Khi huyết áp tăng cao lâu ngày, cục máu đông hình thành sẽ bít tắc mạch máu gây ra những tai biến vô cùng nguy hiểm như tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim, suy thận….
Chính vì không hiểu hết mức độ nguy hiểm của bệnh, nhiều người bệnh không điều trị hoặc tự ý điều trị khiến bệnh nặng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng tới mạch máu
Khi bị bệnh tăng huyết áp, áp lực trong mạch máu bị tăng lên sẽ làm mạch máu mất tính đàn hồi và trở nên xơ cứng động mạch. Do áp lực liên tục động mạch bị giãn, lớp nội mạc bị nứt, vỡ gây nên chứng phình động mạch rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể bị vỡ, gây chảy máu và dẫn đến tử vong.
Bệnh tăng huyết áp gây hại cho tim
Huyết áp tăng làm dày và hư hại niêm mạc các mạch máu của tim. Các mạch máu bị hư hỏng dễ hình thành của các cục máu đông từ đó ngăn chặn việc cung cấp máu cho tim, dễ dẫn đến chứng đau thắt ngực.
Tăng huyết áp cũng làm tim phải hoạt động mạnh, làm cơ tim dày lên đặc biệt là tâm thất trái làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim để bơm máu đến các cơ quan khác, điều này dễ dẫn đến suy tim, to tim.
Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng đến não
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xuất huyết não gấp 10 lần. Tăng huyết áp làm suy yếu các mạch máu nhỏ trong não khiến chúng bị vỡ. Nếu bị gián đoạn lưu lượng máu đến não gây tình trạng thiếu máu não, hoa mắt, chóng mặt, mất trí nhớ, đứt mạch máu não dẫn đến bị liệt, xuất huyết não dễ dẫn đến hôn mê và tử vong…
Vì vậy, việc điều hòa huyết áp là rất quan trọng.
Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng đến thai kỳ
Phụ nữ bị huyết áp cao khi mang thai có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai từ đó làm giảm nồng độ oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi phát triển. Điều này ảnh hưởng không tốt tới thai nhi khiến bào thai có thể tăng trưởng chậm.
Phụ nữ mang thai khi bị tăng huyết áp dễ mắc hội chứng tiền sản giật, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và em bé khi sinh.
Bệnh tăng huyết áp gây suy thận
Thận là một trong những bộ phận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được bình thường, nó điều tiết các chất dịch của cơ thể, muối… từ đó điều chỉnh huyết áp. Khi bị bệnh tăng huyết áp sẽ gây hư hại các mạch máu trong thận làm quả thận mất chức năng lọc, làm hẹp động mạch thận, từ đó gây suy thận.
Phòng ngừa đột quỵ cho người cao huyết áp
- Với người cao huyết áp trước hết cần phải kiểm soát và điều trị tốt tăng huyết áp, cần giữ được huyết áp mục tiêu, đưa xuống mức ổn định 140/90 mmHg.
- Thực hiện chế độ giảm cân nếu thừa cân.
- Hạn chế ăn mặn
-Thực hiện chế độ ăn theo khuyến cáo, nên ăn nhiều cá, nhiều rau, củ, hạn chế tinh bột, đường, giảm sữa béo, mỡ, thịt đỏ…
- Tập thể dục trên 30 phút một ngày, tùy theo sức khỏe và khả năng, tình trạng bệnh của từng người mà lựa chọn hình thức thể dục phù hợp.
- Hạn chế bia rượu, thuốc lá.
- Khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu, đột ngột tê một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân... cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu.
Video: Lá gan của người Việt khổ nhất trên thế giới
Bình luận