• Zalo

Tăng thời lượng tường thuật trực tiếp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14

Thời sựThứ Sáu, 20/10/2017 18:07:00 +07:00Google News

So với các kỳ họp trước, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 sẽ tăng thời lượng tường thuật trực tiếp một số phiên họp.

Chiều 20/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23/10 và kéo dài trong một tháng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.

qh-1-1718412

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào ngày 23/10 tới đây.  

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông; Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (nếu không đề cập trong Nghị quyết khác của Quốc hội); Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TP.HCM; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước như: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới...

Ngoài ra, tại kỳ họp này, một số báo cáo và nghị quyết của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cũng được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội để tự nghiên cứu.

Tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ thứ 3, Quốc hội khóa 14; tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội cũng dành thời gian 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.

Xem xét miễn nhiệm và phê chuẩn 2 chức danh Bộ trưởng GTVT và Tổng TTCP

Việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) và phê chuẩn 2 thành viên Chính phủ thay thế được Quốc hội thực hiện ngay trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp cuối năm.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, công tác nhân sự sẽ tiến hành ngay trong tuần đầu kỳ họp. Quốc hội sẽ thảo luận về nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng TTCP đối với ông Phan Văn Sáu; Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng TTCP.

Cụ thể, ngày 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa, chức vụ Tổng TTCP đối với ông Phan Văn Sáu. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm nêu trên.

Ngày 25/10, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng ngày, Thủ tướng báo cáo Quốc hội việc phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng GTVT và Tổng TTCP mới. Tương tự, hai nhân sự thay thế được Quốc hội phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín vào chiều 26/10.

Theo ông Lê Bộ Lĩnh, công tác nhân sự được tiến hành vào đầu kỳ họp nhằm tạo điều kiện cho Bộ trưởng GTVT và Tổng TTCP mới sớm tiếp cận với công việc.

Video:  Tổng Thư ký Quốc hội giải thích lý do chưa thông qua Luật Biểu tình

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn