Theo phương án cổ phần hoá vừa được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) công bố, giá trị thực tế của doanh nghiệp cho mục đích xác định quy mô vốn điều lệ là 40.736 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm hơn 95%.
Đóng góp lớn trong số này là quỹ đất rộng 244.000 ha phân bố rộng khắp tại 18 tỉnh thành trên cả nước, thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên, đơn vị sự nghiệp.
Giá khởi điểm được xác định theo phương pháp tài sản cho việc phát hành cổ phần lần đầu là 12.200 đồng. Thông qua đơn vị xây dựng phương án cổ phần hoá là Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), giá khởi điểm được đề xuất lên 13.000 đồng một cổ phần.
Trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động hiện tại, tập đoàn thống nhất trình Thủ tướng mức giá này và ước tính số tiền thu về từ bán cổ phần khoảng 12.834 tỷ đồng.
Việc bán cổ phần được thực hiện theo trình tự đấu giá công khai trước. Trường hợp bán không hết khi đấu giá công khai thì chuyển sang phương thức bán thoả thuận, nếu vẫn không thành công thì đề nghị Thủ tướng phê duyệt phương án bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Căn cứ vào kết quả này, tập đoàn mới tổ chức đợt bán cho người lao động, tổ chức công đoàn và nhà đầu tư chiến lược theo nguyên tắc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của đợt đấu giá công khai.
Tập đoàn dự kiến chào bán một tỷ cổ phần trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng, tương đương 25% vốn điều lệ. Trong đó, khối lượng bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược đều là 475 triệu cổ phần.
Phần còn lại sẽ bán cho tổ chức công đoàn, người lao động thường xuyên theo số năm công tác hoặc đủ điều kiện cam kết mua thêm cổ phần ưu đãi.
Đối với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đang nhắm đến những tổ chức hoặc doanh nghiệp trong nước có vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế trong 3 năm liên tiếp và không có lỗ luỹ kế tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016.
Trong trường hợp nhà đầu tư có năng lực tài chính trung bình nhưng hoạt động tối thiểu 3 năm trong các lĩnh vực phù hợp với ngành nghề sản xuất chính của tập đoàn như tiêu thụ cao su thiên nhiên, chế biến sản phẩm công nghiệp cao su… thì vốn điều lệ tối thiểu phải đạt 1.000 tỷ đồng.
Video: Những thương vụ triệu đô của ông Trầm Bê
Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng phương án cổ phần hóa, chưa có đơn vị nào đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa công ty mẹ.
Thông báo kết luận của Thủ tướng hồi cuối tháng 6 yêu cầu tập đoàn hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu vào ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn cho rằng vì quy mô lớn và có thể phát sinh nhiều vấn đề phải xin chủ trương của Chính phủ nên đề nghị chấp thuận thời gian 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hoá được phê duyệt.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiền thân là Ban Cao su Nam bộ và chuyển thành sang Tổng Công ty Cao su Việt Nam (trực thuộc Bộ Nông nghiệp) từ tháng 7/1977.
VRG nhận quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau gần 30 năm hoạt động theo mô hình tổng công ty. Đến năm 2010, công ty mẹ của tập đoàn được chuyển thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tại thời điểm chốt giá trị doanh nghiệp, tập đoàn có 123 đơn vị thành viên. Trong đó, 75 doanh nghiệp cấp II và 48 doanh nghiệp cấp III.
Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 19.900 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và sản lượng sau cổ phần hoá dự báo đạt 15% mỗi năm. Đến năm 2020, sản lượng cao su tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn, mang về 40.000 tỷ đồng doanh thu và có mức chia cổ tức 10%.
Bình luận