(VTC News) - Một ngày không xa nữa vỏ tôm sẽ trở thành một trong những nguyên liệu tuyệt vời nhất trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa hiện nay.
Nhựa tổng hợp là một vật liệu khá phổ biến trong xã hội hiện đại do có tính đàn hồi và tính bền cao. Tuy nhiên, nguyên liệu chủ yếu để làm nhựa hiện nay là các hợp chất cao phân tử rất khó phân hủy và sẽ bị biến thành các chất có hại khi nhiệt độ thay đổi.
Vì vậy mới đây các nhà khoa học của trường Đại học Harvard đã nghiên cứu ra một loại nhựa sinh học được làm từ vỏ tôm. Nhóm nghiên cứu sử dụng chất dẻo chitosan chế biến từ vỏ tôm – một dạng khác của chitin.
Tiến sĩ Javier Fernández (trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết hiện nay vỏ tôm bị bỏ đi rất nhiều gây lãng phí một nguồn lớn chitin. Hơn nữa chitin không chỉ có trong vỏ tôm mà nó còn là loại polymer nhiều thứ hai trên trái đất.. Nên sử dụng chitin làm nguyên liệu sẽ cho ra sản phẩm có giá thành rất rẻ và thân thiện với môi trường.
Ưa điểm lớn nhất của loại nhựa sinh học mới này chính là khả năng phân hủy nhanh sau khi không sử dụng. Độ dẻo dai thì không hề thua kém các loại nhựa truyền thống. Hiện nay nhóm nghiên cứu đã cho ra đời các sản phẩm đầu tiên như ca và cốc nhựa nhỏ.
Họ hy vọng rằng trong một tương lai không xa họ sẽ sản xuất ra được các sản phẩm lớn hơn đáp ứng được mọi yêu cầu của người tiêu dùng. Đây sẽ là tin mừng cho các công ty sản xuất tôm đông lạnh vì hàng năm phải bỏ đi rất nhiều vỏ tôm gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Nhà máy sản xuất nhựa sinh học từ chitin đầu tiên sẽ được xây dựng ở California trong thời gian không xa. Nếu nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho thị trường các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường và có giá thành rất phải chăng.
Minh Hiếu
Bình luận