(VTC News) - Tang tóc bao trùm xóm làng Hải Phòng, nơi có đến 12/22 thủy thủ thiệt mạng khi con tàu Vinalines Queen chìm vào đầu tuần.
Sau khi có thông tin xấu về 22 thủy thủ tàu Vinalines Queen, gần 19h, ngày 30/12, chúng tôi tìm đến nhà thủy thủ Ngô Văn Lâm, nằm sâu trong xóm nhỏ thôn Quế Lâm, xã Thụy Hương (Kiến Thụy, Hải Phòng). Có mặt trong ngôi nhà nhỏ của anh Lâm là những người thân của gia đình và bà con chòm xóm đến chia buồn. Ông Thủy (bố anh Lâm) sau những ngày chờ tin con với hy vọng mong manh, giờ đây gần như ông đã kiệt sức phải nằm trên giường với đôi mắt thâm quầng, nhòa lệ.
Vợ ông và cô con dâu thì đang đau đớn ngất lên ngất xuống, khóc đến xé lòng vì họ biết, sau hơn 6 tháng anh Lâm ra đi, đến nay sẽ vĩnh viễn không có ngày trở lại.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Ngô Văn Tần, bác ruột của anh Lâm cho biết thêm: Bố anh Lâm đã về hưu, mẹ là bà Trần Thị Năm, 57 tuổi, làm nông nghiệp; còn vợ anh Lâm là chị Phạm Thu Trang (sinh năm 1988, học Đại học Hàng hải) mới ra trường và đang đi làm thử việc cho một công ty tư nhân, lại nuôi con nhỏ nên kinh tế chủ yếu dựa vào đồng lương của anh Lâm.
"Đùng một cái! Biết làm thế nào được. Giờ gia đình chỉ mong sao các cơ quan chức năng sớm tìm thấy thi thể cháu Lâm đưa về với gia đình chúng tôi để được an ủi phần nào thôi", ông Tần ngậm ngùi nói.
Mẹ và vợ con anh Lâm khóc lóc ngất lên ngất xuống trước nỗi đau quá lớn. Ảnh: Minh Khang |
Khi đến gia đình thợ máy Vũ Thiện Phong (SN 1985, ở số 7/29, tổ 2 An Khê, Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng), chúng tôi không ai kìm được nước mắt trước tình cảnh thương tâm.
Cách đây gần 2 năm bố Phong mới qua đời, chỉ còn lại mẹ và em gái Vũ Thị Nhung 21 tuổi, sinh viên một trường đại học nên Phong là chỗ dựa vững chắc cho hai mẹ con. Mấy ngày nay khi biết tin về con tàu Vinalines Queen gặp nạn thì cả hai mẹ con đều suy sụp nhưng vẫn cầu mong và hy vọng mong manh rằng Phong sẽ trở về.
Kể từ lúc biết tin xấu con tàu đã bị chìm, bà Hoàng Thị Tuất, 47 tuổi, sau những cơn gào khóc thảm thiết gọi tên con “Phong ơi” thì ngất xỉu. Trong cơn mê sảng, nước mắt bà cứ trào ra không ngớt; đôi mắt khép hờ, bà vật vã, quằn quại trong cơn đau mất con vẫn gọi tên “Phong ơi, Phong ơi” và thúc giục “gọi điện cho nó về, đi tìm nó đi”.
Những người thân trong gia đình và cả chúng tôi không sao cầm lòng được. Gia đình phải nhờ bác sỹ đến tận nhà để túc trực vì lo lắng không biết bà có chịu đựng nổi không bởi mấy ngày nay đã không ăn không ngủ vì mong ngóng, thương nhớ con.
Em gái Phong có lẽ cũng không thể chịu đựng nổi cú sốc này nên sau những lúc ngất đi, lúc tỉnh dậy chỉ biết ngồi im với đôi mắt thẫn thờ nhìn những người thân, khối phố đến động viên, chia buồn với nỗi đau quá lớn này.
“Cái gì Đức cũng hỏi mẹ, đi tàu lần nào về cũng mua quà cho mẹ”, mẹ thuyền viên này gạt nước mắt kể lại. Ảnh: Minh Khang |
Bà Đàm Thị Tuyết (mẹ thuyền viên Đỗ Anh Đức – sinh năm 1980, ở số 5B/54 Đặng Kim Nở, Lê Chân, Hải Phòng), sau những ngày mất ăn, mất ngủ, đau đáu chờ tin con, vẫn cố bình tĩnh gạt nước mắt kể về đứa con ngoan ngoãn, hiếu thuận.
“Cái gì Đức cũng hỏi mẹ, đi tàu lần nào về cũng mua quà cho mẹ từ các nước tàu cập cảng”, mẹ thuyền viên này gạt nước mắt kể lại. Vậy mà khi hay tin tàu gặp nạn chỉ còn một người sống sót mà không phải là Anh Đức, ông bà đã ngất lịm đi và khi tỉnh dậy lại gọi “con ơi! Đức ơi!”.
“Cái gì Đức cũng hỏi mẹ, đi tàu lần nào về cũng mua quà cho mẹ từ các nước tàu cập cảng”, mẹ thuyền viên này gạt nước mắt kể lại. Vậy mà khi hay tin tàu gặp nạn chỉ còn một người sống sót mà không phải là Anh Đức, ông bà đã ngất lịm đi và khi tỉnh dậy lại gọi “con ơi! Đức ơi!”.
Không chỉ có gia đình 3 thủy thủ trên, những người cha, người mẹ của 22 thủy thủ (trong đó Hải Phòng có 12 thủy thủ) trên con tàu định mệnh Vinalines Queen đều đang tận cùng nỗi đau. Bởi họ biết, họ có mong, có ngóng, có còn hy vọng thì những người con, người cháu, người anh em thương yêu của họ cũng sẽ mãi mãi không về bên họ nữa.
Minh Khang
Bình luận