• Zalo

Tăng trưởng dựa quá nhiều vào FDI là nền kinh tế tăng trưởng 'hộ' các nước khác 

Kinh tếThứ Năm, 03/01/2019 15:35:00 +07:00Google News

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, tăng trưởng GDP năm nay là một trong những điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế vĩ mô 2018, nhưng một nền kinh tế tăng trưởng dựa quá nhiều vào FDI sẽ là nền kinh tế tăng trưởng “hộ” các nước khác.

Ngày 27/12, Tổng Cục Thống kê công bố GDP năm 2018 đạt 7,08%, vượt qua dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở mức 6,8% và lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 2008.

VTC News có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân xoay quanh thông tin trên.

- Thưa GS.TS Trần Thọ Đạt, ông có nhận định như thế nào về con số GDP tăng trưởng cao kỷ lục 7,08 % trong năm 2018? 

Tăng trưởng GDP  năm nay là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế vĩ mô khi khép lại năm 2018. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5 - 6,7%) và vượt mọi dự báo gần đây, khả năng là cao hơn mức tăng trưởng ước tính của Trung Quốc, cao hơn hẳn khối ASEAN-5 (4,9%) và một số quốc gia trong khu vực.

AA1

GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NEU Alumni) 

Mức tăng này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến động phức tạp, chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất.  Tốc độ tăng trưởng cao đạt được trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát dưới 4% (là năm thứ 5 liên tiếp tốc độ tăng trưởng cao hơn lạm phát), các nền tảng kinh tế vĩ mô khác được củng cố, tín dụng tăng trưởng thấp hơn,...

Chất lượng tăng trưởng năm 2018 tiếp tục có sự cải thiện: chỉ số ICOR dự kiến thấp hơn, đóng góp của TFP cao hơn, năng suất lao động tăng cao hơn trước chứng tỏ mô hình tăng trưởng đã có chuyển biến, chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu.   

- Năm ngoái, trong hơn 220 tỷ USD GDP thì có tới hơn 60 tỷ USD do Samsung đóng góp từ điện thoại di động và các thiết bị điện tử. Trong khi đó, 60 tỷ USD này gần như Samsung sẽ mang về nước. Vậy tăng trưởng GDP có ý nghĩa như thế nào trong khi sự đóng góp của Samsung là quá lớn?

Trong kinh tế học, đó là sự khác biệt giữa hai chỉ số đo lường tăng trưởng: GDP (tổng sản phầm quốc nội, bao gồm cả đóng góp của khu vực FDI) và GNI (thu nhập quốc dân ròng – thu nhập mà người dân của một đất nước nhận được). Khi khu vực FDI càng lớn thì tỷ lệ GNI/GDP sẽ càng nhỏ. 

 
Nền kinh tế tăng trưởng dựa quá nhiều vào FDI sẽ là nền kinh tế tăng trưởng “hộ” các nước khác, khi lợi nhuận của khu vực FDI được mang trở lại đất nước họ.

GS.TS Trần Thọ Đạt

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của khu vực FDI trong phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay, tuy nhiên một nền kinh tế tăng trưởng dựa quá nhiều vào FDI sẽ là nền kinh tế tăng trưởng “hộ” các nước khác, khi lợi nhuận của khu vực FDI được mang trở lại đất  nước họ.

Số liệu điều tra hiện nay cho thấy giai đoạn 2011-2016, khu vực doanh nghiệp FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước,  trong khi đó, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI lại ít hơn khu vực này. Do vậy, đã đến lúc chúng ta nên xem xét lại liệu khu vực FDI có đang được ưu đãi quá mức hay không?

- Dù tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm trở lại nhưng chúng ta còn cần phải lưu ý điều gì, thưa ông?

Chúng ta cần tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, các động lực tăng trưởng hiện tại cần được duy trì và gia tăng cùng với khai thác các động lực mới. Hiện tại nền kinh tế nước ta vẫn đang có nhiều thách thức và tồn tại đã kéo dài, tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, yếu tố mang tính đột phá để tạo ra một quỹ đạo tăng trưởng mới chưa rõ nét.

Tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài có giảm nhưng vẫn còn cao, nghĩa vụ trả nợ lớn, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là một điểm nghẽn tăng trường cần sớm giải quyết, hiệu lực thực thi chính sách được đánh giá là còn yếu thể  hiện rất rõ qua tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong năm qua, còn xuất hiện tình trạng “tín dụng đen” xuất hiện và hoành hành ở một số nơi và ngày càng trở nên tinh vi hơn, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm.     

- Có ý kiến cho rằng, việc năm nào cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong khi đáng lẽ phải ưu tiên các mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững sẽ gây hại cho nền kinh tế về lâu dài. Quan điểm của ông là gì?

Trong điều hành kinh tế, cần có các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cả về ngắn hạn và dài hạn. Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm cao không mâu thuẫn với mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài, nếu phương thức đạt được tăng trưởng GDP cao không phải là gia tăng đơn thuần số lượng các yếu tố “đầu vào”, mà là tăng trưởng dựa trên tiến bộ công nghệ, dựa trên năng suất lao động.

Nước ta vẫn đang ở nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, nguy cơ tụt hậu vẫn đang là thách thức lớn nhất. Nếu không duy trì tăng trưởng cao, không thể bắt kịp các nước khác, trước hết là trong khu vực. Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, tăng trưởng GDP cần phải duy trì ở mức khoảng 7,5%. Đây là một thách thức rất lớn, nhất là trong bỗi cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và có những biến động khó lường.

Thực tế lịch sử tăng trưởng của một số nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, và ngay cả nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc cũng đã có được quãng thời gian tăng trường 7-8%, thậm chí cao hơn trong nhiều năm liên tục, có như vậy nền kinh tế mới “cất cánh” được. Việt Nam mới là một điểm sáng về thời gian có tăng trưởng liên tục, nhưng ta chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm khi so sánh với nhiều nền kinh tế khác.

- Ông đánh giá như thế nào về chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân và chủ trương của Chính phủ là kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế?

Phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới là xu thể không thể đảo ngược. Mặc dù nghị quyết của Đảng mới đây nhấn mạnh thêm kinh tế tư nhân là “động lực kinh tế quan trọng”, tuy nhiên sự phát triển của khu vực này cần “khởi sắc” rõ nét hơn. Đầu tư tư nhân đang có dấu hiệu chững lại có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế một số năm tiếp theo, nếu không có giải pháp mạnh để thúc đẩy đầu tư của khu vực này.

 
Mô hình tăng trưởng đã có chuyển biến, chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu.

GS.TS Trần Thọ Đạt

Mặc dù vai trò của kinh tế tư nhân hiện nay là lớn, nhưng chủ yếu lại từ khu vực không đăng ký chính thức (các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, …), trong khi các doanh nghiệp tư nhân thuộc khu vực chính thức chỉ đóng góp khoảng 8% tổng sản lượng của nền kinh tế.

Do vậy, để kinh tế tư nhân thực sự là “động lực kinh tế quan trọng” và trở thành điểm “đột phá” trong 5-10 năm tới, một số vấn đề và giải pháp liên quan đến kinh tế tư nhân cần giải quyết, trong đó mảng chính sách phát triển và chuyển đổi khu vực không chính thức cần được tập trung hơn. 

Bất kỳ một sự cải thiện nào về hiệu quả hoạt động của khu vực hộ kinh doanh sẽ góp phần nâng cao năng suất tổng thể của nền kinh tế, đặc biệt khi nhìn từ góc độ khu vực doanh nghiệp này đang chiếm tới 30,5% GDP.

- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam sẽ ở mức 7% tương đương như năm 2018, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại, liệu chúng ta có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao như hiện tại không thưa ông?

Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì và đạt được “đà” tăng trưởng trên 7% năm như đã tạo lập được trong năm qua nếu các giải pháp khai thác các dư địa còn tiềm năng, đồng thời tận dụng cơ hội mới tạo thêm động lực tăng trưởng được duy trì. 

Vấn đề mấu chốt cần giải quyết trong năm 2019 và đặt nền móng cho các năm tiếp theo là cần phải nhanh chóng cải thiện tổng cung của nền kinh tế, theo đó một mặt tăng được mức sản lượng tiềm năng (hiện tại sản lượng thực tế đã sát sản lượng tiềm năng), mặt khác gia tăng được năng suất, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng một cách bền vững.

- Xin cảm ơn GS.TS Trần Thọ Đạt!

Hoàng Hưng (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn