• Zalo

Tấn công ở vịnh Oman và những lần tạo cớ gây chiến tồi tệ nhất lịch sử nhân loại

Thế giớiThứ Hai, 17/06/2019 17:46:00 +07:00Google News

Viện cớ chiến tranh đã có, nhưng liệu ông Trump có dám bắt đầu cuộc chiến với Iran?

Vụ việc 2 tàu chở dầu bị cháy ở Vịnh Oman có thể chỉ là cái cớ để khơi mào một cuộc chiến tranh toàn diện. Rất nhiều sự kiện trong lịch sử nhân loại dẫn tới một cuộc chiến tranh tàn khốc được dàn dựng một cách cố ý hoặc liên tưởng một cách vô lý, nhưng tất cả chúng sau cùng cũng bị 'đưa ra ánh sáng'.

Sự kiện tàu USS Maine, Chiến tranh Tây Ban Nha–Mỹ

Mỹ từng sử dụng chiến thuật này trong thế kỷ XIX. Cụ thể, vào năm 1898, chiếc tàu tuần dương bọc thép USS Maine của Mỹ đột nhiên phát nổ tại cảng Havana, Cuba, gây ra cái chết của 261 thủy thủ - chiếm 2/3 số lượng thành viên thủy thủ đoàn.

Washington ngay lập tức cáo buộc Tây Ban Nha - khi đó đang nắm quyền kiểm soát Cuba và hầu hết các vùng lãnh thổ rộng lớn khác ở Mỹ Latinh, là thủ phạm của vụ việc.

1 3

Vụ chìm tàu USS Maine khơi mào cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. 

Điều bất thường là, phần lớn đội ngũ sĩ quan thuộc biên chế của con tàu này, vì những lý do nào đó, đều đã ở trên bờ. Chiếc tàu chiến phát nổ khiến 261 người thiệt mạng, nhưng chủ yếu trong số đó là các thủy thủ da màu.

Mặc dù không có bằng chứng xác đáng nào được đưa ra và Tây Ban Nha liên tục phản bác lại lời cáo buộc vô lý này. Nhưng với chiêu bài chiến tranh thông tin, Mỹ đã tận dụng triệt để sự phẫn nộ của công chúng và sức mạnh của báo chí để đổ tội cho Tây Ban Nha.

Theo cách đó, cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha đã nổ ra. Kết quả là Cuba, cùng với đảo Guam, Puerto Rico và Philippines, đã bị Mỹ chiếm đóng.

10 năm sau khi cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha kết thúc, khi những gì còn lại của chiếc tàu chiến USS Maine của Mỹ được trục vớt lên bờ, người ta mới giật mình nhận ra rằng vụ nổ tai hại đó hóa ra lại không xuất phát từ bên ngoài, mà là bên trong. Không những thế, phần lò hơi của động cơ được xác định vẫn còn nguyên vẹn, có nghĩa, đây không phải là một tai nạn. Nhưng dù sao cuộc chiến cũng đã kết thúc từ lâu, và không ai có thể sửa chữa kết quả của nó được nữa.

Năm 1976, Đô đốc Hải quân Mỹ Hyman G. Rickover điều tra lại vụ tai nạn dẫn tới vụ chìm tàu Maine và cho rằng vụ nổ trên tàu xảy ra do nguyên nhân tự nhiên, bắt nguồn từ các thùng chứa than dự trữ trên tàu lúc bấy giờ - một vấn đề khá phổ biến ở thời tàu chiến chạy bằng động cơ hơi nước.

Sau gần 100 năm, Tây Ban Nha cuối cùng cũng được minh oan bởi... chính người Mỹ.

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ"

Một chiến thuật tương tự cũng được Mỹ sử dụng vào ngày 4/8/1964 để lấy cớ leo thang cuộc chiến ở Việt Nam. Tại thời điểm đó, tình báo Mỹ đã báo cáo về Washington rằng, họ đã chặn bắt thông tin vô tuyến của Hải quân miền Bắc Việt Nam. Theo đó, các thủy thủ Việt Nam kêu gọi tấn công tàu chiến Mỹ, đây là chi tiết quan trọng quyết định tất cả. Và ngay hôm sau (5/8), để đáp trả cái gọi là “hành động gây hấn” của Hải quân Việt Nam, máy bay của Hải quân Mỹ đã ném bom và bắn phá các vị trí quân sự và điểm dân cư ven biển miền Bắc Việt Nam.

tau_maddox_wgeg 4

Tàu khu trục Maddox của Mỹ làm nhiệm vụ do thám vô tuyến điện. (Ảnh tư liệu BTLSQG) 

Đến ngày 7/8, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, với đa số gần tuyệt đối 416 phiếu thuận và 9 phiếu trắng. Theo đó, cho phép sử dụng lực lượng vũ trang để “bảo vệ tự do của quốc gia Đông Nam Á”. Tháng 3/1965, không quân Mỹ bắt đầu ném bom một cách hệ thống xuống miền Bắc Việt Nam, tiếp sau là đổ bộ các đơn vị quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã huy động hơn 2,7 triệu binh lính, khi kết thúc chiến tranh, nước Mỹ đã tổn thất khoảng 58.000 sinh mạng, và tiêu tốn 111 tỷ USD (thời giá khi đó). Con số thương vong của phía Việt Nam vào khoảng gần 3 triệu người.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Cơ quan an ninh Quốc gia Mỹ mới công bố tài liệu liên quan đến “sự kiện Vịnh Bắc bộ” - Công trình nghiên cứu do nhà sử học quân sự Mỹ Robert J. Hanyok viết dành riêng cho National Security Agency — NSA năm 2001, Trong đó, ông khẳng định rằng: “Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh tại Việt Nam trên cơ sở những sự kiện bị bóp méo”.

Ông Hanyok đã chứng minh và kết luận rằng không hề có cuộc tấn công nào vào ngày 4/8/1964. Ông Hanyok đã dẫn lời nhân chứng là viên phi công lái máy bay quân sự James Stockdale - người đã ở trên không chính vào thời điểm cáo buộc xảy ra tấn công - khẳng định rằng anh ta không hề thấy bất cứ “cuộc tấn công” nào của Việt Nam.

1

 Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell với bằng chứng cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hóa học. (Ảnh: AP)

Ống nghiệm chứa bột trắng và cuộc chiến tranh Iraq 2003

Không chỉ dừng ở đó, vào năm 2003, Mỹ cũng đã tìm ra cách để khởi xướng cuộc chiến ở Iraq. Cụ thể, khi đó Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã làm rung động các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ khi giơ ra một ống nghiệm và lời cáo buộc đó là “vũ khí hóa học của Saddam Hussein” - cái cớ tạo ra để khởi đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào Iraq.

Về sau, cáo buộc về việc Iraq sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí sinh học gây bệnh than, đã bị chứng minh là sai. Nhưng khi đó, Washington đã thực hiện xong chiến dịch ở Iraq và lật đổ thành công chính quyền Tổng thống Saddam Hussein.

Thực tế chiến dịch này đã sản sinh ra hoạt tính khiến xuất hiện Hồi giáo cực đoan và IS, và cuộc chiến lan rộng sang các nước khác trong khu vực như Libya, Syria và đến tận một số nước hiện nay… đến mức, ông Trump khi tranh cử đã nói thẳng rằng: "Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là những người đồng sáng lập ra IS", khiến dư luận phải suy ngẫm.

Sau một loạt những phi vụ “viện cớ chiến tranh” kinh điển đó, Mỹ vẫn chưa chính thức thừa nhận sự thật. Sự thật về “sự kiện Vịnh Bắc bộ, Iraq sử hữu vũ khí hóa học” vẫn không được công bố, bởi vì bằng chứng không bao giờ tìm thấy, còn hậu quả của sự tạo cớ để gây chiến tranh với nỗi đau khổ của hàng triệu con người vô tội thì vẫn kéo dài hiện không rõ hồi kết.

Và nhiều khả năng, vụ việc 2 tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman mới đây sẽ là một cái cớ để các bên phát động một cuộc chiến toàn diện. Nhưng liệu nhà lãnh đạo Mỹ có muốn bắt đầu cuộc chiến với Iran?

Thứ nhất, ông Trump đã chính thức tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống, và cuộc chiến này có thể sẽ là một rủi ro chính trị trong nước lớn đối với ông. Thứ hai, Israel chắc chắn sẽ bị vạ lây, và điều này cũng sẽ không phải là một điểm cộng dành cho ông Trump. Thứ ba, khó có thể lường trước được hậu quả của cuộc chiến, khi mà Iran chắc chắn sẽ đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz – “động mạch chủ” của nguồn dầu thế giới.

Ông Trump có chắc đã sẵn sàng?

Điều này còn phụ thuộc vào độ nóng tính của ông. Nếu các bên chịu nhượng bộ, thì tình hình chắc chắn sẽ không đến mức đó.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn