• Zalo

Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam: Chật vật phá sản ngoài ngành, ‘trảm’ nghìn tỷ vốn trong ngành

Kinh tếThứ Ba, 04/04/2017 14:10:00 +07:00Google News

Quá trình thoái vốn ngoài ngành của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không suôn sẻ bởi TKV chưa hoàn thành thủ tục phá sản cho 1 đơn vị, trong khi dòng vốn vào các doanh nghiệp trong ngành cũng kém hiệu quả dẫn đến hàng loạt dự án nghìn tỷ bị “trảm”.

Bản Kết luận Thanh tra của Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính tại Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hé lộ nhiều vấn đề về hoạt động của Tập đoàn này. Theo đó, cả dòng vốn đầu tư ngoài ngành và vốn đầu tư trong ngành của TKV đều có nhiều điểm đáng lưu ý.

Tới nay, TKV đã gần hoàn thiện về thoái vốn ngoài ngành. Dù vậy, TKV vẫn chật vật làm thủ tục phá sản doanh nghiệp tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Ninh. Còn dòng vốn trong ngành của TKV cũng “mắc kẹt” trong những dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Chật vật phá sản doanh nghiệp ngoài ngành

Đầu tư ngoài ngành là một trong những khoản đầu tư khiến nhiều doanh nghiệp Nhà nước lao đao. Vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã trở thành vấn đề cấp bách. Cũng như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác, TKV đã và đang nỗ lực thoái vốn ngoài ngành.

tap doan than khoang san Vietnam

 TKV chật vật thoái vốn ngoài ngành.

Theo bản công bố kết quả thực hiện kế hoạch năm 2016 và mục tiêu năm 2017 của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, tới nay, TKV đã thoái vốn ngoài ngành và thu về 1.962 tỷ đồng, thặng dư 383 tỷ đồng. Sau khi thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, Tập đoàn đã giảm số lượng công ty con từ 66 (năm 2012) xuống còn 49 công ty con, trong đó có 4 công ty TNHH MTV.

Trong khi đó, Bản Kết luận Thanh tra cho biết tới ngày 21/11/2016, TKV đã thoái vốn nhà nước tại 13/17 đơn vị, trong đó có 7 đơn vị ngoài ngành. Hiện tại, TKV vẫn còn 4 đơn vị chưa hoàn tất thoái vốn.

4 đơn vị TKV vẫn chưa hoàn tất thoái vốn là Quỹ đầu tư BIDV-Partner, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, Công ty cổ phần Đại lý Hàng Hải và Công ty cổ phần Vận tải thủy. Giá trị vốn góp còn lại của TKV tại 4 đơn vị này lần lượt là 11,04 tỷ đồng, 48 tỷ đồng, 39 tỷ đồng và 76,45 tỷ đồng.

Điều đáng nói, TKV đã khá chật vật khi thoái vốn tại một vài đơn vị. TKV cho biết dù đã thực hiện 2 lần đầu giá nhưng TKV không bán được cổ phần tại Công ty cổ phần Đại lý Hàng Hải. Vì vậy, TKV đã báo cáo Bộ Công thương để tiếp tục thoái vốn trong năm 2016 theo hình thức thoái vốn theo lô.

Không chỉ có vậy, với số vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, TKV phải “nhờ” Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua lại toàn bộ.

Trong khi đó, một điểm đáng lưu ý nữa chính là TKV chưa hoàn thành việc phá sản doanh nghiệp tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Ninh. TKV đã góp 20,52 tỷ đồng để nắm giữ 36% vốn tại công ty này. Công ty này đã thua lỗ 90,3 tỷ đồng;

“Trảm” ngàn tỷ vốn trong ngành

Không chỉ chật vật vì vốn ngoài ngành, TKV còn nặng gánh với vốn trong ngành. Bên cạnh hàng loạt dự án thua lỗ nghìn tỷ, TKV còn có nhiều dự án nghìn tỷ khác bị “trảm”.

Điển hình nhát là Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng. Sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ 10/2013 đến hết tháng 9/2016, dự án này đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá lên tới 1.176 tỷ đồng.

Con số thua lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ kế dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá).

Trong khi đó, có tới 14 dự án với tổng mức đầu tư 6.773,76 tỷ đồng dừng thực hiện. Trong đó, “đình đám” nhất là dự án đầu tư Cảng Kê Gà. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 3.768 tỷ đồng. Dự án được triển khai từ tháng 6/2011 với chi phí chuẩn bị 28,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án này đã bị dừng từ 20/20/2014. Dự án này gặp lùm xùm quanh việc hỗ trợ, bồi thường cho 12 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Và ngay cả khi dừng triển khai, dự án này vẫn khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu”.

Video: Nhiều lãnh đạo thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị bắt

Trả lời trên Lao động, ông Lê Tiến Phương - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: “Việc thay đổi chủ trương (dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà) đã gây ra sự tổn thất lớn cho các doanh nghiệp hoạt động ngành du lịch; vì từ đó đến nay, nếu các khu du lịch không bị ảnh hưởng bởi dự án cảng Kê Gà đã phát triển thu hút được lượng khách đến nghỉ dưỡng tương đối nhiều”.

Cùng với dự án đầu tư Cảng Kê Gà, một vài dự án “tiêu biểu” khác của TKV phải dừng thực hiện có thể kể đến như dự án Nhà máy Nhiệt điện Lý Sơn, dự án Trạm biến áp và đường dây cao thế 110KV, dự án Khu liên hợp Gang thép Lào Cai,…. Các dự án này cũng có vốn đầu tư rất lớn.

Bảo Linh
Bình luận