• Zalo

Tâm sự người trồng đào, quất ngày Tết: Làm ơn đừng mua hoa, đào, quất ngày 30 Tết

Kinh tếThứ Hai, 04/02/2019 12:41:00 +07:00Google News

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn "tâm thư" của người trồng đào, quất ngày Tết Nguyên đán, nội dung của đoạn "tâm thư" này nhắn nhủ, người tiêu dùng làm ơn đừng mua hoa, đào, quất ngày 30 Tết.

Trích đoạn cho biết, người trồng hoa quanh năm vất vả, chăm sóc tỷ mỉ, chu đáo, nhiều công đoạn, đến khi cuối năm họ mang cả chăn màn ra chỗ bán ngủ canh suốt cả tuần, đứng giữa đường để bán dù thời tiết mưa, giá rét, đêm ngủ co ro trong bạt, trong khi bạn ngủ chăn ấm. Vì vậy, đừng ép giá người nông dân vào ngày 30 Tết, hãy để mọi người đều có một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

Hét giá trước Tết, sau Tết thanh lý ồ ạt

Trên thực tế, nhiều năm nay, người tiêu dùng đều tranh thủ những thời khắc cuối cùng của năm cũ để mua hoa Tết, đào, mai, quất với giá rẻ như thanh lý và điều này một lần nữa trở lại vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

51105753_400187413886284_4033793581725515776_n 4

 Nhiều người tranh thủ những ngày cuối cùng của năm cũ để mua đào, quất. (Ảnh: Việt Vũ)

Cụ thể, giá quất tại Hà Nội đêm 29 Tết (Âm lịch), đầu giờ sáng 30 Tết Âm lịch đã giảm khoảng 20% so với thời điểm trước ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Công, ông Táo). Một số gốc quất nhỏ đã giảm xuống chỉ còn 100.000 - 150.000 đồng/cây; gốc nhỡ từ 150.000 - 200.000 đồng/cây; gốc quất cỡ lớn có giá dưới 500.000 đồng.

Điều đáng nói, giá quất mấy ngày trước đó khá cao và mới chỉ bắt đầu giảm nhiệt kể từ chiều tối 29 Tết Âm lịch. Một số người bán quất cho biết, trong trường hợp đến 5 giờ chiều mai, nhiều khả năng giá quất Tết sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Anh Hoài, một hộ bán đào trên đường Lạc Long Quân - Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, năm ngoái, đến giao thừa vẫn có rất nhiều người tranh thủ mua quất với giá rẻ mạt. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân phải chịu lỗ lớn nếu bán số lượng lớn.

"Nếu so sánh với giá quất ngày ông Công, ông Táo, giá quất tối muộn 30 Tết chỉ còn 1 nửa, thậm chí 1 phần 3 mà thôi", anh Hoài nói.

Trong khi đó, đào Tết có phần giữ giá hơn. Một số cành đào cỡ nhỏ có giá dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/cành, tuỳ địa điểm bán, kích cỡ và số lượng nụ hoa đang nở. Đặc biệt, những cào đào nhỏ, đào mini có giá vẫn còn rất cao từ 50.000 - 70.000 đồng (vẫn còn rất cao so với giá trị thật của nó).

51337036_2217877568487004_2880276554133274624_n

Giá đào Tết đang hạ nhiệt. (Ảnh: Việt Vũ) 

Một số gốc đào nhỏ, đào bonsai có giá lên tới vài triệu đồng/cây. Một số gốc đào "nội" cỡ nhỡ và to có giá dao động từ 500.000 - 1,5 triệu đồng/cây. Cá biệt, có một số cây đào cổ thụ, đào ghép gốc cổ thụ, dáng đẹp, thế phong thuỷ có thể có giá lên tới vài chục hoặc vài trăm triệu đồng là điều bình thường.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, các tiểu thương bán đào, bán quất thường "hét giá" rất cao sau ngày ông Công, ông Táo và họ chỉ giảm mạnh tay để thanh lý vào tối 30 Tết để tránh lỗ.

Người trồng đào, trồng quất nói gì về hiện tượng thanh lý ngày 30 Tết

Trong khi đó, người trồng quất, trồng đào tại Hà Nội đều có suy nghĩ trái chiều về việc thanh lý mạnh ngày 30 Tết. Theo một số hộ trồng đào tại Nhật Tân (Hà Nội) cho biết, làm nông rất vất vả, trong khi trồng đào chỉ cho thu hoạch 1 năm. Ngoài tốn công chăm sóc, chi phí phân bón, nhân công ngày càng cao, đào Tết còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

51279152_800649073601298_6904813807026044928_n

Làm nông vất vả, nhưng lời không cao. (Ảnh: Việt Vũ) 

"Có thể nói, thời tiết là yếu tố sống còn đối với người trồng đào. Nói một cách khách quan, cây đào ít bệnh, sống khoẻ, không cần chăm sóc quá cầu kỳ. Tuy nhiên, thời điểm tuốt lá rất quan trọng và phải người có kinh nghiệm, cần phải có tay nghề cao mới có thể làm được", ông Đỗ Cường, một hộ bán đào trên đường Lạc Long Quân cho biết.

Ông Cường tiết lộ, mỗi một cành đào nhỏ bán với giá 100.000 đồng, nếu trừ các chi phí phân bón, chăm sóc, giống,... thì chỉ cho lời khoảng 30.000 - 40.000 đồng/cây. Với một gốc đào lớn được bán với giá 1 triệu đồng/cây, trừ các chi phí phát sinh, người nông dân thu về khoảng 300.000 - 500.000 đồng/cây, tuỳ loại.

"Nhìn vào thì có vẻ rất cao, nhưng nếu so với công sức của người nông dân bỏ ra, cả năm bám mặt ngoài trời, ngoài ruộng để chăm sóc cây thì số tiền lời còn rất rẻ. Chính vì lẽ đó, nhiều người trồng đào Nhật Tân đã không còn mặn mà với nghề, nhiều người phải tìm kế sinh nhai khác, hoặc chuyển qua buôn đào, nhập đào rừng để bán cho đỡ nhớ nghề", ông Cường nói.

51544695_346196169325031_4983187177564274688_n 5

Chị Giang vui mừng khi có người mua đào ngày 29 Tết Âm lịch (Ảnh: Việt Vũ) 

Giải thích cho hiện tượng thanh lý ngày 30 Tết, ông Cường cho rằng, đó là điều không ai muốn, nhưng để tái nhập, chăm sóc thêm thì sẽ độn thêm chi phí cao hơn.

Ông Cường giải thích thêm, trong trường hợp đào không bán được sau ngày 30 Tết có rất nhiều cách để không phải vứt đi, rất uổng: "Ngoài việc thanh lý, những cành đào đã nở hoặc nở gần hết, chúng tôi sẽ thanh lý rẻ hơn nữa cho người nhà, người quen. Đối với các cành đào còn nhiều nụ, chúng tôi có thể cắt đi sau đó ướp lạnh, để sau Tết bán các cành đào nhỏ. Ngoài ra, các gốc đào có thể đem về chăm tiếp, năm sau tiếp tục bán lại vẫn được".

Một số hộ bán đào Tết bật mí, chỉ đến mùng 3 Tết (Âm lịch), đã có người mua các cành đào nhỏ,  cành đào mini về thắp hương. Như vậy, rất hiếm khi người trồng đào đem vứt đi thành quả lao động của mình: "Không có chuyện chúng tôi vứt bỏ đi mồ hôi công sức của mình, chỉ trừ khi cành đào đã nở hết hoa rồi, bần cùng lắm mới đem vứt".

51007169_599166990509200_8537323759474835456_n 3

Giá quất cũng đang giảm rất nhanh. (Ảnh: Việt Vũ) 

Chị Thu Giang, một hộ trồng quất tại Hoài Đức và có một "ki-ốt" vỉa vè ở khu vực Đại lộ Thăng Long có cùng nhận định trên. Chị Giang tiết lộ, trồng quất vất vả hơn trồng đào. Một cây quất từ lúc non cho đến khi trưởng thành phải mất ít nhất từ 3 - 4 năm. Chu kỳ ra quả của quất nằm trong khoảng 180 - 200 ngày. Từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, cây quất bắt đầu ra hoa kết quả.

Đặc biệt, thời điểm 2 tháng cận Tết là vất vả nhất và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết: "Nếu thời tiết nắng quá, hoa nở hết, quả héo và rụng nhanh, ảnh hưởng tới năng suất của cây", chị Giang nói.

Trả lời câu hỏi, liệu các tiểu thương có "hét giá" thật cao sau đó giảm mạnh vào ngày 30 Tết để làm giá hay không. Chị Giang thẳng thắn là "Có" nhưng không phản ánh được tất cả những tâm lý chung của người bán quất, trồng quất: "Nếu anh mua ở khu vực trung tâm thành phố chắc chắn sẽ có hiện tượng đó. Còn nếu anh mua ở khu vực ngoại thành, vùng ven thì giá sẽ gần với giá thật hơn".

"Ngoài các hộ dân trồng đào, trồng quất vẫn có nhiều người đi buôn. Tức là họ mua tại vườn với giá rẻ, sau đó đem lên thành phố bán với giá cao để kiếm lời. Nói cho cùng, người trồng quất vẫn là người thiệt", chị Giang nhận định.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn