(VTC News) – Không ít khách hàng đang phàn nàn giá dịch vụ tại các ngân hàng tăng nhưng chất lượng lại giảm.
Giá leo thang
Không ồn ào như lãi suất, từ đầu năm nay, phí dịch vụ ngân hàng âm thầm tăng. Chỉ những khách hàng sử dụng dịch vụ mới được thông báo. Ngoài ra, chẳng ngân hàng nào “lên báo” khoe tăng phí dịch vụ như khi họ điều chỉnh lãi suất huy động.
Đầu năm nay, Vietcombank khiến khách hàng giật mình khi thông báo thay đổi chính sách phí giao dịch chuyển tiền trên kênh trực tuyến VCB – iB@nking (Internet Banking). Theo đó, kể từ 15/1, Vietcombank thu phí chuyển tiền cho tài khoản cá nhân nội mạng là 3.300 đồng/giao dịch thay vì miễn phí như trước đó.
Quyết định này của Vietcombank khiến khách hàng xôn xao. Có nhiều người thậm chí còn lên Facebook “dọa” tạm ngừng sử dụng dịch vụ vì cho rằng Vietcombank tận thu. Và lời chia sẻ của họ nhận được rất nhiều đồng tình từ bạn bè, những người đã quen sử dụng dịch vụ này miễn phí.
Nhiều dịch vụ ngân hàng đang bị khách hàng phàn nàn |
Trên các diễn đàn, nhiều Topic xoay quanh chủ đề Vietcombank thu phí. Tại đây, nhiều thành viên chia sẻ cho nhau danh sách các ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí. Chỉ một vài ý kiến khẳng định sẽ vẫn dùng Vietcombank. Họ “trung thành” với Vietcombank không phải vì yêu mến Vietcombank mà tin rằng các ngân hàng khác rồi sẽ theo nhau thu phí hết.
Vietcombank là ngân hàng lớn, có hệ thống khách hàng khổng lồ nên sức ảnh hưởng của nó tới thị trường rất lớn. Vì vậy, động thái nâng phí dịch vụ của ngân hàng này gây xôn xao. Trong khi đó, một số ngân hàng khác dù tăng phí mạnh hơn nhưng chưa phải đối mặt với sức ép dư luận.
Trước Vietcombank, NamA Bank và Tienphong Bank cũng tăng phí. NamA Bank tăng phí thường niên dịch vụ Internet Banking của khách hàng cá nhân từ 20.000 đồng lên 22.000 đồng đối với gói chuẩn và 40.000 đồng lên 44.000 đồng đối với gói nâng cao. Tienphong Bank thu phí thông báo số dư tự động qua tin nhắn SMS là 5.000 đồng.
Techcombank cũng công bố biểu phí mới dành cho dịch vụ chuyển tiền cho người nhận qua ngân hàng trực tuyến. Với người nhận khác tỉnh/thành phố, Techcombank thu phí 5.000 đồng cho số tiền từ 50 triệu đồng trở xuống. Chuyển tiền sang ngân hàng khác, phí sao cao hơn, tối đa lên tới 1 triệu đồng.
Chất lượng giảm
Lâu nay, khách hàng hay phàn nàn về phí dịch vụ ngân hàng “rủ nhau” tăng nhưng chất lượng lại giảm. ATM là dịch vụ bị phàn nàn nhiều nhất. Sau khi đua nhau thu phí ATM, nhiều ngân hàng vẫn… giữ nguyên chất lượng. Nếu trong thời điểm cuối năm, nhiều cây ATM “tê liệt” là điều dễ hiểu vì lượng khách tới rút tiền tăng đột biến. Nhưng trong ngày bình thường, vẫn có những ATM treo biển “tạm ngừng giao dịch”.
Không chỉ ATM mới gặp sự cố, POS cũng không ít lần khiến khách hàng khó chịu. Anh Đ.A.V kể, hồi tháng 3 năm ngoái anh mua hàng giảm giá trên Parkson trị giá 299.000 đồng. Anh dùng thẻ BIDV thanh toán trên POS của Vietcombank. Khi thu ngân quẹt thẻ, máy báo không thanh toán được nên phải quẹt thẻ lần thứ hai. Thế nhưng vài giây sau đó, anh nhận được tin nhắn mới biết mình bị trừ tiền hai lần.
“Tôi chạy qua chạy lại giữa Parkson, BIDV và Vietcombank nhiều lần mà không lấy được tiền. Số tiền tôi chi ra để giải quyết vụ việc có khi còn vượt xa con số 299.000 đồng. Nhiều lúc tôi nản, muốn bỏ cuộc nhưng vẫn tiếp tục vì thấy ức chế.
Tôi không thể tin được ngân hàng lớn mà tắc trách đến vậy. Sau vài tháng, tôi mới nhận lại được tiền. Mà phải có sự tác động thì tôi mới nhận được. Nếu không, các bạn chẳng buồn giải quyết cho tôi.
Phải chăng họ nghĩ rằng 299.000 đồng quá nhỏ bé chẳng đáng để họ bận tâm. 299.000 đồng nhỏ thật nhưng nó là một ngày công làm việc quần quật của tôi đấy”. – Sự việc xảy ra đã hơn 1 năm nhưng anh V vẫn bực mình khi nghĩ lại chuyện cũ.
Tôi không thể tin được ngân hàng lớn mà tắc trách đến vậy. Sau vài tháng, tôi mới nhận lại được tiền. Mà phải có sự tác động thì tôi mới nhận được. Nếu không, các bạn chẳng buồn giải quyết cho tôi.
Phải chăng họ nghĩ rằng 299.000 đồng quá nhỏ bé chẳng đáng để họ bận tâm. 299.000 đồng nhỏ thật nhưng nó là một ngày công làm việc quần quật của tôi đấy”. – Sự việc xảy ra đã hơn 1 năm nhưng anh V vẫn bực mình khi nghĩ lại chuyện cũ.
Anh N.B cũng phàn nàn về sự cố của mình. Anh kể, đêm 26/3, anh chuyển 10 triệu đồng cho bạn qua “Ngân hàng điện tử” của BIDV. Sau khi điền đầy đủ thông tin, BIDV mới thông báo “Ngoài giờ giao dịch”. Như vậy, giao dịch của anh không thành công. Thế nhưng, trong lịch sử giao dịch lại trừ 6.600 đồng vào tài khoản. BIDV càng khiến anh khó hiểu hơn khi Internet Banking trừ 6.600 đồng nhưng tin nhắn biến động số dư không thấy báo.
Anh N.B bực mình chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi không quan tâm tới 6.600 đồng vì số tiền đó đâu có lớn. Tôi bực vì dịch vụ của BIDV. Lẽ ra, ngoài giờ giao dịch, BIDV nên thông báo ngay từ đầu khi tôi mới chọn dịch vụ chuyển tiền. Đằng này, tôi mất thời gian kỳ cạch điền đầy đủ thông tin, nhập OTP xong rồi, ngân hàng mới báo không thực hiện được. Mất công của khách hàng quá!”.
“Ngoài ra, mỗi giao dịch đó, ngân hàng đều gửi SMS. Và khách hàng như tôi phải chịu phí cho SMS đó. Nhưng tôi phải khẳng định một lần nữa, tôi khó chịu vì mất phí thì ít mà khó chịu vì mất thời gian thì nhiều. Tôi không sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác nên không biết thế nào nhưng tôi nghĩ Internet Banking mà cũng giao dịch theo giờ hành chính thì bất tiện quá” – Anh N.B chia sẻ thêm.
Anh N.B còn cho biết nếu anh nhớ không lầm, trong một TVC quảng cáo trên truyền hình, BIDV khẳng định có hệ thống giao dịch qua Internet hiện đại, 24/24. Trong mục “Ngân hàng điện tử” cuả BIDV cũng khẳng định điều này khi viết “Giao dịch mọi lúc mọi nơi qua Internet mà không cần tới Ngân hàng; gửi tiền tiết kiệm Online nhanh gọn, tiết kiệm thời gian”.
Bảo Linh
Bình luận