Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xoay quanh kế hoạch sản xuất, kinh doanh 2020. PVN cho biết dịch bệnh Covid-19 và giá dầu thô lao dốc tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Theo đó, ngày 9/3, giá dầu Brent có lúc giảm mạnh xuống 31,02 USD/thùng, giảm 30% so phiên đóng cửa ngày 6/3 (45 USD/thùng) – mức giá thấp nhất trong 4 năm qua – và hiện dao động quanh mốc 36-37 USD/thùng.
Với giá dầu thô như hiện nay, hoạt động khai thác dầu khí của Tập đoàn rất khó khăn. Cụ thể, giá thành trung bình của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Vietsovpetro (VSP) - hai đơn vị chủ lực của PVN trong hoạt động thăm dò - lần lượt là 62 USD/thùng và 43 USD/thùng, giá thành trung bình của PVN là 51 USD/thùng, cao hơn giá dầu hiện tại khoảng 14-15 USD/thùng, khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Giá dầu lao dốc kết hợp tác động của dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu đi lại, sản xuất, tiêu thụ dầu thô và sản phẩm dầu. Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Hiện tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khoảng 70-85%, trong khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngày càng khó do khách lùi lịch nhận hàng.
Thêm đó, sản lượng tiêu thụ phân Ure và NPK không đạt kế hoạch, do nhu cầu thấp, nhất là trong bối cảnh khu vực miền Tây tình hình hạn mặn rất cao. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Nông dân không đầu tư sản xuất, giảm lượng canh tác, dẫn đến nhu cầu phân bón giảm. Dự kiến hai đơn vị thuộc PVN là Tổng công ty cổ phần Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đơn giá cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí do các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Theo PVN, hiện giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các cỡ tàu đều giảm mạnh (tàu VLCC giá cước giảm còn 15.000-20.000 USD/ngày, tàu Aframax giảm cước hơn 50%...).
Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh tác động đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng. Dịch bệnh nếu kéo dài dẫn đến các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn. Đối với hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí ở nước ngoài, việc đưa lao động đi làm việc cũng gặp khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí.
PVN dự báo nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý II và cả năm 2020 thì nhu cầu về dầu thô, sản phẩm xăng dầu suy giảm rất lớn… sản xuất kinh doanh của Tập đoàn ảnh hưởng rất nặng nề.
“Với kịch bản giá dầu bình quân cả năm 45 USD/thùng, thì dự kiến 2020 tổng doanh thu Tập đoàn đạt 570,6 nghìn tỷ đồng, giảm 70 nghìn tỷ đồng so kế hoạch năm (xây dựng dựa trên mức giá 60 USD/thùng), lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, giảm 20,7 nghìn tỷ đồng so kế hoạch năm”, báo cáo nêu.
Nhằm đối phó thực trạng khó khăn trên, PVN đưa ra loạt giải pháp gồm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân vốn; tăng cường thu hồi công nợ, gia tăng dòng tiền và cấu trúc lại các dự án có hiệu quả đầu tư thấp, không sinh lời. Đặc biệt, toàn Tập đoàn tập trung bám sát diễn biến thị trường giá dầu để có các giải pháp kịp thời, trong đó xem xét định hướng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
PVN cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu để doanh nghiệp sản xuất xăng dầu và phân bón có thể xuất khẩu, tránh tình trạng tồn kho.
Đồng thời có ý kiến với Bộ Tài chính giãn nộp thuế và bảo hiểm cho PVN cùng các đơn vị thành viên đến hết năm mà không tính lãi phạt chậm nộp. Bộ Tài chính cũng cần có hướng dẫn đối với thời điểm lập hóa đơn điện tử xuất bán hàng hóa của công ty phù hợp với quy định Nghị định số 119/2018/NĐ-CP nhằm tiếp tục tạo sự ổn định về chính sách cho Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Bên cạnh đó, có ý kiến với các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Bình luận