(VTC News) - Bày tỏ quan điểm về khoản lỗ 8.000 tỷ đồng của EVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng "Không thể cứ báo lỗ rồi đòi dân gánh chịu".
Trong báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 2013, con số 8.800 tỷ đồng chi phí chênh lệch về tỷ giá đã không khiến ít người phải giật mình, chưa kể các vị đại diện của EVN còn thông báo đã trình lên Bộ Công thương để xem xét điều chỉnh tăng giá điện để bù vào khoản lỗ này.
Còn trong buổi họp tổng kết ngày 13/1 của EVN, ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN lại đưa ra thêm một khoản lỗ phát sinh khổng lồ 8.000 tỷ nữa do thuế tài nguyên nước tăng, giá than tăng, phí môi trường trường rừng tăng,...
EVN lại lỗ khủngnăm 2014 |
Như vậy theo những con số trên thì hiện tại EVN đang còn treo lơ lửng khoản lỗ gần 17.000 tỷ đồng và chuyện tăng giá điện sẽ chỉ còn là chuyện một sớm một chiều.
Trả lời PV VTC News, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Long cho hay: Các doanh nghiệp độc quyền kêu lỗ đã trở thành một điệp khúc muôn thuở rồi. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là họ đã xem xét tất cả các chi phí một cách hợp lý hay chưa, nhìn nhận lại cách quản lý của mình đã tốt hay chưa chứ không thể cứ báo lỗ rồi bắt dân phải gánh chịu.
Ông Long cho rằng trong những năm gần đây, dù năm nào EVN cũng báo lỗ rồi đòi tăng giá nhưng đến cuối cùng, sau khi kiểm toán đầy đủ thì năm nào cũng lãi lớn.
Ông Ngô Trí Long: trong những năm gần đây, dù năm nào EVN cũng báo lỗ rồi đòi tăng giá nhưng đến cuối cùng, sau khi kiểm toán đầy đủ thì năm nào cũng lãi lớn. |
Việc điều chỉnh tăng giá điện vào thời điểm này phải tính toán kỹ lưỡng sao cho hợp lý và phải dựa trên những số liệu chính xác, minh bạch với sự vào cuộc của các cơ quan kiểm toán độc lập cùng với các bộ, ban, ngành.
Hiện nay giá dầu trên thế giới đã giảm hơn một nửa xuống còn 45 USD/thùng. Giá than dù điều chỉnh tăng nhưng chiếm tỷ trọng trong nguyên liệu đầu vào sản xuất điện không cao. Chưa kể nguồn nước phục vụ cho các nhà máy thủy điện (sản xuất tới 40% tổng sản lượng điện trong nước) đang dồi dào, lượng thiết bị mua ngoài cũng không nhiều nên chi phí đầu tư sản xuất cho ngành điện vào thời điểm này ít nhiều sẽ giảm hơn so với trước.
Trong khi giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm liên tiếp tới 14 lần, chỉ số lạm phát cũng giảm so với năm trước, tỷ giá ổn định nên tăng giá điện vào thời điểm này là chưa hợp lý và sẽ tạo thêm nhiều áp lực kinh tế khi các doanh nghiệp làm ăn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, người dân lao động thu nhập còn thấp.
Vì vậy, việc thông báo điều chỉnh tăng giá điện sẽ phải có những lý lẽ thuyết phục hơn chứ không thể chỉ đổ lỗi cho việc tăng giá nguyên liệu đầu vào hay các loại phí phát sinh phục vụ đầu tư sản xuất.
EVN cũng cần phải nhìn nhận lại cách quản lý của mình hiện nay, rằng liệu biên chế có cồng kềnh quá hay không, cách khắc phục hao tổn điện năng đã hiệu quả chưa hay các loại chi phí phát sinh "ngoài luồng" sẽ lấy từ đâu hay lại hoạch toán luôn vào giá thành sản xuất điện.
Doanh nghiệp nhà nước báo lỗ nhưng lỗ do chủ quan hay do khách quan, cần phải phân biệt rõ ràng, chứ không thể cứ lỗ là bắt dân gánh chịu.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giá điện là phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ đó là sẽ điều chỉnh giá điện nhưng có thể là điều chỉnh tăng hoặc điều chỉnh giảm dựa trên những biến động của thông số đầu vào cơ bản.
Ba tháng sẽ xem xét điều chỉnh một lần nhưng không có nghĩa là cứ điều chỉnh là phải tăng bởi nếu chi phí đầu vào giảm thì giá điện cũng sẽ điều chỉnh giảm."
Bên cạnh đó một số chuyên gia kinh tế khác cũng đã cho rằng việc tăng giá điện sẽ phải lựa chọn thời điểm thích hợp và có lộ trình phù hợp để không gây sốc cho nền kinh tế, nhất là khi tình hình giá dầu thế giới chưa có dấu hiệu sẽ phục hồi trở lại trong năm nay.
Cuối năm 2014, EVN đã đề xuất các phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ, với mức tăng 9,5% tuy nhiên vẫn chưa có quyết định chính thức từ Bộ Công Thương.
Huyền Trân
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận