• Zalo

Tăng trưởng GDP Trung Quốc thấp nhất trong 27 năm

Thế giớiThứ Hai, 15/07/2019 15:55:00 +07:00Google News

Số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế quý II/2019 của Trung Quốc chậm lại, đạt 6,2%, thấp nhất trong vòng 27 năm qua do ảnh hưởng của cuộc thương chiến với Mỹ.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc giảm từ 6,4% trong quý đầu tiên xuống 6,2% trong quý II, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 15/7. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc cũng không giảm xuống dưới 6,4%. Đây là mức tăng trưởng quý chậm nhất kể quý I/1992 - thời điểm dữ liệu quý sớm nhất được ghi nhận tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, con số này vẫn nằm trong phạm vi tốc độ tăng trưởng mục tiêu của Bắc Kinh trong năm (từ 6.0 đến 6.5%) và đã được dự đoán trước. Trước đó, dự báo trung bình được đưa ra trong một cuộc thăm dò các nhà phân tích do Bloomberg thực hiện là 6,2%, nhưng một số người đã dự đoán bi quan hơn khi lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.

trung-quoc

 (Ảnh: Reuters)

Dữ liệu cũng cho thấy trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,3%. "Dữ liệu kinh tế vẫn đang đối mặt với áp lực suy thoái (trong nửa cuối năm). Mặc dù cũng có nhiều yếu tố tích cực, sức sống của thị trường đang dần được kích thích", người phát ngôn của NBS, Mao Shengyong nói.

Các dữ liệu khác của nền kinh tế được công bố hôm nay (15/7), chủ yếu trong tháng Sáu, tốt hơn dự kiến. Sản xuất công nghiệp, bao gồm cả lắp ráp, khai thác và tiện ích - tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Con số này tăng mạnh so với mức tăng trưởng 5,0% trong tháng 5 (thấp nhất kể từ tháng 2/2002) và cao hơn cả kỳ vọng của các nhà phân tích dự đoán mức tăng trưởng 5,2%.

Trong sản xuất công nghiệp, lắp ráp tăng 6,2%, từ mức 5,0% trong tháng Năm. Con số vượt mức kỳ vọng và trái ngược dự đoán yếu kém của các nhà sản xuất được khảo sát trong tháng 6.

china-trade-war

 Tăng trưởng GDP Trung Quốc theo quý. 

Hơn nữa, khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng chính cho ngành công nghiệp, đạt 8,3% trong tháng 6 và 8,7% trong nửa đầu năm nay, so với số liệu lần lượt 6,2% và 5,0% từ các doanh nghiệp nhà nước.

Đầu tư tài sản cố định, như bất động sản, cơ sở hạ tầng hoặc máy móc tăng 5,8% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 5,6% được báo cáo vào tháng 5 và cao hơn dự đoán không có thay đổi trong cuộc thăm dò của Bloomberg.

Đầu tư vào lĩnh vực khai thác của Trung Quốc tăng 22,3% trong nửa đầu năm nay, trong khi đầu tư của chính phủ vượt xa đầu tư tư nhân.

Doanh số bán lẻ tăng 9,8 %. Đây được cho là một sự cải thiện đáng kể trong ngành bán lẻ so với mức tăng trưởng 7,2% trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003, nhưng với việc hàng nhập khẩu của Trung Quốc giảm 7,3% trong tháng 6, vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng hóa.

Tất cả các ngành bán lẻ chính đều cho thấy sự tăng trưởng tích cực, dẫn đầu là lĩnh vực mỹ phẩm, ô tô và thiết bị gia dụng. Ngành thiết bị gia dụng, lĩnh vực Bắc Kinh tích cực thúc đẩy các biện pháp kích thích, tăng 7,7% trong tháng Sáu.

Ngành ô tô Trung Quốc đã có một giai đoạn khó khăn, nhưng dữ liệu hôm 15/7 cho thấy doanh số bán lẻ ngành ô tô tăng 17,2% trong tháng 6 và 6,7% trong nửa đầu năm nay. 

Theo CNBC, một chỉ số khác đang gây lo ngại với nền kinh tế Trung Quốc đó là số lượng việc làm.

“Các nhà máy đang cắt giảm nhân công do sự sụt giảm đơn đặt hàng. Vì thế điều đó dẫn đến mục tiêu chung của Trung Quốc là muốn phát triển việc làm và cấu trúc xã hội của nước này cũng dựa vào đó. Điều này rất quan trọng đối với chính quyền”, ông Colin Graham, Giám đốc Đầu tư của các giải pháp đa tài sản tại Công ty đầu tư Eastpring nói.

Hơn nữa, nếu thương chiến Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt sẽ có những ảnh hưởng lớn đến suy giảm kinh tế toàn cầu.

"Tăng trưởng kinh tế yếu trong quý II/2019 của Trung Quốc có thể gây ra sự chao đảo ở phần còn lại của châu Á nếu sự chậm lại này làm bùng lên những lo lắng về căng thẳng thương mại", Tiến sĩ Vishnu Varathan, người đứng đầu chiến lược kinh tế châu Á và châu Đại dương của Ngân hàng Mizuho, nói với CNBC.

"Cùng với việc xuất khẩu giảm, xuất hiện thêm một lo lắng khác nữa là một sự sụt giảm trong nhập khẩu của nước này sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng còn lại của cả châu Á, mà Trung Quốc là thị trường lớn", ông Varathan nói.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn