Sáng 26/8, tại Cung văn hóa Thiếu nhi (Hà Nội), Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức lễ trao "Sinh kế cho thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn" cho 50 thanh niên đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội với tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng.
Ban tổ chức không trao tiền mặt mà trao các thiết bị, phương tiện để giúp và tạo điều kiện cho các thanh niên có sinh kế mưu sinh, lập nghiệp. Các thiết bị, phương tiện được xét chọn từ những nhu cầu thiết thực ứng với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng thanh niên được tham gia chương trình.
Hoàng Trung Nghĩa (SN 1998) là một trong số 50 thanh niên khuyết tật nhận được quà hỗ trợ. Nghĩa cho biết bản thân mắc bệnh xương thủy tinh từ nhỏ. Căn bệnh khiến chàng trai 24 tuổi chỉ nặng khoảng 20kg. Nghĩa bảo không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị gãy xương, phải nhập viện điều trị.
Không được học qua trường lớp, với chiếc máy tính cũ, Nghĩa đã tự mò mẫm, học hỏi kiến thức trên mạng, tìm hiểu về kinh doanh online. Hiện nay, anh đang đảm nhận công việc bán hàng online cho người nước ngoài, công việc kéo dài từ 23h đến 5h sáng hôm sau.
Chiếc máy tính để bàn Nghĩa dùng nhiều năm, đã xuống cấp nên chỉ đáp ứng được khoảng 50% công việc hiện tại. Nghĩa rất cần một chiếc máy tính xách tay để thuận tiện làm việc, tăng thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Sau khi nhận được chiếc máy tính xách tay mới từ chương trình "Sinh kế cho thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn", Hoàng Trung Nghĩa bày tỏ sự xúc động với sự quan tâm, đồng hành của các nhà hảo tâm dành cho các thanh niên khuyết tật. "Đây chính là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng, vươn lên trong cuộc sống", Nghĩa nói.
Tại chương trình, chị Lương Thị Kiều Thúy - người sáng lập tiệm giặt là của người điếc - cho biết, bản thân chị người khiếm thính. Thấu hiểu được khó khăn của những người đồng cảnh ngộ, chị đã sáng lập và phát triển thành công “Tiệm giặt là của người điếc”. Lợi nhuận của tiệm được chị Thúy dành để mở rộng kinh doanh, hỗ trợ người điếc, khiếm thính hòa nhập cộng đồng.
Nhận được phần quà từ chương trình, chị Thúy chia sẻ: "Tôi thật sự xúc động khi được nhìn thấy nhân viên của mình xuất hiện ở đây. Các bạn dùng ngôn ngữ ký hiệu để nói ra được mong muốn, khó khăn và được mọi người lắng nghe, giúp các bạn tự tin hơn trong cuộc sống. Xin cảm ơn chương trình đã hỗ trợ chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn trong dịch COVID-19".
Phát biểu tại buổi lễ, bà Đỗ Thị Ngọc Hà - Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - cho biết, dịch COVID-19 đã đẩy nhiều lao động, nhiều gia đình vào tình cảnh khốn khó. Với những thanh niên khuyết tật, khó khăn còn chồng chất nhiều lần. 50 thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn không chỉ là những người nhận hỗ trợ, mà còn mang đến 50 câu chuyện đầy ý nghĩa của những con người giàu ý chí, luôn vượt lên chính mình với khát khao được làm việc, kiếm sống, đóng góp cho gia đình và xã hội.
"Mong những hỗ trợ từ chương trình góp phần nâng bước các bạn trong cuộc sống. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ thành công, tiếp tục sống như những đoá hoa toả ngát hương thơm cho đời", bà Hà nói.
Bình luận