Lúc 2h30, giá vàng miếng tại Doji được niêm yết ở mức 79,25 - 81,25 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 450.000 đồng/lượng (mua - bán) so với đầu giờ sáng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng tại SJC được niêm yết ở mức cao ngất 79,8 - 81,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng tới 50.000 đồng/lượng.
Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của vàng miếng, đã vượt qua kỷ lục 81,3 triệu đồng/lượng vừa được thiết lập trong phiên giao dịch sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn trong sang nay cũng đã tiếp tục tăng và lập đỉnh mới.
Theo đó, giá vàng nhẫn tại Doji được niêm yết ở mức 67,5 - 68,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 250.000 đồng/lượng (mua - bán). Còn giá vàng nhẫn tại SJC được niêm yết ở mức 66,8 - 68 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Đến chiều, giá vàng nhẫn vẫn chưa có biến động và đang xoay quanh đỉnh cao này. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng tới 5,8 triệu đồng/lượng.
Tuy vàng nhẫn đắt đỏ như thế nhưng gần đây lại xuất hiện hiện tượng khan hiếm vàng nhẫn. Lý giải hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng do tâm lý của nhiều người mua vàng hiện nay là muốn tích trữ tài sản vì lãi suất các ngân hàng hiện nay quá thấp. Nhưng hiện người dân ưu tiên chọn mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng như trước kia do lo lắng việc sửa Nghị định 24 sắp tới sẽ có tác động mạnh đến thị trường vàng miếng.
Khi cơ quan chức năng xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC có thể giảm mạnh, về gần hơn so với giá thế giới quy đổi, tức là có thể giảm hơn 10 triệu đồng/lượng. Do vậy, nhiều người đã chuyển từ mua vàng miếng tích trữ sang vàng nhẫn, vàng trang sức để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, từ khi thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Doanh nghiệp chỉ có thể mua vàng trên thị trường để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Việc mua vàng trôi nổi trên thị trường lại không bảo đảm yêu cầu về hóa đơn, bảng kê hàng hóa dịch vụ và rủi ro có thể mua phải vàng lậu.
Vì thế khi cơ quan quản lý siết các vụ buôn lậu vàng gần đây khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không dám mua vàng trôi nổi trên thị trường càng làm cho nguồn cung vàng nguyên liệu thêm hạn chế.
Đồng thời, việc kinh doanh vàng nhẫn trơn mang về biên lợi nhuận thấp hơn so với các mặt hàng nữ trang khác có tiền gia công. Do đó, nhẫn tròn trơn không phải là mặt hàng được ưu tiên đẩy mạnh kinh doanh khi nguồn nguyên liệu hạn chế.
Một nguyên nhân khác khiến tình trạng vàng nhẫn khan hiếm là do nhu cầu của người mua tăng quá mạnh. Khi giá vàng nhẫn đang rẻ hơn rất nhiều so với giá vàng miếng thì tương ứng với rủi ro khi thị trường đảo chiều sẽ thấp hơn, vì thế sức hấp dẫn với người mua lớn hơn. Tỷ lệ thuận với lượng người mua lớn sẽ là giá ngày càng tăng cao, và cứ như thế, vàng nhẫn ngày càng hút khách, từ đó chuyện khan hàng có thể xảy ra.
Bình luận