• Zalo

Tâm sự của chàng trai 8x bị đa cấp ‘bỏ bùa’

Kinh tếThứ Năm, 29/08/2013 07:41:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chàng trai trẻ 8x quê Nghệ An thành thật trút bầu tâm sự về ngã rẽ cuộc đời khi ra nhập mạng lưới kinh doanh đa cấp Công ty Lô Hội ở Thái Bình.

(VTC News) - Thuở ấu thơ, quanh năm đối mặt với cái đói, cái rét, khi trưởng thành, nghe anh em, bạn bè – những người cùng ôm mộng đổi đời – rủ rê, chàng trai Thái Văn Thuấn (sinh năm 1989) đã quyết định vứt bỏ tự trọng, bán uy tín để mưu sinh.

Sinh ra ở một vùng quê nghèo – Yên Thành (Nghệ An), thuở ấu thơ, quanh năm đối mặt với cái đói, cái rét, khi trưởng thành, nghe anh em, bạn bè – những người cùng ôm mộng đổi đời – rủ rê, chàng trai Thái Văn Thuấn (sinh năm 1989) đã quyết định vứt bỏ tự trọng, bán uy tín để mưu sinh.

Trò chuyện với phóng viên VTC News, chàng trai trẻ thành thật trút bầu tâm sự, trải lòng về những ngã rẽ trong cuộc đời mình mà bước ngoặt quan trọng nhất tính tới thời điểm hiện tại có lẽ chính là con đường đến với mạng lưới kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH Lô Hội chi nhánh ở Thái Bình.

- Thuấn “bén duyên” với mạng lưới kinh doanh đa cấp thế nào?

Thái Văn Thuấn
Trước khi đến với công ty này, mình làm ở lĩnh vực thủy sản, nhưng thu nhập bọt bèo, nhiều khi chẳng đủ sống, chưa kể công việc đó có nhiều lúc thăng trầm, sóng gió. Vào khoảng tháng 10 năm 2009, qua anh em thân thiết, mình khăn gói từ Nghệ An ra Thái Bình tìm hiểu về công việc này.

Mình bỏ công việc cũ tìm đến kinh doanh đa cấp với mong muốn bản thân sẽ thay đổi được cuộc sống cơ cực bằng chính năng lực của mình.

Thời gian đầu, khi mới gia nhập, mình chỉ có một việc duy nhất là tham gia vào các hội thảo giới thiệu về công ty. Sau đó, khi xác định được đối tác làm việc, mình lên kế hoạch để kí hợp đồng với họ. Hợp đồng này cho mình và đối tác cơ hội, quyền lợi được làm việc ở công ty này.

Xác định đây là công việc có thể mang tới thành công cho mình, thậm chí mang lại nhiều điều hơn thế, mình chấp nhận đi từ con số 0 đi lên. Có thu nhập hay không đều là do mình thôi.

- Ngày đầu, hẳn bố mẹ không đồng ý cho Thuấn làm công việc này?

Đúng rồi. Bố mẹ không muốn Thuấn thay đổi công việc cũ. Họ cứ nghĩ con cái mình đang bị lừa nên phản đối. Bố mẹ Thuấn cho rằng ngành nghề này xấu vì họ đã chứng kiến những con sâu làm rầu nồi canh. Để bố mẹ hiểu rất khó, nhất là khi bố mẹ nghe nhiều người xung quanh cảnh báo này nọ.

- Ngoài ra, Thuấn còn gặp khó khăn gì nữa?

Thuấn và 7 người nữa cùng ở một phòng. Năm 2009, phòng trọ đó có giá cho thuê là 1 triệu đồng. Thuấn phải tự kiếm tiền trang trải cuộc sống do bố mẹ phản đối công việc này nên cắt mọi khoản viện trợ.

Dựa trên các mối quan hệ nền tảng và uy tín hơn chục năm gây dựng, Thuấn đã bán được sản phẩm cho người quen và mời được một số bạn bè tới tìm hiểu về công ty để có tiền trang trải mọi chi phí cuộc sống.

Khi biết tới các dòng sản phẩm của tập đoàn, Thuấn tìm tới những người có vấn đề về sức khỏe để mời họ cảm nhận về sản phẩm. Ngày ấy ở Thái Bình cũng chẳng có công việc làm thêm nào khác phù hợp với Thuấn và Thuấn xác định chỉ làm duy nhất một công việc là bán hàng đa cấp nên cũng chẳng có ý định tìm việc làm thêm khác. Cuộc sống lúc ấy nói chung là rất khó khăn, chật vật về mọi mặt.

- Sau 4 năm, công việc hàng ngày của Thuấn bây giờ có gì đổi khác?

Công việc hiện tại của mình không có nhiều đổi khác so với trước. Mình lo tìm chỗ ở cho các học viên mới đồng thời quản lý trật tự, đào tạo chuyên môn cho họ.

 

Mình bỏ công việc cũ tìm đến kinh doanh đa cấp với mong muốn bản thân sẽ thay đổi được cuộc sống cơ cực bằng chính năng lực của mình.

Thuấn, nhân viên đa cấp
 
Đã là kinh doanh thì phải tìm được người tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, 80% công việc của Thuấn là đào tạo, 10% là chia sẻ sản phẩm, 10% nữa là tạo điều kiện, cơ hội cho những người biết đến công việc này.


Thêm phần quản lý đội, nhóm giúp mình kiếm được trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Thế là thấp đấy, nhiều người còn kiếm được hơn thế.

Ngoài ra, thỉnh thoảng Thuấn còn đi thăm anh em đồng nghiệp ở các tỉnh khác xem họ dạo này làm việc ra sao, doanh số thế nào. Kinh phí thuê xe, ăn ở là do mình tự túc.

Nhiều khi số lượng học viên mình hạch toán đông quá, thì mình phải chia nhỏ thành đội nhóm, cho họ sang các tỉnh khác để mở rộng thị trường. Sang các chi nhánh khác, họ vẫn hoạt động như ở Thái Bình.

- Ở Thái Bình, có nhân viên nào của Lô Hội thu nhập “khủng” hơn bạn không?

Cũng có một số nhà phân phối, quản lý có mức thu nhập tầm 100 – 200 triệu đồng/tháng nếu doanh số của họ đạt vài tỷ đồng/tháng. Ở Việt Nam ít người có tiền tỷ chứ trên thế giới thì nhiều lắm nên có gì đâu mà phải bán tín, bán nghi về mức thu nhập ấy nhỉ?

- Thế còn công việc của các học viên do Thuấn quản lý?
Người quản lý phòng thay chuyên viên "nhồi sọ" học viên mới ngay tại phòng trọ
Người quản lý phòng thay chuyên viên "nhồi sọ" học viên mới ngay tại phòng trọ

Tại Thái Bình, Thuấn quản lý khoảng 3 nhóm, mỗi nhóm gần 30 người, ở 3 phòng trọ khác nhau. Ngoài việc lên công ty, trung tâm để giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức thì họ phải vận dụng thực tế trong những ngày còn lại. Họ sẽ tiếp xúc thực tế công việc, với các khách hàng.


Thường thì họ không tiếp thị trực tiếp cho khách hàng mà gián tiếp qua điện thoại. Mình phải làm sao để rung động trái tim người khác, để họ sẵn sàng sử dụng sản phẩm của mình.

- Thuấn mời được bao nhiêu người tới tìm hiểu về công ty rồi?

Ở quê, những người cùng học phổ thông với Thuấn giờ đã tham gia và cùng làm việc ở môi trường này. Các bạn ấy giờ đều sắp sửa lên quản lý cả rồi. Ở quê Thuấn vất vả, khó khăn lắm, chưa kể lúc mưa gió, bão lụt, hạn hán…nên tìm cho họ một hướng để vươn ra xã hội cũng là việc thiện.

- Có hay không chuyện một số học viên nữ của công ty nạo phá thai như báo chí phản ánh?

Đó chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh thôi.

- Thế còn chuyện họ bắt chuột, ốc bươu vàng, cua, cá để cải thiện bữa ăn nghèo chất dinh dưỡng?

Cái hơn của các học viên Lô Hội so với các ngành nghề khác chính là chúng tôi được ở trong những phòng trọ đàng hoàng nên nếu có chuyện đó, Thuấn nghĩ cùng là lẽ thường tình thôi.

Bạn hãy thử tưởng tượng, nhiều phu hồ, công nhân xây dựng còn phải ở trong các lán, trại quanh năm đối mặt với mưa gió, sương, nắng… Khổ hơn chúng tôi nhiều!

- Ngay cả các công tử, tiểu thư cũng trở thành học viên của Lô Hội?

Có nhiều chứ. Cả những cán bộ đã về hưu, bác sĩ cũng làm công việc này.

- Lý do Thuấn tiếp tục công việc này là gì?

Công việc của Thuấn vẫn rất tốt, rất có tương lai nên Thuấn ở lại. Qua 4 năm, Thuấn nhận được nhiều bài học giúp thay đổi con người từ tư cách, sự hoàn thiện bản thân (lời ăn tiếng nói…) tới thu nhập.

Một kiểu học nhóm của học viên Lô Hội
Một kiểu học nhóm của học viên Lô Hội 

Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ


Chia sẻ với phóng viên là vậy, nhưng sau cuộc trò chuyện, ánh mắt cậu chàng không thể giấu nổi nỗi buồn sâu thẳm. Đã bao nhiêu tháng chưa được/chưa dám về thăm nhà, Thuấn cũng không nhớ nữa.

Mặc dù khoe mỗi tháng kiếm được gần 20 triệu đồng, nhưng theo quan sát của phóng viên, trên người Thuấn không có gì trị giá ngoài bộ đồng phục của công ty và chiếc điện thoại Nokia 1202 trị giá vài trăm nghìn đồng – chiếc cần câu cơm của Thuấn và có lẽ cũng là của nhiều học viên khác nữa.

Kết thúc cuộc trò chuyện, khi phóng viên ra về, Thuấn ngậm ngùi nói với theo: “Vì cuộc sống không giống cuộc đời bạn ạ”.

Ánh mắt của chàng trai Kỷ Tỵ và những học viên khác ở trung tâm dõi theo từng bước chân của phóng viên cứ khiến tôi bị ám ảnh mãi. Phải làm thế nào mới giúp được họ - thế hệ trẻ, tương lai của đất nước?

Nhớ lại câu chuyện mới đây một người dân địa phương cũng là độc giả thân thiết của VTC News chia sẻ, tôi không khỏi chạnh lòng.

 

Nó bảo bạn nó rủ ra Thái Bình làm điện tử tháng lương 4 đến 5 triệu đồng. Nhưng làm vài tháng rồi mà chẳng thấy lương đâu chỉ thấy nó điện về xin tiền. Nó còn bảo chỉ cần 2 năm nữa bố mẹ sẽ biết con là người như thế nào. Khuyên mãi chẳng được nên gia đình phải lập cách như vậy để bắt con về vì nếu nói trước ra bắt về thì chúng thường lẩn trốn rất khó tìm

Tâm sự của một phụ huynh có con là học viên của Công ty Lô Hội
 
Chuyện là trong một lần ngồi ở quán nước cạnh cây xăng gần nghĩa trang số 6 của thành phố Thái Bình – nơi được xem là điểm hẹn đón thành viên mới của công ty, chủ yếu từ miền Trung, vào “vương quốc bầy đàn” và cũng là nơi ghi dấu chân nhiều bậc phụ huynh ra “bắt” con về - độc giả đã chứng kiến một cảnh rớt nước mắt: Một gia đình ở Nghệ An ra “bắt” con về.


Độc giả của VTC News cho hay, vị phụ huynh đó chia sẻ đã nhiều lần gọi con về, nhưng cậu con trai 17 tuổi ngang bướng không chịu. Cắt mọi khoản viện trợ, con họ vẫn không chịu về.

Cuối cùng, sau những tháng ngày mòn mỏi chờ con, gia đình này buộc phải lập kế hoạch “lừa” cậu quý tử như sau: Ở nhà bà mẹ gọi điện ra bảo thôi thì con không về mẹ lại gửi ra cho ít tiền. Khoảng 10 giờ trưa con ra chỗ cây xăng cạnh nghĩa trang số 6 nhận, mẹ gửi qua xe.

Trong khi đó, bố cùng anh trai và anh rể của cậu bé bắt chuyến xe trước, phục sẵn ở đấy. Đúng 10 giờ trưa, khi cậu bé hớn hở ra chỗ hẹn để nhận tiền thì lập tức bị bố và hai anh ra bắt, lôi tuột lên xe.

Cậu bé kia vẫn còn xin quay về nhà trọ lấy quần áo, nhưng ông bố bảo không cần lấy thứ gì hết. Họ đã bỏ của chạy lấy người.

Trước đó, tâm sự với người dân địa phương, người bố có kể: “Nó bảo bạn nó rủ ra Thái Bình làm điện tử tháng lương 4 đến 5 triệu đồng. Nhưng làm vài tháng rồi mà chẳng thấy lương đâu chỉ thấy nó điện về xin tiền.

Sau xem ti vi, báo chí nói về bán hàng đa cấp gia đình mới điều tra và biết được con mình đang học bán hàng đa cấp của Lô Hội ở Thái Bình nên liền gọi về. Nhưng khuyên thế nào nó cũng không nghe.

Nó còn bảo, chỉ cần 2 năm nữa bố mẹ sẽ biết con là người như thế nào. Khuyên mãi chẳng được nên gia đình phải lập cách như vậy để bắt con về vì nếu nói trước ra bắt về thì chúng thường lẩn trốn rất khó tìm”.

Người cha “khóc ròng” vì con này cũng cho biết, ở quê ông, nghiều người ra đây học Lô Hội lắm.

“Chỉ thấy người thân ở Thái Bình gọi điện vào bảo ra ngay có việc nhàn mà lương rất cao, ra nhanh công ty chỉ còn hơn chục suất thôi, nhiều người đi xuất khẩu lao động về cũng ra ngoài này học Lô Hội.

Nhưng đợt này xem truyền hình, và nghe mấy đứa nó đọc báo mạng mới biết toàn dân miền trong bị lừa ra Thái Bình học bán hàng đa cấp nên rất nhiều gia đình đã ra tìm con về”, người cha già này cho biết.

Thế mới thấu có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ.

Nhóm PV VTC News

Bình luận
vtcnews.vn