• Zalo

Tâm sự đáng suy ngẫm của chủ nhà hàng ở Chùa Tam Chúc

Đời sốngThứ Hai, 20/04/2020 01:11:00 +07:00Google News

Mạng xã hội đang lan truyền việc các bác tài dẫn khách đến ăn tại các nhà hàng khi đưa khách đi tham quan quần thể chùa Tam Chúc và phản hồi của chủ nhà hàng.

Chia sẻ về thực trạng này, một chủ nhà hàng tại chùa Tam Chúc không ngần ngại tiết lộ một sự thật đằng sau việc tài xế nhận hoa hồng phần trăm từ các nhà hàng trong khu vực.

Tâm sự đáng suy ngẫm của chủ nhà hàng ở Chùa Tam Chúc - 1

 

“Tự bao giờ, làm ăn tử tế lại bị lên án, làm chộp giật lại được tuyên dương.

Nhà hàng xin được trải lòng... cùng quý khách hàng.

Chia sẻ với bạn, có một luật lệ gần như bất thành văn. Ở bất kì khu du lịch nào, các địa điểm ăn uống sẽ có chút quà để cảm ơn các bác tài xế, mong được các bác tài đưa khách quay lại lần sau.

Nhưng chính cái lẽ đó, nó trở thành cuộc đua của những nhà hàng, dùng chiết khấu % thật cao cho các bác tài xế để giành khách.

Mà các bạn cũng hiểu, làm nhà hàng kinh doanh thì phải có lợi nhuận, để nuôi sống nhân sự, địa điểm, mua sắm, nâng cấp cơ sở vật chất,…

Vậy % chiết khấu kia là ở đâu? Làm nhà hàng thì phải có công. Ai cũng biết, % chiết khấu đó chính là tiền của khách hàng đã trả cho bữa ăn.

Vậy để tăng % cho các bác tài chỉ có 2 cách:

Cách 1- Chất lượng món ăn giữ nguyên, thì nhà hàng sẽ phải tăng giá.

Cách 2- Nếu không tăng giá, giữ giá cũ, thì nhà hàng sẽ cho khách hàng ăn thực phẩm gì? Chắc các bạn đã hiểu.

Khi mở nhà hàng ra bạn sẽ biết, rất nhiều con buôn thịt dê giả, bản chất là thị gà tây đến mời chào.

Tại thời điểm chúng tôi chia sẻ tâm sự này, nguyên liệu thịt dê có giá 400 nghìn cho 1 kg. Còn thịt dê giả, hay thực tế là thịt gà tây, có giá chỉ 70 nghìn cho 1 kg. Những đầu bếp ăn đều dễ dàng phát hiện ra ngay thực phẩm giả này.

Vậy nên để giảm giá thành để kiếm lợi bất chính là không hề khó, quan trọng nhà hàng có đủ nhẫn tâm hay không. Nhẫn tâm để khách hàng bỏ tiền ra, rồi sẽ được ăn thứ ghê tởm đó.

Với những bác tài không có tâm, chỉ trông mong vào % chiết khấu, không lo cho chất lượng bữa ăn của khách hàng, thì cứ nơi nào chiết khấu % cao là họ sẽ đưa khách đến. Còn vấn đề gì về thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ khách hàng, thì họ cho rằng nhà hàng phải chịu trách nhiệm, họ chỉ là tài xế, họ không liên quan. Người chịu thiệt chỉ có khách hàng.

Nhưng quý khách đừng buồn. Vì không phải bác tài nào cũng vậy.

Có rất nhiều bác tài có tâm, đôi khi chúng tôi đưa tiền cảm ơn. Các bác còn không nhận, các bác còn bảo cứ vun vén hết vào cho khách hàng. Bác tài còn nói: “mình đi lái xe mình có lương rồi, hoặc thêm vài đồng thuốc nước, chứ hoa hồng đâu phải doanh thu chính”.

Bên mình là đơn vị Nhà hàng ở Tam Chúc, mình hiểu rõ quyền lực của các bác tài. Nếu họ không đưa khách đến thì nhà hàng làm sao có khách. Theo lệ bất thành văn, nhà hàng bên mình cũng có một chút quà để thay lời cảm ơn các bác tài. Nhưng ở chùa Tam Chúc, các nhà hàng khác chi tới 30% để kéo các bác tài sang đó.

Các bạn hãy tưởng tượng, bao nhiêu con người nấu nướng, dọn dẹp, cộng với nguyên vật liệu được nhận 70%. Còn các bác tài nhận 30%. Khách hàng là các bạn sẽ nhận được gì từ những nhà hàng kinh doanh gần cửa chùa, nơi linh thiêng, nơi bà con đến để vãng cảnh, cầu may mắn, bình an cho cuộc sống?

Nhưng thật không thể hiểu nổi, vừa bước ra khỏi cửa chùa, may mắn đâu chưa thấy, thì chính người lái xe mà mọi người tin tưởng, người đồng hành với đoàn, họ lại toan tính kiếm 30% tiền ăn của khách hàng. Khách hàng đã bỏ đồng tiền ra mà không được hưởng dịch vụ tương ứng.

Có lần, công ty, đoàn thể liên hệ đã đặt bàn bên mình, thì các bác tài tỏ ra không hài lòng, bực bội trong chuyến đi vì biết nhà hàng chiết khấu thấp. Các bác chỉ muốn dẫn sang những nhà hàng chiết khấu lên tới 30% kia.

Nhà hàng Tam Chúc bên mình không bị khách hàng phàn nàn, nhưng lại chuyên bị các bác tài bóc phốt trên các trang hội lái xe, vì chiết khấu thấp nhất khu vực. Các bác tài cảnh báo nhau không nên vào bên mình vì sẽ kiếm được ít.

Tự bao giờ, làm ăn tử tế lại bị lên án, làm chộp giật lại được tuyên dương...

Nhà hàng bên mình, tiền thân đi lên từ gia đình truyền thống gần 30 năm, phục vụ cơm cho các doanh nghiệp khắp Hà Nam. Vậy nên, về kinh nghiệm nấu nướng thì bên mình cũng muốn chia sẻ 2 điều:

1- Nếu khách hàng không hài lòng chất lượng món ăn, cảm thấy không ngon. Nhà hàng xin được góp ý, và sẵn sàng tặng miễn phí bữa ăn đó.

Khách hàng luôn là người thầy tốt nhất cho chúng tôi. Không có cái gì học nhanh và tốt bằng những lời góp ý chân thành. Khách hàng càng khó tính, càng yêu cầu cao thì đó là cách giúp nhà hàng càng trở nên hoàn hảo hơn.

2- Khách hàng phát hiện món ăn làm từ hàng giả, hàng bẩn, nhà hàng sẽ đền gấp 100 lần giá trị bữa ăn.

Và cũng chia sẻ 2 điều nhà hàng không làm được:

1- Tăng giá, lấy thêm tiền của khách, để chi thêm cho các bác tài, thì nhà hàng bên mình không làm được.

2- Dùng thực phẩm bẩn để có % cho các bác tài, thì nhà hàng bên mình cũng không làm được.

Do % chiết khấu thấp, nên nhà hàng bên mình không hề được lòng các bác tài xế. Rất mong các Quý khách có cơ hội du lịch Hà Nam, hãy một lần thực sự trải nghiệm và đưa ra đánh giá khách quan.

Cảm ơn bạn đã đọc tâm sự này.

Rất mong một ngày được quý khách đến kiểm chứng những điều chúng tôi chia sẻ.”

Theo tìm hiểu, tâm sự trên là của chủ nhà hàng Tam Chúc được giới thiệu là nổi tiếng với các món từ thịt dê núi, cơm cháy, lợn mán, gà đồi và đặc sản lẩu lươn đồng ở Kim Bảng với địa chỉ ở gần cổng chùa Tam Chúc. Chuyên phục vụ khách đoàn, khách lẻ ghé thăm các địa danh: Chùa Tam Chúc, chùa Hương, chùa Bà Đanh, đền Trúc Ngũ Đông Thi Sơn. Chuyên hợp tác với các Công Ty Lữ Hành tổ chức Tour chuyên nghiệp.

Sau khi thông tin từ lái xe đưa lên cùng với tâm sự của chủ nhà hàng, dư luận vẫn tiếp tục quan tâm về vấn đề an toàn thực phẩm tại những nhà hàng tăng chiết khấu cao để lôi kéo khách.

Phương An
Bình luận
vtcnews.vn