Nhóm tác giả cho biết, trong khi cát phục vụ xây dựng trở nên khan hiếm, sản xuất và tiêu dùng bao bì nhựa lại rất phổ biến trong đời sống hàng ngày và tạo thành một lượng rác thải khổng lồ. Nghiên cứu này giúp tận dụng lượng rác thải đó vào sản xuất bê tông, trở thành vật liệu xây dựng, giảm thiểu số lượng rác thải phải tiêu hủy.
Nghiên cứu đã xác định được tỷ lệ nhựa tối ưu trong hỗn hợp bê tông thích hợp mà không ảnh hưởng đến độ chịu nén của mẫu bê tông. Lượng nhựa này được thu gom từ các thùng rác ở ký túc xá Đại học Cần Thơ, ngoài ra còn được thu gom từ những vựa bán đồ phế thải. Qua quy trình tái chế, xử lý, nhựa sẽ trở thành vật liệu thay thế cho cát trong hỗn hợp bê tông.
Nhựa đóng vai trò cốt liệu thay thế cho cát trong hỗn hợp cấp phối. Do chưa có nghiên cứu tương tự nào được tiến hành, việc xác định thành phần cấp phối được đề nghị dựa vào định mức cấp phối vật liệu cho vữa bê tông.
Nhóm tác giả cũng cho biết thêm, nghiên cứu đã đề xuất giải pháp xử lý nhựa thành hạt vật liệu để đưa vào cấp phối bê tông và xác định được lượng nhựa tối ưu đưa vào nhiều nhất mà sản phẩm bê tông vẫn đạt chất lượng về cường độ chịu nén theo quy chuẩn Việt Nam.
Các mẫu bê tông đạt yêu cầu sử dụng cho các công trình xây dựng. Như vậy, rác thải nhựa có thể tận dụng để chế tạo vật liệu xây dựng mới phù hợp theo định hướng của quốc gia về phát triển vật liệu thân thiện với môi trường, đồng thời giảm thiểu lượng nhựa đưa vào dòng thải tránh gây ô nhiễm môi trường.
Bình luận