(VTC News) – “Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Công thương và EVN rút kinh nghiệm vì giá điện là ảnh hưởng đến nhiều, nên khi tăng phải tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/7.
Điện đang bán dưới giá thành
Bộ trưởng Đam cho biết, giá điện liên quan đến nhiều giá các nguyên liệu khác như giá than. Một số ngành ngốn nhiều điện như hóa chất và luyện kim đang được hưởng lợi lớn từ giá điện. Nếu hạch toán giá điện ra thì việc sử dụng điện sẽ công bằng hơn.
Việc cạnh tranh cung cấp điện cần có lộ trình. Việc điều chỉnh phải đảm bảo các yếu tố như: Làm một cách công khai, minh bạch về giá thành, lỗ lãi, tại sao tăng - giảm và làm đúng theo quy định của pháp luật.
"Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Công thương và EVN rút kinh nghiệm vì giá điện là ảnh hưởng đến nhiều, nên khi tăng phải tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu”, Bộ trưởng Đam nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đam, quan trọng là việc tăng giá không được ảnh hưởng đến người nghèo, các gia đình chính sách. Nếu tăng phải có giải pháp để các đối tượng này không bị ảnh hưởng. Hiện nay, đối với những hộ sử dụng điện dưới 50kwh/tháng thì giá điện không tăng. Vì vậy, người sử dụng ít điện không bị ảnh hưởng.
“Trong lúc tình hình kinh tế đang khó khăn này, phải có sự chia sẻ, nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nhau nỗ lực. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Công thương và EVN rút kinh nghiệm vì giá điện là ảnh hưởng đến nhiều, nên khi tăng phải tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu”, Bộ trưởng Đam nói.
Theo Bộ trưởng, tới đây không chỉ điện, giá xăng dầu cũng sẽ đưa về mức giá thị trường, phù hợp với định hướng của Đảng và Chính phủ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh lại cho rằng, nếu như giá điện có tăng 5%, thì đối với các đơn vị, lĩnh vực sử dụng nhiều điện như: luyện kim, hóa chất, chi phí điện chiếm khoảng 10% giá thành, thì tác động tương ứng cũng chỉ tăng khoảng 0,5% tính vào giá thành.
Nhưng thực tế cũng không hẳn như thế, vì nếu doanh nghiệp điều chỉnh theo giờ sử dụng điện (bậc thang giá điện theo giờ khác nhau) và các chi phí khác thì việc tăng giá điện này tác động rất nhỏ đến sản xuất kinh doanh.
Phải chăng EVN muốn tăng lương?
Tuy nhiên, bình luận về thời điểm tăng giá điện của EVN và mức tăng 5%, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói rằng: Việc giá điện tăng vào thời điểm này là không hợp lý vì giá nguyên liệu đầu vào đang giảm như: giá xăng dầu giảm, nguồn nước cho thủy điện năm nay cũng chưa xảy ra tình trạng khan hiếm.
Lý do thứ 2 là để bù lỗ cho năm trước cũng không thuyết phục. “Năm ngoái do phải chạy bằng nhiều xăng dầu nên bị lỗ, giờ tăng lên để bù lại, nghe qua cũng có vẻ đúng nhưng không điều đáng nói là “nhà đèn” lại không đưa ra con số cụ thể”, ông Phong nói.
Ví dụ, năm ngoái lỗ ngần này do giá xăng tăng, thì năm nay phải tăng lên chừng này, trong vòng bao lâu thì thu hồi vốn, bù đủ số lỗ của năm ngoái.
“Với 2 lý do này, chắc chắn sẽ có nhiều người phải đặt câu hỏi, vậy EVN sẽ tăng đến bao giờ mới bù hết lỗ. Hiện các chi phí đầu vào như xăng dầu hay nguồn nước đều không tăng. Vậy phải chăng tăng giá điện là để tăng lương cho ngành điện”, ông Phong đặt câu hỏi.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, EVN vin vào lý do CPI giảm để tranh thủ bù lỗ là không hợp lý. Lẽ thường, khi CPI giảm thì giá điện cũng phải giảm, chứ không có lý gì lại tăng như vậy.
“Ngành điện lỗ là do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần quan trọng là do chính ngành điện khi đầu tư không hiệu quả. Ngành điện kêu lỗ nhưng lại trả lương cho cán bộ lại rất cao so với mặt bằng chung. Tôi cho rằng, ngành điện nên xác định rõ lỗ do đâu, chứ không nên bắt dân và doanh nghiệp phải gánh chịu”, ông Doanh nói.
Mặt khác, việc EVN cho rằng mức tăng này rất thấp không ảnh hưởng nhiều đến chi phí cho giá điện của các hộ gia đình hàng ngày. Nhưng giá điện là một mặt hàng nhạy cảm. Vì vậy, giá điện tăng có thể sẽ kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác cũng tăng giá.
Bình luận