(VTC News) - Giá vàng tăng vù vù, vượt ngưỡng 38 triệu đồng/lượng và lập kỷ lục trong 2 tuần trở lại đây.
Vàng cao nhất 2 tuần
Sau chuỗi ngày nguội lạnh, tới cuối tuần, giá vàng bất ngờ nóng lên, vượt ngưỡng 38 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và đạt mức giá cao nhất trong 2 tuần trở lại đây.
Vào lúc 11h sáng 19/7, sau nhiều lần điều chỉnh tăng, Tập đoàn Doji đã cộng thêm vào giá vàng hơn 400.000 đồng/lượng và vượt ngưỡng 38 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tại cả hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM, vàng giao dịch ở mức: 37,82 triệu đồng/lượng - 38,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu mua vào ở mức cao hơn. Giá vàng SJC: 37,86 triệu đồng/lượng - 38,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng rồng Thăng Long (bao gồm cả vàng miếng và nhẫn tròn trơn), mua bán ở mức: 36,25 triệu đồng/lượng - 36,50 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC điều chỉnh giá vàng cũng tăng hơn 400.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội: 37,75 triệu đồng/lượng - 38,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng SJC tại Tp.HCM: 37,75 triệu đồng/lượng - 38,05 triệu đồng/lượng.
Cả vàng và USD đang nóng lên |
Giá vàng tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết ở mức thấp nhất. Giá vàng SJC: 37,70 triệu đồng/lượng - 38 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB: 36,80 triệu đồng/lượng - 37,80 triệu đồng/lượng.
Khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra tại các cửa hàng đang ở mức khá hợp lý, 300.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, khoảng cách này có thể được nới rộng nhanh chóng khi giá vàng biến động mạnh.
Giá vàng thế giới là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng mạnh. Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng tăng hơn 13 USD/ounce lên 1.286 USD/oune. Đà tăng được duy trì trong phiên châu Á khi giá vàng leo lên 1.291,9 USD/ounce, tăng 8,9 USD/ounce. Có thời điểm giá vàng chạm mức cao 1.295 USD/ounce.
Giá vàng tăng khi giá dầu “leo thang”, vượt qua mức giá 108 USD/thùng. Giá dầu đã tăng liên tục trong suốt thời gian qua khiến giá xăng dầu trong nước tăng theo.
Bên cạnh đó, thông tin thành phố Detroit tuyên bố phá sản cũng tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư. Lo ngại kinh tế bất ổn, nhà đầu tư lại đẩy mạnh mua vào vàng, trong đó có vàng vật chất.
Giá vàng trong nước có tốc độ tăng mạnh hơn giá vàng thế giới nên khoảng cách giữa hai mức giá tiếp tục được nới rộng hơn. Giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới gần 5 triệu đồng/lượng. Con số này ngày hôm qua là 4,8 triệu đồng/lượng.
USD tiếp tục tăng
Thị trường vàng bắt đầu sôi động trở lại trong khi USD tiếp tục nóng lên. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng tuần từ 8 – 12/7 cho thấy doanh số giao dịch liên ngân hàng USD tăng tới 52%. Trước đó, trong tuần cuối tháng 6, giao dịch USD trên liên ngân hàng đã tăng vọt gấp 2,5 lần.
Các giao dịch USD chủ yếu tập trung ở kỳ hạn qua đêm, với doanh số của kỳ hạn này bằng USD quy đổi ra VND đạt xấp xỉ 78.605 tỷ đồng, tương đương khoảng 78% tổng doanh số USD. Lãi suất USD liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, 3 tuần, 1 tháng và 3 tháng trở lên tăng.
Điều đó cho thấy USD ngân hàng chưa thể sớm hạ nhiệt được. Sức nóng của USD thể hiện rõ qua việc các ngân hàng tiếp tục tăng giá USD. Giá USD được các ngân hàng hâm nóng từ ngày 17/7. Tới 18/7, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục nâng giá USD. Hôm nay (19/7), tỷ giá vẫn có xu hướng đi lên.
Tại ngân hàng BIDV, tỷ giá USD được giao dịch ở mức 21.195 đồng/USD - 21.246 đồng/USD (Mua vào - bán ra). Như vậy USD tăng nhẹ 5 đồng chiều mua vào so với ngày 18/07.
Eximbank và DongaBank tiếp tục là các ngân hàng mua vào với giá cao nhất 21.230 đồng/USD. Tỷ giá niêm yết ở mức 21.230 đồng/USD - 21.246 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hơn, tỷ giá bớt căng thẳng hơn. Ngân hàng SHB mua vào với giá 21.190 đồng và bán ra 21.246 đồng/USD, không đổi so với tỷ giá ngày 18/7. Các ngân hàng khác như Techcombank, Oceanbank, Vpbank tiếp tục không “đua” tỷ giá.
Trong khi đó, tỷ giá tại thị trường “chợ đen” có xu hướng nhích nhẹ, tăng khoảng 10 đồng/USD. USD giao dịch phổ biến ở mức 21.490 đồng/USD - 21.520 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Thanh Hà
Bình luận