Cựu Bộ trưởng lục quân Mỹ Mark Esper hôm 23/7 tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng tại Phòng Bầu dục sau khi được Thượng viện chấp thuận với 90 phiếu thuận, 8 phiếu chống. Sự xuất hiện của ông Esper lấp đầy chiếc ghế trống mà người tiền nhiệm James Mattis để lại suốt từ tháng 12/2018, chấm dứt quãng thời gian vắng bóng Bộ trưởng quốc phòng chính thức dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Bước chân vào Lầu Năm Góc, ông Esper phải đương đầu với danh sách nối dài các cuộc đối đầu giữa Mỹ với Iran, Trung Quốc, Nga...
Ở Vùng Vịnh, căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang nghiêm trọng sau một loạt các vụ tấn công tàu hàng, bắn hạ máy bay không người lái, bắt giữ tàu chở dầu Anh. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara bắt đầu tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 Nga, động thái khiến Washington gạch bỏ đồng minh NATO ra khỏi chương trình chiến cơ F-35. Ở Biển Đông, Mỹ tìm cách đối phó với Trung Quốc để khắc chế các hành động ngày càng hung hăng và ngang ngược với dã tâm không hề giấu giếm của Bắc Kinh.
Phát biểu trong phiên điều trần Quốc hội hôm 16/7, ông Esper khẳng định: "Các mối đe dọa ngày càng tăng của các đối thủ quyền lực như Trung Quốc và Nga đòi hỏi phải có sự tập trung cường độ cao ở tất cả các dịch vụ quân sự. Điều này buộc chúng ta phải hiện đại hóa lực lượng, tận dụng các tiến bộ công nghệ nhanh chóng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, năng lượng định hướng."
Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới đang đổ không ít tiền để cải thiện khả năng quân sự nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong khi Nga đang mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Trước khi bước vào Lầu Năm Góc, ông Esper từng nhiều lần bày tỏ quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 4/2019, ông thừa nhận Mỹ đang trong giai đoạn cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và khẳng định đối phó với Bắc Kinh là ưu tiên cá nhân của ông từ những năm 1990.
Vào đầu tháng 8, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Tại Nhật Bản, ông dự định gặp gỡ Thủ tướng Abe Shinzo và Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya để hội đàm về các vấn đề như Triều Tiên, Trung Quốc và Iran.
Với kinh nghiệm dày dặn ở Trung Đông khi tham chiến ở Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 và là một phần của Sư đoàn 101 trên không nổi tiếng của Quân đội Mỹ, ông Esper được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết những bế tắc không có hồi kết giữa Mỹ và Iran trong thời gian qua.
Tuy nhiên, những liên kết với ngành công nghiệp quốc phòng của cựu quan chức cấp cao Bộ Lục quân Mỹ vẫn khiến nhiều nghị sỹ lo ngại. Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren, người bỏ phiếu ngăn cản ông Esper trở thành Bộ trưởng Quốc phòng bày tỏ quan ngại việc ông từng là nhà vận động cho nhà thầu quốc phòng Raytheon suốt 7 năm trước khi gia nhập Lầu Năm Góc năm 2017 có thể sẽ gây ra những xung đột lợi ích tiềm năng.
Trong khi đó, Thượng Nghị sĩ Dick Durbin cho rằng gạt bỏ hết những vấn đề đối ngoại phức tạp, yêu cầu trước nhất đối với ông Esper phải là kiềm chế một người "bốc đồng" như Tổng thống Trump.
"Ông ấy có trách nhiệm tư vấn cho một Tổng thống không có kinh nghiệm về an ninh quốc gia", ông Durbin viết trên Twitter.
Mới chỉ 2 ngày trước, ông Trump tuyên bố có thể “xóa sổ Afghanistan khỏi hành tinh” trong 10 ngày nếu muốn. Vài ngày trước đó, ông khẳng định Washington đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu tồi tệ nhất với Iran.
Giới chuyên gia nhận định, để đối phó với một Tổng thống mạnh miệng như ông Trump, ông Esper cần phải mềm nắn, rắn buông đúng lúc thay vì quá mức quyết liệt như người tiền nhiệm James Mattis. Ông Mattis nhất quyết dứt áo ra đi sau khi không tìm được tiếng nói chung với ông chủ Nhà Trắng liên quan tới quyết định rút quân khỏi Syria.
Bình luận