Mở đầu bản tin, Tân Hoa Xã trích ý kiến của ông Lý Khắc Cường cho rằng: "Vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các bên liên quan dựa trên cơ sở lịch sử, luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC".
Tiếp theo, Tân Hoa Xã nói ông Lý Khắc Cường có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề hội nghị ASEM ở Mông Cổ.
Hãng thông tấn này bịa đặt trắng trợn thông tin của cuộc gặp khi cho rằng: "Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về phán quyết của Tòa trọng tài và cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán".
Trong khi đó, nội dung chính xác của cuộc gặp này là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế, coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Video Tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn Bắc Kinh đơn phương vạch ra ở Biển Đông
Trước đó, liên quan phán quyết Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc được đưa ra ngày 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: "Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016".
Ngày 12/7, thông cáo báo chí của Tòa trọng tài cho biết: "Tòa kết luận vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền lịch sử vượt quá các quy định của Công ước quốc tế về luật Biển UNCLOS, trong đó ở các khu vực biển thuộc phạm vi đường 9 đoạn".
Theo thông cáo báo chí của PCA, Tòa Trọng tài kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những “bãi đá” hợp pháp, do đó nó không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). Tòa trọng tài cũng kết luận Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải.
Tòa Trọng tài tuyên bố Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phillippines với các hành động: Can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines. Xây dựng các đảo nhân tạo. Không ngăn được các ngư dân Trung Quốc đánh cá trong vùng EEZ của Philippines.
Bình luận