(VTC News) – Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, động thái tăng giá điện lên 5% (tương ứng với 62 đồng/kw/h) vào những ngày cuối năm 2011 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là lựa chọn khôn ngoan nhưng nếu xét về lâu dài, việc tăng giá này có nhiều điểm bất hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, EVN quyết định nâng giá từ ngày 20/12, ngày 20 cũng là ngày chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12 được tính toán xong. Hơn nữa, vào thời điểm này, các ngành khác đều im ắng, không có doanh nghiệp nào tăng giá. Chỉ số CPI vừa lúc chạm xuống đáy của năm do vậy, quyết định tăng giá vừa qua của EVN có thể là lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, theo ông Phong nếu xét về lâu dài, quyết định của EVN không hợp lý.TS.Nguyễn Minh Phong
“Đây là thời điểm lên giá của các mặt hàng. Do vậy, việc tăng giá của EVN lại quất thêm một xung lực nữa làm giá cả của tháng 1/2012 tăng lên rất lớn. Ngoài ra, động thái tăng giá của EVN sẽ khởi đầu cho sự lặp lại của một chuỗi tăng giá mà các công ty, doanh nghiệp nhà nước còn độc quyền”, ông Phong nhận định.
Ông Phong cũng chỉ ra rằng, quyết định tăng giá của EVN cũng có thể có một lợi ích nhất định. Việc nâng giá của EVN sẽ khiến những ngành như thép, sắt, luyện kim phải sử dụng điện tiết kiệm hơn hoặc phải sử dụng công nghệ cao hơn.
“Nhưng nếu chỉ vì một nhóm, ngành mà lại áp dụng với cả xã hội thì cũng không nên. Trong chuyện này thay vì tăng giá điện toàn xã hội, EVN nên tăng giá cho một số ngành đặc thù. Đối tượng nào không nên khuyến khích hoặc sử dụng công nghệ quá thấp, không công bằng (những ngành chuyển từ nước khác về để ăn giá điện rẻ trong nước) thì nên tăng giá điện.
Như vậy, vừa đạt mục tiêu lấy một phần nào đó bù lỗ như EVN đã giải trình, vừa để khống chế các cơ cấu kinh tế không khuyến khích phát triển cũng như là để giữ mức ổn định chung”, TS Phong nêu quan điểm.
Không nên để doanh nghiệp tự quyết việc tăng giá
TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, không nên để EVN cũng như những ngành nghề độc quyền, mang tính xã hội có quyền quyết định tăng giá.
Theo lý giải của EVN, việc điều chỉnh giá bán điện, tăng lên 5% là nhằm đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán.
Mức tăng này chỉ bù lỗ cho chi phí môi trường rừng khoảng 700 tỷ đồng, chi phí nhiên liệu trong năm 2012. Còn khoản lỗ 10.000 tỷ đồng, EVN vẫn chưa thể giải quyết được.
Tuy nhiên, theo TS. Phong, nếu chỉ cần xé nhỏ 10 lần tăng 5% thì mức tăng sẽ là 50%. Và như vậy, đây là kênh không hợp lý.
“Đáng lẽ phải quy định rõ, các chi phí tối thiểu là gì? Giá phác theo giá thị trường … Phải liệt kê chi phí tối thiểu và những chi phí tối thiểu của ngành điện phải được kiểm toán và hướng tới sự cân bằng chung. Phải minh bạch các khoản thu của nhà nước.
Sau đó, nếu chi phí nào tăng thì doanh nghiệp tăng theo chi phí đó và phải có giải thích với dân. Có vậy, người dân sẽ hiểu và chấp nhận. Chứ hiện giờ, thông tin “tù mù” cho thấy đây là cơ chế vì lợi ích của doanh nghiệp và của một vài cơ quan nào đấy hơn là vì xã hội.
Chưa kể, các khoản lỗ, lãi đa ngành chưa được EVN bóc tách. Đặc biệt, lưu ý đến vấn đề lương bổng của cán bộ, công nhân viên EVN. Theo thông báo của Kiểm toán nhà nước, với mức lương trung bình 17 triệu đồng/người thì lương ở EVN gấp 5 lần mức lương trung bình của xã hội - lương của những người đã có thời gian làm việc từ 25-30 năm trong Nhà nước. Mức lương này so với lương bất kỳ của một vị Giáo sư nào, đặc biệt so với mức lương công nhân trong khu công nghiệp thì quả là một trời một vực.
Mức lương này đã tạo ra một sự bất bình đẳng rất lớn xét về mặt xã hội. Điện là một ngành phi lợi nhuận, mang tính xã hội cao nhưng cán bộ công nhân viên lại được hưởng mức lương hơn mức lương kinh doanh, như vậy rõ ràng là điều không hợp lý.
EVN cần phải tính lại xem mức lương 1 năm họ trả là bao nhiêu để bù vào phần lỗ kia (10.000 tỷ đồng - PV) để điều chỉnh, giảm bớt phần tăng giá cho xã hội.
Hiện, EVN xử lý các khoản lỗ kia như thế nào chưa rõ. Liệu có đang chuyển lỗ đa ngành kia sang khoản lỗ công ích này không? Có lạm dụng sự chiu đựng của xã hội và lạm dụng cơ chế của Nhà nước hay không?", T.S Phong đặt câu hỏi.
"Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng như Bộ tài chính, Bộ Công thương phải có quy định sao cho kiểm soát tốt hơn việc tăng giá này. Bởi bất kỳ giải trình nào của EVN cũng đều không có số liệu, không có kiểm toán, không có bên thứ ba để xác minh. Giải thích một chiều bằng những câu nói, không có con số như vậy là vô nghĩa.
Lộ trình tốt nhất cho EVN và cho các ngành độc quyền khác là phải kiểm soát. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, Nhà nước cần phải kiểm soát từng mức tăng một. Nếu chưa có cơ chế tăng giá hợp lý, công khai, Nhà nước phải kiểm soát hết. Còn nếu có công thức tính giá và mọi thứ đã minh bạch thì doanh nghiệp được tăng theo các yếu tố khách quan và phải có giải trình, giải thích một cách minh bạch, để xã hội tâm phục khẩu phục”, TS. Phong kết luận.
T.H(ghi)
Bình luận