Tây Ban Nha là đội bóng hạnh phúc nhất sau vòng bảng khi rơi vào nhánh đấu nhẹ (tránh được Pháp, Brazil, Argentina, Bồ Đào Nha, Uruguay), đồng thời được các hãng cá cược xếp lên đầu trong danh sách các ứng viên vô địch. Thực tế, với dàn cầu thủ đẳng cấp và giàu kinh nghiệm, cộng thêm lịch thi đấu thuận lợi ở nhánh đấu dễ hơn (trên lý thuyết), người Tây Ban Nha có quyền mơ về danh hiệu World Cup.
Nhưng ở Luzhniki đêm qua, giấc mơ ấy nhanh chóng tan vỡ dưới gót giầy của chủ nhà Nga. Tây Ban Nha bị loại cay đắng, song đó là kết quả vô cùng xứng đáng. Tây Ban Nha cũng chỉ còn biết tự trách chính mình với 120 phút gây thất vọng và không cho thấy hình hài của một ứng viên vô địch.
Đâu rồi hình ảnh bất khả chiến bại?
Tây Ban Nha sở hữu hàng công gắn kết và hiệu quả bậc nhất thế giới, đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, yếu tố tạo nên sức mạnh cho "Bò tót" nằm ở thành tích phòng ngự. 3 lần lên ngôi tại EURO (2008, 2012) và World Cup (2010), Tây Ban Nha đều giữ sạch lưới ở vòng knock-out. Ở EURO 2008, Tây Ban Nha hòa Italia 0-0, thắng Nga 3-0 và hạ Đức 1-0 ở chung kết. World Cup 2010, Tây Ban Nha thắng Paraguay, Bồ Đào Nha, Đức và Hà Lan với cùng tỉ số 1-0. EURO 2012, Tây Ban Nha thắng Pháp 2-0, hòa Bồ Đào Nha 0-0 và hạ Italia 4-0 để hoàn tất hat-trick vô địch trong 4 năm.
Thực tế, Tây Ban Nha phòng ngự tốt không phải vì họ sở hữu hàng thủ hay. Khả năng phòng ngự của Tây Ban Nha liên hệ mật thiết với triết lý kiểm soát của Pep Guardiola, khi tấn công là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy hiểm cho khung thành đội nhà. Tây Ban Nha phòng thủ bằng những đường chuyền, họ kiểm soát thế trận, dồn ép và không để đối thủ có cơ hội chơi bóng.
Khi mất bóng, các tiền vệ Tây Ban Nha di chuyển để bắt bài đường chuyền. Nếu tuyến giữa bị vượt qua, những Sergio Ramos, Gerard Pique hay Carles Puyol sẵn sàng can thiệp. Hàng phòng ngự vượt qua nốt, thủ môn Iker Casillas đã chờ sẵn ở phía sau. Các đội bóng muốn chọc thủng lưới Tây Ban Nha phải vượt qua từng ấy "cửa ải". Đã từng có thời điểm cả thế giới phải chịu thua cách phòng ngự ấy.
8 năm sau chức vô địch, Tây Ban Nha vẫn trung thành tuyệt đối (và mù quáng) và triết lý kiểm soát. Chỉ có điều, chất lượng nhân sự của "Bò tót" không đủ để Tây Ban Nha kiểm soát trận đấu chặt chẽ như trước. Trước Nga, Tây Ban Nha vẫn thực hiện xấp xỉ 1200 đường chuyền, cầm bóng 79% và chuyền chính xác 90%, nhưng sự áp đặt của những Koke, David Silva, Isco hay Marco Asensio là không đủ lớn để khiến đối thủ phải bối rối.
Trong 1200 đường chuyền nói trên, chưa đến 10 đường chuyền thực sự giá trị và mang lại tính đột biến, nghĩa là Tây Ban Nha phải chuyền đến hơn 100 lần mới tìm ra 1 lần mở đường tìm vào khoảng trống giữa các hậu vệ của Nga. Một thống kê đáng buồn.
Tây Ban Nha có 9 cú sút trúng đích, song số cơ hội thực sự của La Roja chỉ là 3, với 1 pha thoát xuống của Diego Costa, 1 tình huống dứt điểm góc hẹp của Rodrigo và 1 cú sút xa của Andres Iniesta. Bàn thắng của Tây Ban Nha được ghi từ tình huống... phản lưới của đối phương. Còn lại, 24 cú sút của Tây Ban Nha hoặc để giải tỏa bế tắc, hoặc được thực hiện ở vị trí không đủ lý tưởng để làm rung mành lưới đối phương.
Dấu ấn mờ nhạt của Hierro
Ở thời điểm Fernando Hierro nhận lời trở thành người "chữa cháy" cho Tây Ban Nha sau khi HLV Julen Lopetegui bị sa thải, nhiều người kỳ vọng huyền thoại của Real Madrid sẽ tiếp bước Zinedine Zidane - đạt được thành công bất ngờ dù có ít kinh nghiệm huấn luyện, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Công bằng mà nói, Hierro đã làm tốt khía cạnh tinh thần khi "bình ổn" phòng thay đồ đang hoảng loạn và bị chia rẽ sâu sắc sau sự ra đi của Lopetegui. Trận ra quân của Tây Ban Nha (hòa Bồ Đào Nha 3-3) cũng cho thấy dấu hiệu tích cực, song điều quan trọng nhất là dấu ấn chiến thuật thì Hierro lại chưa làm được. Tây Ban Nha đã quá lạc quan khi cho rằng đội tuyển đạt đến độ nhuần nhuyễn để có được chiến thắng mà không cần một HLV thực thụ, nhưng họ đã nhầm. Lối đá kiểm soát của Tây Ban Nha đã đạt đến độ "bão hòa", bị đối thủ bắt bài và không còn hù dọa được bất cứ ai.
Khi những ngả đường dẫn đến khung thành của Igor Akinfeev bị bịt kín, Tây Ban Nha rất cần những giải pháp khác để tạo đột biến. Tuy nhiên, không có bất cứ sự thay đổi nào ngoài những quả tạt vô hồn và hàng trăm đường chuyền không có ý nghĩa. Hierro cũng mắc sai lầm lớn khi vào trận với tâm thế quá thận trọng, bố trí cặp tiền vệ Sergio Busquets - Koke thiên về phòng ngự và phải đến hiệp 2 mới tung Andres Iniesta vào sân.
HLV Stanislav Cherchesov của Nga dù là... tay mơ trên ghế huấn luyện, song ông cũng vẫn kinh nghiệm và dày dạn hơn Hierro rất nhiều. Không khó để Cherchesov tính toán phương án ngăn chặn Tây Ban Nha khi vốn dĩ Hierro không có "bài vở" độc đáo nào khác. Trong kỷ nguyên công nghệ, khi những trận đấu được phân tích cặn kẽ trên các trang báo hay mạng xã hội, việc Nga "đọc bài" Tây Ban Nha để hóa giải là rất bình thường.
Người hâm mộ chờ đợi ở Hierro là sự tinh chỉnh trong cách vận hành cũ kỹ và có phần lỗi thời của Tây Ban Nha, nhưng điều đó đã không xảy ra. Khó trách Hierro, bởi ông không có nhiều thời gian để thay đổi một cơ thể sống đã có quá nhiều "mầm bệnh".
Thảm họa hàng thủ
Tây Ban Nha phòng ngự kém một phần vì lối chơi kiểm soát không còn ở giai đoạn thịnh trị, một phần vì tuyến phòng ngự của "Bò tót" đã xuống cấp trầm trọng. Cả Gerard Pique và Sergio Ramos đều có giải đấu tồi tệ với những sai lầm. Với riêng Pique, pha để bóng chạm tay trong vòng cấm là lỗi lầm mà người Tây Ban Nha khó có thể tha thứ, song để nói về nhân tố gây thất vọng nhất, đó phải là David De Gea.
De Gea khởi đầu World Cup cực tệ với sai lầm dẫn đến bàn thua thứ 2 của Tây Ban Nha trước Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, sự lóng ngóng của De Gea trong màu áo tuyển không phải khi ấy mới xuất hiện.
Những sai sót của De Gea được bắt đầu ở EURO 2016 - giải đấu đầu tiên mà thủ thành này chiếm lấy vị trí số 1 trong khung gỗ Tây Ban Nha. Trong trận đấu có tính chất tranh ngôi đầu bảng với Croatia, De Gea đã mắc lỗi trong bàn thua quyết định khi không thể ngăn cản cú sút góc hẹp của Ivan Perisic, khiến "La Roja" bại trận với tỉ số 1-2. Trước đó, pha xử lý ngớ ngẩn của thủ môn 27 tuổi khiến Luka Modric cướp được bóng ngay sát khung thành, song may cho De Gea khi cú lốp sau đó của Modric lại đưa bóng đi chạm xà ngang.
Trận thua sát nút trước Croatia khiến Tây Ban Nha phải đứng thứ hai và giáp mặt với Italia ở vòng 1/8. Tại đây, De Gea tiếp tục mắc lỗi với pha đẩy bóng... thẳng vào chân 4 cầu thủ Italia đang băng vào sau pha sút phạt của Eder, khiến Tây Ban Nha thua 0-2 chung cuộc.
Trong loạt trận giao hữu trước thềm World Cup 2018, De Gea phạm thêm 2 sai lầm khó bào chữa, 1 trước pha đánh đầu của Nicolas Otamendi trong cuộc so tài với Argentina (Tây Ban Nha thắng 6-1), 1 trước quả tạt tầm thấp của Stephan Lichsteiner trong trận gặp Thụy Sĩ (Tây Ban Nha hòa 1-1). Như vậy, De Gea đã mắc ít nhất 5 sai lầm dẫn đến bàn thua trong màu áo Tây Ban Nha trong gần 3 năm qua - con số nhiều gấp đôi số lỗi thủ môn này mắc phải trong 3 năm thăng hoa cùng MU.
De Gea không mắc sai lầm nghiêm trọng nào trong thất bại của Tây Ban Nha trước Nga, nhưng thủ thành của MU đã bất lực trong việc cản phá các pha đá phạt đền. 5 lần giáp mặt với đối thủ từ khoảng cách 11m, De Gea thua cả 5 và chỉ đoán đúng hướng 1 lần, trong khi Akinfeev cản phá tới 2 lần các quả sút của cầu thủ Tây Ban Nha. Sở hữu một thủ thành không đẩy được quả phạt đền nào, Tây Ban Nha cần tới phép màu mới thắng được Nga.
Nói tóm lại, thất bại của Tây Ban Nha ở vòng 1/8 World Cup là một bất ngờ, nhưng là bất ngờ rất hợp lý. La Rojo đang thực hiện cách mạng, song cuộc cách mạng ấy không triệt để và chưa mang lại hiệu ứng tích cực. Để rồi, 6 năm sau danh hiệu vô địch gần nhất, người Tây Ban Nha sẽ tiếp tục phải chờ đợi.
Bình luận