‘Táo giao thông’ Chí Trung được đề cử GĐ NH Tuổi trẻ

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 03/05/2012 04:00:00 +07:00

(VTC News) - Vượt qua NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú, “Táo giao thông” Chí Trung đã nhận được 23/43 phiếu tín nhiệm cho chức GĐ Nhà hát Tuổi Trẻ.

(VTC News) - Vượt qua NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú, “Táo giao thông” Chí Trung đã nhận được 23/43 phiếu tín nhiệm cho chức Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Những cái tên được đề cử giữ chức phó Giám đốc là hai gương mặt trẻ Như Lai, Sĩ Tiến bên cạnh NSƯT Anh Tú.

Trên đây kết quả sau buổi làm việc căng thẳng giữa lãnh đạo mới của Nhà hát Kịch quốc gia VN với các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ vào sáng 2/5. Theo NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia VN, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm này sẽ được gửi lên Bộ VH,TT&DL để làm căn cứ bổ nhiệm chính thức.

Vượt qua NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú, “Táo giao thông” Chí Trung đã nhận được 23/43 phiếu tín nhiệm cho chức Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ.  

Lãnh đạo coi thường nghệ sĩ?

Tin đồn sáp nhập hai nhà hát Kịch Việt Nam và nhà hát Tuổi Trẻ đã được manh nha từ khi NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ được giao trọng trách thay ông Nguyễn Anh Dũng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam từ ngày 30/6/2009.

Nhưng theo bày tỏ của các nghệ sĩ thì họ không hề được hỏi ý kiến hay lấy biểu quyết về việc có đồng ý hay không đồng ý sáp nhập Nhà hát Tuổi Trẻ vào Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát Kịch quốc gia VN.

NSƯT Anh Tú bày tỏ sự không hài lòng về việc các lãnh đạo Bộ và Nhà hát thiếu tôn trọng nghệ sĩ, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của họ. Anh cũng chỉ ra, hiện trạng của Nhà hát Tuổi Trẻ là ban lãnh đạo mất đoàn kết, không đấu tranh thẳng thắn với nhau.

Chung nỗi băn khoăn, NSND Lan Hương cũng bày tỏ thắc mắc, vì sao chuyện hợp nhất không có lộ trình, không bàn bạc với nghệ sĩ.

Chị nhận xét: “Khi đọc quyết định sát nhập, tôi thấy mọi thứ đều chỉ là hứa hẹn không có văn bản về hạ tầng cơ sở. Giám đốc Lê Hùng tuyên bố rằng: Bộ sẽ cho 40 tỷ đồng/một năm để hoạt động. Thế văn bản đâu? Năm 2003, ông Trần Tiến Thuật - Giám đốc tiền nhiệm đã xin Bộ Văn hóa và Nhà nước được một lô đất gần 1 ha tại Mỹ Đình - một thế đất mà chúng tôi đến xem thấy vô cùng tuyệt vời và hy vọng, bản thiết kế đã xong mang tầm quốc tế. Đến khi ông Lê Hùng kế nhiệm thì không thực hiện được và mảnh đất đó đã bị Nhà nước thu hồi. Vì thế cho nên sự sát nhập này liệu có phải bị “đẻ non” quá không?”.

NSND Lan Hương vài ngày trước đã có một lá đơn lên tiếng khiếu nại về việc đoàn kịch hình thể - thể nghiệm (do chị làm Trưởng đoàn) đang bị lãnh đạo Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam (thành lập từ tháng 4/2012 trên cơ sở sáp nhập Nhà hát Kịch Việt Nam và Tuổi Trẻ)... bỏ rơi. Trong lá đơn này (được viết vào 30/4), Lan Hương đặt ra khá nhiều câu hỏi về việc sáp nhập nói trên.

NSND Lan Hương bày tỏ thắc mắc: vì sao chuyện hợp nhất không có lộ trình, không bàn bạc với nghệ sĩ .

Về định hướng hoạt động của Nhà hát, NSND Lan Hương cho biết: “Chúng tôi cảm thấy hoang mang và bối rối trước những câu hỏi: Có một Nhà hát là Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam mà liệu phía dưới nó có những Nhà hát nhỏ không? Nếu có những Nhà hát nhỏ thì liệu có con dấu riêng và tài khoản cho từng Nhà hát nhỏ này hoạt động không?”.

Theo phân tích của chị, nếu chỉ sáp nhập mà không có sự thay đổi cụ thể về đường hướng biểu diễn thì Giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia VN vừa được thành lập cũng không khác gì so với Nhà hát Kịch VN cũ.

Hơn nữa cũng theo Lan Hương thì chị không chống lại việc sáp nhập, mà chị chỉ muốn khi sáp nhập phải có lộ trình về thời gian cũng như phải có được một đề án nêu rõ phương hướng hoạt động cũng như tổ chức của từng đơn vị thành viên trong Nhà hát Kịch quốc gia VN.

Lo xa hơn, NSND Lan Hương cho rằng nếu sáp nhập sẽ khiến cho Nhà hát Tuổi Trẻ lẫn Nhà hát kịch VN mất đi thương hiệu đã dày công xây dựng của mình. Và với một bộ máy hoạt động không có các phòng ban chức năng riêng của từng nhà hát, mà quy các phòng ban chức năng về Nhà hát Kịch quốc gia VN, liệu Nhà hát Tuổi Trẻ có còn là Nhà hát hay nó sẽ bị biến thành một đoàn kịch trong Nhà hát Kịch quốc gia VN?

Khi được hỏi có sự thắc mắc, đau đáu của nghệ sĩ, ông Hùng có gặp riêng đoàn kịch hình thể để giải đáp kiểu “trong nhà đóng cửa bảo nhau” hay không, tân giám đốc nói: “Không cần thiết, tôi đã nói trong cuộc họp các lãnh đạo đoàn rồi!”.

Sáp nhập để tránh phải “xã hội hóa”

NSND Lê Hùng cho hay, nếu không có chuyện hợp nhất với Nhà hát Kịch Việt Nam, chỉ vài tháng nữa nhà hát Tuổi Trẻ sẽ phải xã hội hóa, tự bươn chải giống như Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN và Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc VN. Ông cho rằng, nếu tự trang trải thu chi, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ “chết” sau vài ba năm. Vì vậy, chuyện hợp nhất là một trong những lí do quan trọng để “cứu” Nhà hát Tuổi Trẻ.

Giải thích trước thắc mắc của các nghệ sĩ về việc tại sao không thành lập Kịch viện, như ý tưởng ban đầu được đưa ra, ông Hùng cho rằng “ở trên không đồng ý” vì Kịch viện sẽ tương đương với một cơ sở đào tạo đại học mà hiện nay chủ trương không muốn mở thêm trường Đại học.

NSND Lê Hùng nói, đề án thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam là một sản phẩm có sự làm việc tử tế, hẳn hoi, chứ không phải “vài người thậm thụt với nhau” như ý kiến của các nghệ sĩ phản ánh.

Không có chuyện NSND Lê Hùng “cố thủ”

Trong đơn xin xem xét của NSND Lan Hương, chị có thắc mắc việc trong đội ngũ lãnh đạo của Nhà hát mới, NSND Lê Hùng (Giám đốc) và bà Tố Trinh (Phó Giám đốc) chỉ còn vài tháng nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được Bộ VH,TT&DL bổ nhiệm. Điều ngạc nhiên là, trong khi ông Trương Nhuận, Thế Vinh được bổ nhiệm có kỳ hạn, thì NSND Lê Hùng và bà Tố Trinh lại không có kỳ hạn.

NSND Lan Hương đặt câu hỏi: “Sự bổ nhiệm bao giờ cũng trước 5 năm, vậy trường hợp của ông Lê Hùng và bà Tố Trinh có đúng không? Vận dụng vào Luật gì để bổ nhiệm?”.

Trước những “tố cáo” về việc bổ nhiệm mình sai luật, NSND Lê Hùng tuyên bố: “Tôi đã nộp đơn xin nghỉ hưu rồi, đúng ngày, đúng tháng tôi sẽ về hưu. Đề nghị tôi ở lại cũng khó”.  

Điều này được NSND Lê Hùng lý giải: “Không có kỳ hạn không có nghĩa là vô biên. Tôi đã nộp đơn xin nghỉ hưu rồi, đúng ngày, đúng tháng tôi sẽ về hưu. Đề nghị tôi ở lại cũng khó”.

Ông Hùng chia sẻ là thấy buồn vì những chuyện “lời qua tiếng lại” giữa các anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát. Ông cho rằng, ông chỉ đang cố gắng kiện toàn bộ máy của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng như Nhà hát Kịch quốc gia VN trong thời gian ông còn ngồi trên ghế Giám đốc. Tuyệt nhiên ông không ham hố gì chức vị này. Bởi theo ông: “Nghề chính của tôi là đạo diễn, tôi không sống bằng lương giám đốc hơn 4,5 triệu đồng”.

Nói về sự chia tay của mình sau 6 tháng nữa, NSND Lê Hùng chia sẻ: “Có thể sau này tôi nghỉ, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ không còn các vở Con vịt trời, Nhà búp bê... nữa”. Qua đó ông Hùng cũng gián tiếp khẳng định vị trí “khó thay thế” của mình trên cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia VN.

Chu Ngũ Nương

Bình luận
vtcnews.vn