Trong cuộc khủng hoảng đối mặt với đại dịch COVID-19, Việt Nam là một quốc gia thành công trong việc khống chế sự lây lan của đại dịch; là hình mẫu về việc triển khai các biện pháp tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, y tế, an ninh,truyền thông…và toàn thể nhân dân cùng tham gia chống dịch.
Phù hợp với chủ đề của Đại hội đồng ABU 2020 là “Truyền thông trong thời đại khủng hoảng: Sáng tạo và đổi mới phục vụ đa nền tảng”, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trả lời phỏng vấn Tạp chí ABU về những kinh nghiệm của Việt Nam nói chung, cũng như của Đài TNVN - một cơ quan truyền thông chủ lực trong công tác tuyên truyền phòng, chống đại dịch.
VTC News xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn trên Tạp chí ABU số ra tháng 6/2020.
- Thưa PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, xin ông cho biết tại sao Việt Nam thành công trong việc hạn chế sự lan rộng của đại dịch COVID-19?
Kể từ tháng 3/2020 đến nay, đại dịch Covid 19 đã lan rộng khắp hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới và gây ra nhiều hậu quả lớn về mọi mặt trong đời sống xã hội. Việt Nam đã nỗ lực hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh thông qua việc áp dụng và kết hợp triệt để nhiều chủ trương và biện pháp đúng đắn, nhất quán từ cấp Trung ương đến địa phương, thể hiện ở sáu chiến lược cốt lõi:
Thứ nhất, Việt Nam đề cao công tác thông tin, tuyên truyền về sự nguy hại của đại dịch COVID-19 nếu để nó lây lan trong cộng đồng. Do đó, cả xã hội phải tích cực phòng chống, đẩy lùi đại dịch COVID-19. Ngay từ đầu, Việt Nam đã áp dụng triệt để các biện pháp chống dịch như sàng lọc, phân loại, khoanh vùng, cách ly hoàn toàn nguồn lây để giảm đến mức thấp nhấtkhả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Những quyết sách đúng đắn, nhạy bén này là điều tiên quyết cho sự thành công của Việt Nam.
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực xã hội tập trung cho chống dịch. Lực lượng nòng cốt là các y, bác sĩ, điều dưỡng, những nhà quản lý, nhà khoa học, các bệnh viện, trung tâm y tế từ trung ương đến địa phương. Lực lượng phối hợp là công an, quân đội, giao thông, hải quan, biên phòng…
Thứ ba, sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân Việt nam. Nhân dân chấp hành, tuân thủ một cách tự giác các biện pháp quyết liệt để giãn cách xã hội, cách ly cộng đồng. Trong đại dịch, tình người càng được thể hiện một cách cảm động, nhân văn, sẻ chia, đùm bọc.
Thứ tư, Việt Nam ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Tất cả người dân phải tham gia kê khai y tế điện tử, báo cáo lịch trình xuất nhập cảnh để đảm bảo kiểm soát tối đa hoạt động của mọi người. Đồng thời, Việt Nam nâng cấp cơ sở vật chất y tế để đáp ứng nhu cầu điều trị và dự phòng. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus mới (2019-nCoV), sản xuất bộ kit xét nghiệm virus Corona cung cấp cho nhiều nước.
Thứ năm, Việt Nam phát huy tối đa hoạt động của tất cả các kênh báo chí, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh và phát hiện sớm dịch bệnh. Hệ thống báo chí truyền thông là mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan truyền thông bao gồm: hai Đài phát thanh, truyền hình quốc gia, các Đài PTTH tỉnh, thành phố, báo, tạp chí, và hệ thống hàng chục nghìn cụm loa phường, xã.
Thứ sáu, Việt Nam linh hoạt trong quyết sách ứng phó với đại dịch. Sau khi đã khống chế cơ bản tình hình dịch bệnh trong nước, Chính phủnhanh chóng chuyển sang giai đoạn mới, vừa quyết liệt chống dịch nới lỏng giãn cách xã hội và đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành, các địa phương triển khai biện pháp giải cứu, hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai gói an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn trong xã hội.
Với việc thực hiện đồng bộ và phối hợp linh hoạt nhiều chiến lược khác nhau, Việt Nam đã đối phó thành công với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế đến giữa tháng 6/2020, số người mắc COVID-19 ở Việt Nam là hơn 300 người (chủ yếu là các trường hợp bị lây nhiễm từ nước ngoài về nước), đã chữa trị khỏi 96,7 % người nhiễm, và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Đây được xem là những con số vàng của Việt Nam trong công cuộc chống dịch.
- Ông có thể cho biết vai trò của Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) như thế nào trong việc tuyên truyền cho công chúng về đại dịch COVID-19?
Với đầy đủ bốn loại hình báo chí: phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin như VOV Media, VTC Now, Đài TNVN đã tận dụng tối đa lợi thế truyền thông đa phương tiện để phục vụ khán, thính giả trong và ngoài nước.
Các bản tin, phóng sự, tin bài, chương trình tường thuật trực tiếp về đại dịch COVID-19 được truyền tải hiệu quả bằng 12 thứ tiếng nước ngoài và 13 tiếng dân tộc thiểu số trên 8 kênh phát thanh, 17 kênh truyền hình, một báo in Tiếng nói Việt Nam và tạp chí Sóng Việt, cùng 2 tờ báo điện tử (VOV.VN, VTCNews) đến tất cả các tỉnh, huyện, xã, nhất là vùng núi xa xôi hẻo lánh...
Trên tất cả các phương tiện truyền thông của Đài TNVN, chủ đề về COVID-19 luôn được ưu tiên phản ánh đậm nét, liên tục, chiếm thời lượng, dung lượng lớn.
Nội dung các chương trình được đổi mới với nhiều cách thức làm báo hiện đại, sáng tạo như phỏng vấn hiện trường, talk show với chuyên gia, người nổi tiếng, chương trình tương tác với khán thính giả tìm hiểu về COVID-19, hàng loạt phóng sự phản ảnh về tình hình chống dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới...Trung bình, mỗi ngày Đài TNVN phát sóng khoảng 250 bản tin, phóng sự, chương trình về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Mạng lưới 13 cơ quan thường trú rộng khắp của Đài TNVN có mặt tại các địa bàn trọng điểm trên thế giới đã phát huy sức mạnh thông tin tổng thể nhằm phản ánh khách quan, chính xác và cập nhật về tình hình dịch bệnh tại nước sở tại.
Trên tất cả các phương tiện truyền thông của Đài TNVN, chủ đề về COVID-19 luôn được ưu tiên phản ánh đậm nét, liên tục, chiếm thời lượng, dung lượng lớn.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ
Nội dung phản ánh cụ thể bao gồm: tình hình ứng phó với dịch bệnh, cập nhật các quyết sách của lãnh đạo các nước, phản ánh cuộc sống của người dân và ảnh hưởng của COVID-19, góc nhìn của chuyên gia, nhà nghiên cứu trên thế giới về dịch bệnh...
Mỗi cơ quan thường trú của Đài TNVN tại nước ngoài là một mắt xích quan trọng góp phần xây dựng mạng lưới thông tin vững mạnh, tiên phong của Đài TNVN trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19.
- Đài TNVN đã triển khai các chương trình phát thanh truyền hình sáng tạo để đối mặt với khủng hoảng và phục vụ khán thính giả như thế nào?
Là cơ quan báo chí chủ lực hàng đầu quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam làm tốt vai trò định hướng, đưa ra những thông tin chính xác, chính thống; khẳng định vai trò của Đài là một kênh thông tin tin cậy nhất trong việc phòng, chống dịch. Đài TNVN đã xây dựng chiến lược truyền tải thông tin với nhiều hình thức sáng tạo để tăng cường sức mạnh tuyên truyền, cụ thể như sau:
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, trong đó nổi bật là: xây dựng các chương trình, các chuyên đề truyền thông về đại dịch COVID-19; tổ chức các cuộc thi sáng tác, biểu diễn dân ca, ca khúc và kịch ngắn về dịch COVID-19, kêu gọi đông đảo khán thính giả tham gia nhằm lồng ghép thông điệp tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Các tác phẩm được giải sẽ được các nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng thể hiện để tăng tính lan tỏa trong xã hội.
Xây dựng chương trình dạy học trực tuyến dành cho học sinh các cấp qua hệ thống truyền hình của Đài và ứng dụng trực tuyến VTC Now.
Mở chuyên mục “Thông tin cần biết về virus corona” trên ứng dụng App VTC Now , liên tục phát sóng trực tiếp các sự kiện nóng hổi như: các cuộc họp báo của Bộ Y tế, cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch virus corona; đưa tin sâu về các buổi họp báo của Trung Quốc, của Tổ chức Y tế thế giới…
Ứng dụng VTC now của Đài đã có hơn 10.000 thành viên theo dõi, và mỗi khi có sự kiện đều được chia sẻ trong các group, diễn đàn… có những lúc gần 50.000 người cùng xem một lúc, 175.376 người thích trang fanpage này.
Xây dựng nhiều chương trình phát thanh chuyên đề đặc biệt như: “Cuộc chiến chống COVID 19 và những tấm gương quả cảm”; “Cuộc chiến với lũ giặc vô hình”; “Cuộc chiến đấu sinh tử” và phát sóng trên các kênh sóng của Đài TNVN bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí để tối ưu hóa nội dung tuyên truyền: Nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài được đăng tải trên mạng xã hội, fanpage và trên 4 loại hình báo chí... để tiếp cận công chúng, tăng tính tương tác mạnh mẽ.
Đài TNVN được xem là nguồn tin chính thống, bổ ích, cung cấp cho công chúng kinh nghiệm, kiến thức trong những tình huống khó khăn.
- Xin ông cho biết chiến lược ngắn và dài hạn của Đài TNVN đối với đại dịch COVID-19 cũng như các khủng hoảng trong tương lai?
Thực tế đã chứng minh báo chí, phát thanh, truyền hình và hệ thống truyền thông đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống đại dịch COVID-19 nói riêng và các cuộc khủng hoảng nói chung.
Đó là việc thông tin về khủng hoảng như thế nào, phân tích và dự báo từ quá khứ, hiện tại và tương lai ra sao, trách nhiệm của cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trước khủng hoảng.
Năm 2020, Đài TNVN vinh dự là đơn vị đăng cai tổ chức Đại hội đồng ABU lần thứ 57 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đồng ABU với chủ đề “Truyền thông trong thời kỳ khủng hoảng: Sáng tạo và đổi mới nội dung phục vụ đa nền tảng”, hứa hẹn sẽ là diễn đàn trao đổi hữu ích về các chiến lược nội dung đối phó với khủng hoảng.
Đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới, trong đó có ngành truyền thông, phải đối mặt và tìm cách khắc phục những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 thì chủ đề này càng trở nên thời sự và cấp thiết.
Trước bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, Đài TNVN cũng đề ra một số chiến lược ngắn và dài hạn quan trọng để đối phó với khủng hoảng, cụ thể như sau:
Về ngắn hạn, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho cộng đồng về tình hình khủng hoảng hiện nay và những kinh nghiệm đối phó.
Tận dụng tối đa các phương tiện của Đài TNVN và cả mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến để nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin, phục vụ nhu cầu nghe nhìn đa dạng của công chúng.
Tổ chức nhiều chương trình trao đổi, tọa đàm nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, trên tinh thần xác định sống chung với khủng hoảng và tìm cách hạn chế, đẩy lùi tác hại của khủng hoảng.
Về dài hạn, xây dựng nhóm phóng viên, biên tập viên chuyên trách, giàu kinh nghiệm tuyên truyền dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng để luôn sẵn sàng tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh.
Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử của Đài TNVN thông qua chiến lược xây dựng phát triển nội dung theo 4 nhóm chính yếu: nhóm tin tức, thời sự chính luận đối nội và đối ngoại; nhóm nội dung mang tính phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; nhóm nội dung về giải trí và nhóm nội dung mang tính thương mại.
Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ để thích nghi, đáp ứng tốt nhu cầu mới của công chúng.
- Đài TNVN có thể đưa ra một số lời khuyên / kinh nghiệm cho các đồng nghiệp trong khu vực nói riêng cũng như thế giới nói chung để đối phó với những thách thức của khủng hoảng?
Khủng hoảng là một trong những thách thức khó tránh khỏicủa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Để đối phó với khủng hoảng, mỗi quốc gia đều xây dựng những chiến lược riêng để phù hợp với hoàn cảnh và tiềm lực.
Xét về chức năng tuyên truyền, Đài TNVN chú trọng phát huy tối đa khả năng để góp phần đối phó thành công với khủng hoảng. Đài TNVN xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:
Luôn theo dõi sát sao và đưa tin về khủng hoảng một cách trung thực, bình tĩnh, khách quan, có trách nhiệm trên tất cả các loại hình báo chí, bằng nhiều hình thức và ngôn ngữ (ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số...) để tiếp cận đến đại đa số người dân ở mọi vùng miền.
Tìm hiểu về những thói quen, sở thích của dân tộc để biến thành công cụ tuyên truyền hiệu quả. Ví dụ: Ở Việt Nam, người dân rất thích sáng tác, nghe và biểu diễn những làn điệu dân ca quen thuộc, giản dị, Đài TNVN đã sử dụng làn điệu dân ca để lồng ghép thông điệp tuyên truyền về khủng hoảng.
Huy động những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng tham gia vào các chương trình PTTH để tăng hiệu ứng lan tỏa thông điệp về khủng hoảng đến người dân.
Xây dựng nhiều chương trình, hoạt động sáng tạo để tăng tính tương tác với khán thính giả.
Xây dựng hình ảnh Đài TNVN luôn gần gũi, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn với công chúng.
Tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam và quốc tế để thông tin về khủng hoảng, góp phần xử lý khủng hoảng một cách tốt nhất.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận