Mỗi ngày chỉ dám chi 15.000 đồng cho một bữa ăn do giá cả hàng hóa “leo thang” tác động bởi giá xăng dầu tăng cao, anh Nguyễn Xuân Thiên (công nhân tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) vui mừng khi biết thông tin Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 6% từ ngày 1/7 tới.
“Công nhân như tụi tui cứ tăng lương là mừng lắm, chứ cuộc sống chật vật, chi tiêu phải tiết kiệm cái gì cũng phải tính. Dự kiến, từ tháng 7 là lương tối thiểu của tôi được tăng thêm 260.000 đồng thì tổng tiền lương sẽ tăng lên, thu nhập cao hơn thì chi ăn uống cũng nới ra, “sang" lên chút đỉnh. Mặc dù tiền tăng không lớn lắm nhưng cũng khá hơn trước rồi”, anh Thiên chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Thiên cũng cho biết, mức tăng 6% chưa phải là kỳ vọng của anh và nhiều người lao động, tất cả đều mong muốn có mức tăng cao hơn, khoảng 8%.
Là công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), chị Vũ Thị Thảo cũng phải tiết kiệm từng đồng để nuôi con và gửi về quê giữa lúc “bão giá”. Khi có thông tin sẽ tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, chị cho biết, công nhân ai cũng mừng chứ không riêng gì chị.
“Khi nghe thông tin, chúng tôi ai cũng vui, lương tối thiểu tăng là thu nhập sẽ tăng đỡ đần cuộc sống rất nhiều. Nhưng lâu lắm mới tăng mà tăng không cao lắm, chúng tôi cũng mong muốn sẽ có mức tăng cao hơn”, chị Thảo nói.
Nói về mức tăng lương tối thiểu vùng, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho hay, thực tế mức tăng 6% chưa thực sự đạt được kỳ vọng, mong muốn của người lao động cũng như tổ chức Công đoàn. Bản thân người lao động cũng như Công đoàn các cấp mong muốn tăng cao hơn mức 6% nhưng các bên phải thảo luận làm sao để hài hòa lợi ích, cân đối một cách hợp lý nhất.
“Ban đầu là Tổng LĐLĐ đề xuất tăng từ 7 - 9% và cũng kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng từ 7,25 - 8,16% nhưng sau các bên cân đối lại, thống nhất mức tăng 6%. Tôi cho mức đó là hài hòa giữa các bên. Thực tế, đây chỉ là mức lương tối thiểu làm căn cứ tính lương, thu nhập còn người lao động có thể thương lượng với doanh nghiệp để có mức tăng lương đáp ứng nhu cầu”, ông Quảng cho biết.
Theo ông Quảng, trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế xã hội nói chung, người lao động và người sử dụng lao động đều gặp rất nhiều khó khăn thì việc tăng lương tối thiểu vùng dù chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông lao động nhưng cũng là sự cân nhắc của Hội đồng Tiền lương để đảm bảo sự hài hòa giữa hai bên, giải quyết một phần khó khăn cho người lao động.
Mặt khác, mức tăng 6% là phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp (DN) sau thời gian DN khó khăn, lao đao do dịch. Còn đối với người lao động, chính sách điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu vùng lên 6% từ 1/7 là rất phù hợp thời điểm, đáp ứng mong đợi của người lao động lâu nay.
“Tăng lương tối thiểu vùng cũng sẽ thu hút được người lao động quay trở lại thị trường lao động cũng như gắn bó với DN, giúp cho DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh phục hồi sau dịch COVID-19 gây ra”, ông Quảng nói.
Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, tăng lương phải cân bằng, có quân bình để làm sao không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của DN.
“Nếu mức tăng cao, DN cảm giác không trụ được chắc chắn sẽ tìm cách tinh giản, giảm bớt các chính sách, chế độ khác thì cuối cùng vẫn về cân bằng cũ, người lao động lại thiệt. Chưa chắc tăng nhiều sẽ có lợi cho người lao động”, ông An nói.
Theo ông An, khó có thể đánh giá mức tăng 6% liệu có giúp cho công nhân, người lao động thành phố nói riêng sống với lương hay không, bởi người lao động bao giờ cũng có xu hướng muốn tăng cao hơn. Nhưng việc tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi cả người lao động lẫn DN đều bị bào mòn sau dịch.
“Tôi cho rằng, trước khi quyết định người ta đã phải cân đối lợi ích hai bên. DN TP.HCM đang thiếu lao động việc tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết, kịp thời để thu hút lao động. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nên có quan sát, khảo sát sau một thời gian chính sách này tác động như thế nào để có những điều chỉnh, tạo thuận lợi cho DN và người lao động”, ông An nói.
Ngày 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 với mức tăng là 6%, trong khoảng từ 180.000 - 260.000 đồng, tùy từng vùng.
Theo phương án này, tiền lương tối thiểu vùng 1 tăng 260.000 đồng/tháng, lên 4,68 triệu đồng/người/tháng; vùng 2 tăng 240.000 đồng/tháng, lên 4,16 triệu đồng/người/tháng; vùng 3 tăng 210.000 đồng/tháng, lên 3,64 triệu đồng/người/tháng; vùng 4 tăng 180.000 đồng, lên 3,25 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận