• Zalo

Tấn công Tổng Nha Cảnh sát tiêu diệt Nguyễn Ngọc Loan qua lời kể cựu nữ biệt động Sài Gòn

Thời sựThứ Tư, 07/02/2018 08:24:00 +07:00Google News

Mục tiêu của toàn đội khi tấn công vào Tổng nha cảnh sát là đánh cho địch một đòn phủ đầu, quan trọng hơn phải tiêu diệt cho được tên tướng tàn bạo Nguyễn Ngọc Loan.

Đọc 4 kỳ trước:

Nguyễn Ngọc Loan qua ký ức nữ biệt động

Bà Vũ Minh Nghĩa (tự là Chín Nghĩa) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM).

Mẹ bà chính là Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đặng có 8 người con, nhưng 3 người đã hy sinh, 5 người còn lại cũng là thương binh. Trong đó, có 3 anh em Chín Nghĩa đều thuộc biên chế đội 5 Biệt động Sài Gòn.

Bà từng gián tiếp tham gia nhiều chiến dịch cùng với đội 5 biệt động, trước khi trực tiếp cầm súng đánh vào Dinh Độc Lập mùa xuân 1968. Trong số đó phải nhắc về trận đánh vào Tổng nha cảnh sát Sài Gòn ngày 16/8/1965.

"Tôi chưa từng gặp trực tiếp Nguyễn Ngọc Loan nhưng đã nghe về độ khét tiếng của Loan. Lúc đội 5 đánh vào Tổng nha cảnh sát năm 1965 cũng là muốn giết cho được Nguyễn Ngọc Loan, vì lúc này Loan đang là tư lệnh ngành cảnh sát mà", bà Nghĩa cho biết.

Video: Nguyễn Ngọc Loan qua lời kể của nữ biệt động

Theo bà Nghĩa, Nguyễn Ngọc Loan, viên tướng của chế độ Việt Nam Cộng hòa là một kẻ tàn độc, ngang ngược và kỳ dị. Hắn đã giết không biết bao nhiêu chiến sĩ của quân ta, tra tấn những người tù chính trị. 

Vì vậy, đội 5 quyết tâm đánh vào cơ quan đầu não của lực lượng cảnh sát Sài Gòn, giáng cho chúng một đòn phủ đầu, mục tiêu cao hơn là giết được Loan, trả thù cho đồng đội đã hy sinh.

Dù kế hoạch không hề bị bại lộ, đội 5 vẫn đánh được vào Tổng nha cảnh sát nhưng có một điều không ngờ tới, ngày hôm đó Loan lại đi làm muộn.

Bà Nghĩa kể: "Theo những gì ta trinh sát được thì vào ngày giờ đó, nó (Nguyễn Ngọc Loan - PV) đi làm. Vì trong tổng nha có căng tin, quán cà phê nên nó vào đó để ăn uống.

Nhưng không biết sao hôm đó nó lại đi trễ, mình nổ súng rồi mà nó chưa tới, đến lúc mình rút cũng không tiêu diệt được nó".

Cũng theo bà Nghĩa, Loan không chỉ nổi tiếng vì là tay giang hồ đội lốt cảnh sát, hắn còn dùng nhiều âm mưu tàn độc để đối xử với những tù nhân chính trị bị bắt, những người mà Loan cho là phá hoại trị an.

Ban đầu khi bị bắt vào tổng nha, Loan cho thuộc cấp đánh đập, hành hạ tù binh đủ kiểu. Nếu không khai thác được gì hắn lại đổi qua cách khác là đánh vào tâm lý và tình cảm yếu mềm của tù binh.

nghia

Bà Vũ Minh Nghĩa kể về trận đánh vào Tổng nha cảnh sát gần 50 năm trước. 

"Nó cho ở riêng, được ăn uống đầy đủ, rồi cho gia đình vào thăm để dụ dỗ, chiêu hồi anh em. Đây là hành vi làm nhục người lính cách mạng, nhưng vì là con người mà, ai không có chút yếu mềm, vậy là cũng có anh em sa ngã", bà chia sẻ.

Không chỉ mưu mô, gian xảo, sau này Loan còn thể hiện sự tàn ác bằng việc dùng súng bắn vào đầu chiến sỹ biệt động đang bị trói mà không cần tra hỏi. Cũng chính vì sự tàn bạo của mình, Loan đã phải trả giá ở những năm tháng cuối đời.

Trận đánh "kinh điển" vào Tổng nha cảnh sát

Trận đánh vào Tổng nha cảnh sát năm 1965 do ông Bảy Bê Nguyễn Thanh Xuân, cũng chính là chồng của bà Chín Nghĩa chỉ huy.

Lúc này, bà Nghĩa làm nhiệm vụ dẫn đường, giao liên cho đội đến địa điểm chiến đấu. Toàn đội có khoảng 6 người, đi trên 2 xe du lịch 4 chỗ, đóng giả một đoàn rước dâu. Trong đó bà Nghĩa đóng vai trò là phù dâu.

Khi xe tới chân cầu Điện Biên Phủ, bà Nghĩa xuống xe đi tiếp về một địa điểm khác đã hẹn, chờ sẵn đến khi các chiến sỹ đội 5 xong việc sẽ được bà đưa về lại căn cứ.

Hai chiếc xe từ từ lăn bánh về hướng tổng nha, 1 chiếc do đội trưởng Bảy Bê cầm lái, trên xe có thêm một người làm nhiệm vụ dọn đường và bảo vệ. Chiếc còn lại do ông Năm Hòa cầm lái cùng 2 chiến sỹ khác, chở theo chất nổ.

Khi đến cổng tổng nha, có một sợi dây xích chắn ngang nên xe ông Bảy Bê không vào được bên trong. Ông Bảy Bê và đồng đội của mình nhảy xuống dùng súng bắn gục nhiều tên lính.

Xe chở chất nổ chạy phía sau cũng vướng dây xích, lúc này ông Năm Hòa lùi xe lại, sau đó lao thẳng đến hội trường tổng nha trong sự ngỡ ngàng của lính ngụy.

ef405210-7ded-4141-bd19-b4fa00ca96f4 3

 Hai vợ chồng ông Bảy Bê và bà Chín Nghĩa.

Năm Hòa nhanh chóng rút nụ xòe gây nổ rồi chạy về phía cổng, các chiến sỹ đội 5 liên tục bắn về hướng địch để yểm trợ rút lui. Khối thuốc 150kg vừa kịp nổ cũng là lúc toàn đội 5 lên xe, chạy thoát về hướng đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ).

Theo bà Nghĩa, trận đánh diễn ra chớp nhoáng, tất cả thời gian chỉ vỏn vẹn từ 10 đến 15 phút. "Đánh nhanh lắm, khi tôi lấy xe tới được điểm hẹn, vừa vào trong quán gọi đồ ăn, bưng cái tô chưa kịp ăn đã nghe súng nổ rồi. 3 - 5 phút sau là thấy các các anh đến lấy xe đi", bà Nghĩa kể.

Trận đánh tuy không thể tiêu diệt được Nguyễn Ngọc Loan nhưng cũng đã khiến địch chịu những tổn thất nặng nề. 6 cố vấn Mỹ, 150 cảnh sát bị tiêu diệt và bị thương trong trận này, trong đó có nhiều sỹ quan cấp tá của địch.

Cũng chính từ những trận đánh như thế, lực lượng biệt động đã rút ra được các kinh nghiệm tác chiến nhanh chóng. Nó làm tiền đề cho cuộc tiến công Mậu Thân 1968 mà bà Chín Nghĩa là một trong những chiến sỹ biệt động trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Cách đây đúng 50 năm, ngày 1/2/1968, cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy chiếm chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra trên hầu hết lãnh thổ của Việt Nam Cộng hòa. Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam. 

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử như mắt xích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Mỹ thừa nhận thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ và đưa quân về nước.

Video: Những thước phim tài liệu về chân dung người bị Nguyễn Ngọc Loan bắn

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn