiền. Nhưng sau đó đã phải trả 2,7 triệu USD khi băng nhóm cắt đứt một bên tai của đứa trẻ.

Saverio Mammoliti một trong những thành viên cấp cao của "gia đình" 'Ndrangheta.

Saverio Mammoliti một trong những thành viên cấp cao của "gia đình" 'Ndrangheta.

Một trong những kẻ bắt cóc là tên cướp nổi tiếng Saverio Mammoliti (dường như ở cấp 5). Với biệt danh Playboy, hắn đã cặp kè với hàng loạt phụ nữ xinh đẹp trước khi bị bỏ tù vì hoạt động mafia. Nhưng tên này trốn thoát khỏi nhà tù vào năm 1972.

Bằng tiền, Mammoliti được cho là “sở hữu” các cơ quan thực thi pháp luật địa phương và sống công khai không sợ bị bắt trong 20 năm. Mammoliti thậm chí còn kết hôn với bạn gái 15 tuổi của mình tại một nhà thờ gần đồn cảnh sát. Một loạt cáo buộc liên quan do các công tố viên từ bên ngoài Calabria đưa ra đã bị bác bỏ. 

Năm 1975, Mammoliti bị bắt vì vận chuyển heroin và cocaine. Sau phiên tòa xét xử hàng loạt chống lại 'Ndrangheta vào năm 1982, ông ta bị kết án 33 năm, bản án vẫn được giữ nguyên khi kháng cáo. Hai năm sau, ông ta bị buộc tội giết người và tài sản bị tịch thu. Nhưng lời buộc tội nhanh chóng được bãi bỏ và tài sản được trả lại. Tiếp tục, Mammoliti và vợ Maria bị bắt vì tham nhũng năm 1992 nhưng nhanh chóng được thả vì "thiếu bằng chứng".

Trong vòng vài tháng, cuối cùng ông ta bị buộc tội lặp lại các tội ác trước đó bao gồm một vụ giết người, 6 vụ đánh bom và 19 vụ cướp. “Trùm sò" bị kết án chung thân. Sau một thập kỷ ngồi tù, năm 2003, Mammoliti hợp tác với Tổ chức chống Mafia Italia trong việc điều tra nạn tham nhũng và hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Ông ta cũng thừa nhận mình là một trong những kẻ bắt cóc năm 1973 và đã cắt tai đứa trẻ. Sự hợp tác với Mammoliti dẫn đến việc phát hiện ra các “pháo đài” hang ổ của tổ chức mafia dưới lòng đất ở Calabria.

Khi Mammoliti sang “phe người tốt", nỗi sợ hãi về an ninh trong 'Ndrangheta đã khiến các ông trùm thành lập ra "La Santa", một hội kín bên trong hội kín.

Chỉ có thành viên mới biết những ai là thành viên hội này, và hội cũng được cho là bao gồm một số chính trị gia được xem xét cẩn thận, có liên hệ với nhóm thông qua Hội Tam điểm. Để tránh bị nghe lén, nhóm sử dụng những chiếc còi mà những người chăn cừu ở Calabria sử dụng.

'Ndrangheta từ đó trở nên vô hình đến nỗi dường như không tồn tại trên thế giới. Nhưng ảnh hưởng của tổ chức đặc biệt mạnh mẽ ở Châu Âu, Australia, Canada và Mỹ. Ở Mỹ, 'Ndrangheta được mô tả là "vô hình, giống như phần tối của mặt trăng".

“Tội to, tiền to"

Theo một nghiên cứu của viện nghiên cứu Demoskopika năm 2014, ngày nay, 'Ndrangheta ước tính kiếm được tới 60 tỷ USD mỗi năm, nhiều hơn cả Deutsche Bank và McDonald's cộng lại.

Nói cách khác, doanh thu hàng năm của tổ chức này lớn hơn tổng GDP của các quốc gia như Jordan, Lebanon và Uruguay cộng lại.

Hơn một nửa doanh thu của hội đến từ hoạt động buôn bán cocaine ở châu Âu, với mức độ kiểm soát được cho là lên tới hơn 80% trong số đó, theo báo cáo của Dự án Báo cáo Tham nhũng và Tội phạm có Tổ chức (OCCRP).

Kho vũ khí của 'Ndrangheta bị cảnh sát thu giữ trong một đợt truy quét vào năm 2016.

Kho vũ khí của 'Ndrangheta bị cảnh sát thu giữ trong một đợt truy quét vào năm 2016.

Bên cạnh ma túy, mạng lưới tội phạm này còn nổi tiếng với một số âm mưu tội phạm liên quan đến rửa tiền và trốn thuế trị giá hàng triệu USD, lừa đảo, tống tiền, tham nhũng cấp cao và buôn bán người và vũ khí trên toàn cầu. Thực tế, một trong những vấn đề của tổ chức là có nhiều tiền mặt hơn mức có thể sử dụng được. 

Từ 'Ndrangheta có nguồn gốc từ Hy Lạp và được cho là có nghĩa là "xã hội của những người danh dự".

Theo nhà báo Đức Petra Reski, chuyên gia về các bài viết chống mafia, điều trớ trêu này hiển nhiên không xảy ra trong thực tế. 

Reski cho biết, hoạt động tội phạm rửa tiền lan rộng của tổ chức này ảnh hưởng đến tất cả nhưng thường không được kiểm soát. “Ví dụ, một nhà thầu người Đức biết rất rõ rằng các nhà thầu phụ (giống như mafia) mà anh ta lựa chọn không thực hiện công việc bằng các biện pháp hợp pháp, khi đưa ra một mức bán rất phá giá, nhưng anh ta vẫn chọn họ vì lập luận rằng mình muốn có “thoả thuận rẻ nhất"”.

Sự phát triển của nhóm này cũng một phần lan rộng trong khi các nhà chức trách tập trung vào các tổ chức tội phạm ở Sicilia. Năm 1994, bốn thủ lĩnh của mafia lớn ở Italia gặp nhau ở Hồ Como để chia sẻ thị trường ở phía bắc nước này. Kết quả, 'Ndrangheta chiếm 70% nhờ quyền lực và ảnh hưởng mà tổ chức đã đạt được chỉ trong hai thập kỷ.

Phương Anh(Nguồn: Reuters, VOX, TRT)
Bình luận
vtcnews.vn