Bộ Công thương vừa công bố dự thảo bảng giá điện mới. Theo đó, giá điện cho sản xuất tùy thời điểm sử dụng sẽ tăng khá mạnh từ 2-7%. Điều này khiến cho không ít doanh nghiệp cảm thấy choáng váng.
Giá riêng cho những ngành tốn điện
Cụ thể, theo biểu giá điện 2011, giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất (cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV) so với dự thảo biểu giá mới sẽ tăng 2-6%. Với đơn vị sử dụng điện giờ bình thường và giờ cao điểm sẽ phải chịu mức tăng là 2%, giá điện giờ thấp điểm có tỉ lệ tăng 6%.
Với cấp điện áp từ 110kV trở lên, giá điện giờ cao điểm và bình thường giữ nguyên, riêng giờ thấp điểm tăng 5%. Cấp điện áp từ dưới 6kV có mức tăng mạnh nhất. Giá điện giờ bình thường và giờ cao điểm sẽ cùng tăng 4%, giá điện giờ thấp điểm tăng tới 7%!
Lý giải tại sao giờ thấp điểm cũng tăng, mức tăng khá mạnh, một quan chức Bộ Công thương cho biết cần điều chỉnh bởi hiện giá điện giờ thấp điểm cho sản xuất chỉ từ 51-58% giá bán lẻ điện bình quân, tức chỉ khoảng một nửa giá bán trung bình cho các hộ khác. Đây là điểm chưa hợp lý bởi người dân dùng điện cho sinh hoạt, dù tiết kiệm chỉ xài 100 kWh/tháng, cũng đã phải trả giá bằng 100% giá bán điện bình quân.
Đáng lưu ý trong khi tăng tỉ lệ, từ đó có thể tăng giá điện sản xuất thì dự thảo lại điều chỉnh khá mạnh biểu giá bán lẻ điện cho kinh doanh (đối tượng là các nhà hàng, khách sạn...). Tùy cấp điện áp và giờ sử dụng, giá bán điện cho đối tượng này sẽ giảm 3-9%.Giá điện cho sản xuất tùy thời điểm sử dụng sẽ tăng khá mạnh từ 2-7%
Quan chức Bộ Công thương nhấn mạnh thực tế các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang trả giá rất cao so với ngành sản xuất. Nếu như các ngành ximăng, sắt thép theo dự thảo biểu phí mới, giá bán điện cao nhất chỉ đến 187% giá bán điện bình quân, thì giá điện kinh doanh nhiều doanh nghiệp đang phải chịu mức tới 257% giá bán điện bình quân. Ngay cả khi giảm 9% (cho giá giờ cao điểm, cấp điện áp dưới 6kV) thì mức giá cho mục này vẫn ở mức 248% giá bán điện bình quân - cao nhất so với tất cả các đối tượng...
Trong biểu giá điện là lần này Bộ Công thương đã tách riêng ngành ximăng, sắt, thép để quy định biểu giá riêng, chứ không cho hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác. Giá điện cho nhà sản xuất tiêu thụ rất nhiều điện này có mức khá cao, từ 59-187% giá bán lẻ điện bình quân, tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện vào lúc bình thường, thấp hay cao điểm.
Đổi mới công nghệ để sống sót
Đánh giá tác động của cơ cấu giá điện mới, các chuyên gia cho rằng có thể một bộ phận doanh nghiệp sẽ phải tốn kém thêm chi phí cho hoạt động sản xuất, nhưng về lâu dài sẽ là góp phần sàng lọc công nghệ sản xuất ở Việt Nam, loại bỏ những công nghệ lạc hậu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi cái nhìn về giá điện, phải thu giá cao với những đối tượng tiêu thụ nhiều điện năng, gây lãng phí, chứ không thể bao cấp điện mãi. Ngay cả điện trong sinh hoạt, những đối tượng sử dụng nhiều cần phải bán giá cao hơn. Nhưng những người dân sử dụng tiết kiệm thì việc giảm giá điện là cần thiết, giúp họ tiết kiệm một khoản chi phí thiết yếu trong sinh hoạt hoạt hàng ngày, đặc biệt trong bối cảnh đời sống khó khăn, thu nhập giảm, người dân phải thắt lưng buộc bụng.
Riêng về điện sản xuất tăng, ông Doanh cũng cho rằng việc tăng là cần thiết để góp phần tạo ý thức tiết kiệm điện, đồng thời tránh tình trạng giá điện bao cấp, doanh nghiệp ỉ lại, sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến lãng phí.
giá điện, tăng, sản xuất, khó khăn
“Việt Nam là một trong những nước có mức hao tốn điện năng cao nhất thế giới. Để làm ra một sản phẩm như nhau, các doanh nghiệp nước ta hao tốn điện năng so với các nước khác trong khu vực tới 1,5-1,7 lần. Ngành điện mỗi năm tăng trưởng 14-15% mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng GDP 6-8%. Trong khi đó, mức trung bình của thế giới là tăng 1% GPD mức sử dụng điện năng tăng 1,2-1,5%”, ông Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng cần thiết phải tăng giá điện với ngành thép, ngành xi măng. Công nghệ sản xuất trong các ngành này hiện nay đang cực kì lạc hậu. Các nước tiên tiến đã không còn sử dụng những công nghệ cũ kĩ, lạc hậu và hao tổn điện mà doanh nghiệp VN đang sử dụng nữa. Họ lợi dụng điện giá rẻ ở Việt Nam để đưa những công nghệ này vào. Vì thế, việc tăng giá điện trong những ngành này sẽ góp phần giảm bớt tình trạng nhà nước cứ bù lỗ giá điện, còn doanh nghiệp thì xài vô tội vạ. Đồng thời, về lâu dài sẽ ngăn được hiện tượng biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ!.
Ông Long cho rằng: “Những anh nào công nghệ lạc hậu, yếu kém cần phải đào thải để những anh đầu tư thiết bị hiện đại. tiết kiệm điện năng, hiệu quả sản xuất cao tồn tại. Nếu cứ bao mãi giá điện cho thép, xi măng, các ngành này tiết kiệm được chi phí sản xuất nhưng cái lợi mà họ mang lại cũng không cập được số tiền nhà nước phải bỏ ra bù lỗ giá điện cho họ”.
Theo ông Doanh, phải chấp nhận chịu đau, những doanh nghiệp không đủ sức khỏe để sống tiếp phải bị đào thải. Tuy nhiên, việc tăng giá điện ở những ngành sản xuất khác trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ lại càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó hơn. Vì thế, vấn đề cần xem xét là áp dụng ở thời điểm nào là hợp lý. Có đối tượng cần tăng giá điện ngay, nhưng cũng có đối tượng có thể lùi lại đến một thời điểm thích hợp hơn.
Theo Bảo Hân/VEF
Bình luận