Tối 17/9, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân những tấm lòng nhân ái đồng hành cùng Chương trình "Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" lần thứ nhất, năm 2019.
Vượt qua nỗi đau da cam
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng hậu quả chất độc hóa học để lại chưa chấm dứt. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã dành những tình cảm sự ủng hộ đối với nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, các nạn nhân chất độc da cam hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống
Phát biểu tại chương trình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam cho biết, chương trình “Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” lần thứ nhất, năm 2019 là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc khơi dậy và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam, kết nối và lan tỏa những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam trên mọi miền đất nước.
Chương trình tạo tiền đề vật chất cho nạn nhân chất độc da cam thực hiện ước mơ đứng vững trên đôi chân của mình, làm chủ cuộc sống, thắp sáng niềm tin, tương lai tiếp thêm cho họ sức mạnh và ý chí vượt khó vươn lên hòa nhập vào cộng đồng.
“Công tác khắc phục hậu quả đối với môi trường và sức khỏe là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và của cộng đồng xã hội. Chúng ta cần đẩy mạnh phong trào hành động vì nạn nhân chất độc da cam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng các hành động cụ thể”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Với sự chung tay góp sức của nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, từ ngày 5 đến 15 tháng 9 năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã cùng Ban tổ chức, các nhà tài trợ đi thăm, tặng quà các gia đình nạn nhân chất độc da cam tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị gồm trao tặng bò giống sinh sản, hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ gia đình, tặng nhà tình nghĩa…
Chia sẻ tại chương trình, ông Đoàn Thế Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn TMS cho biết: “Di chứng chất độc da cam đã khiến cho nhiều cá nhân, gia đình phải chịu thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống. Là những người thuộc thế hệ sau, chúng ta biết ơn sự hy sinh của cha anh để mang lại bình yên cho đất nước.
Tập đoàn TMS mong muốn thông qua những món quà nhỏ nhưng dành trọn vẹn tình cảm chân thành sẽ là nguồn động viên to lớn cho các nạn nhân chất độc da cam tự tin, giàu nghị lực tiếp tục vươn lên, thoát nghèo trong cuộc sống”.
Tập đoàn TMS là một doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực bất động sản. Trải qua 16 năm trưởng thành và phát triển, TMS Group luôn lấy chữ tín làm kim chỉ nam hoạt động, coi lợi ích của khách hàng là lợi ích của doanh nghiệp, cam kết cung cấp ra cộng đồng các sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt nhất, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Với tinh thần tương thân tương ái, Tập đoàn TMS trao yêu thương, sẻ chia nhiều hoạt động thiện nguyện giàu ý nghĩa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước: trao tặng 500 triệu đồng hỗ trợ nhân dân Bình Định bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 và ủng hộ Ban cứu trợ tỉnh Phú Yên số tiền 100 triệu đồng (2017), trao học bổng và tặng xe đạp cho các cháu học sinh vượt khó đạt thành tích học tập tốt, trao tặng nhà tình nghĩa, tặng các sân chơi ngoài trời cho trẻ em, phối hợp hội chữ thập đỏ tại các địa phương tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho các gia đình chính sách, xây giếng nước sạch cho bà con huyện Mang Yang, Gia Lai, tổ chức chuỗi sự kiện cộng đồng “Hãy làm sạch biển - Tử tế với đại dương” tại 3 tỉnh Bình Định, Quảng Bình và Bình Thuận với sự tham gia của 3.000 người nhằm lan tỏa thông điệp phòng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường biển.
Bình luận