Theo công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm 2019, chậm nhất đến hết ngày 22/7, các trường đại học phải công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để thí sinh có căn cứ điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, sau khi bị phản ánh "ngưỡng đầu vào" quá thấp (12 đến 13 điểm), nhiều trường thay đổi điểm sàn sau thời điểm quy định.
Thay đổi điểm sàn sau thời gian quy định của Bộ GD&ĐT
Ngày 25/7, ĐH Đà Nẵng thông báo điều chỉnh điểm sàn năm 2019 phân hiệu tại Kon Tum theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là 14 điểm đối với các ngành (riêng ngành giáo dục Tiểu học) là 18 điểm. Trước đó, tại cơ sở này, mức sàn là 12,5 điểm.
Tương tự, ngày 24/7, ĐH Đồng Tháp cũng tăng điểm sàn năm 2019 lên mức 14 đối với tất cả ngành ngoài sư phạm, thay vì 13,5 điểm như thông báo trước đó. ĐH Phú Yên cũng nâng điểm sàn xét tuyển lên thành 14 điểm (trước đó là 13).
Liên hệ với ĐH Đồng Tháp và ĐH Phú Yên, đại diện các trường này đều cho rằng việc thay đổi điểm sàn muộn so với thời gian quy định nhưng trong thời gian đầu của đợt điều chỉnh nguyện vọng nên không ảnh hưởng nhiều đến thí sinh. Hai trường này thay đổi điểm sàn theo hướng cao hơn là do lãnh đạo trường "tự ý thức về chất lượng đầu vào".
Là một trong những trường có mức sàn thấp, ĐH Nông lâm TP.HCM gửi văn bản giải trình với Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Trong văn bản trên, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết trường đưa ra điểm sàn căn cứ quy chế tuyển sinh, công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và số nguyện vọng đăng ký vào trường, cũng như tình hình xét tuyển các năm qua của phân hiệu.
"Việc xác định điểm sàn 13 tại 2 phân hiệu là do tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Nếu mức sàn quá cao, học sinh tại các tỉnh này không thể nộp hồ sơ. Không có người học, bộ máy nhà trường tại 2 phân hiệu phải làm sao?
Hơn nữa, nhu cầu nhân lực của các địa phương với một số ngành là có thật, trong khi nhiệm vụ của trường là đào tạo nhân lực cho những địa phương này. Trường xác định sàn thấp cũng là để con em các địa phương đó có thể theo học. Đây là chuyện cực chẳng đành, trường cũng không hề muốn", ông Hùng nói.
"Ảnh hưởng quyền lợi thí sinh"
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22/7 đến 17h ngày 29/7, hệ thống cổng thông tin tuyển sinh của Bộ mở chức năng "Thay đổi nguyện vọng xét tuyển sinh", cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến. Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7, thí sinh điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Mỗi thí sinh chỉ được phép điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất.
Đại diện một trường đại học phía Nam cho rằng Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường có mức điểm xét tuyển thấp giải trình là việc cần làm. Giải trình không có nghĩa là cấm các trường lấy sàn thấp. Tuy nhiên, việc các trường thay đổi điểm sàn sau thời gian quy định sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của nhiều thí sinh. Bộ GD&ĐT lại im lặng trước động thái này của các trường là điều khó hiểu.
"Giả sử có những thí sinh 13 điểm đã thay đổi nguyện vọng vào các trường này. Bây giờ, các trường nâng sàn như thế khác nào lấy cơ hội đỗ đại học của các em. Nếu Bộ GD&ĐT để cho các trường này nâng sàn sau 22/7, Bộ và trường phải xin lỗi thí sinh", người này cho hay.
Đây cũng là lý do khiến ĐH Nông lâm TP.HCM không thay đổi mức sàn tại phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, dù đã có văn bản giải trình về vấn đề này.
"Trường cũng muốn có mức sàn cao, nhưng đã công bố với thí sinh rồi, bây giờ lại đổi thì không được. Chẳng may có thí sinh đã thay đổi nguyện vọng, sẽ bị ảnh hưởng", ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM, cho hay.
Chung quan điểm trên, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng các trường thay đổi điểm sàn sau 22/7 là làm trái với quy chế tuyển sinh.
"Quy định đã có từ trước, nhưng các trường vẫn công bố mức điểm nhận hồ sơ sau 22/7, rõ ràng là làm sai quy định", thạc sĩ Sơn nhấn mạnh.
Bình luận