Năm 2015, tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM, chàng trai trẻ Ngô Việt Anh về làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân có bệnh lý nặng. Vì vậy Việt Anh được học rất nhiều về chuyên môn. Ở đây anh thấy hạnh phúc khi tham gia cứu được các bệnh nhân nặng.
Khi Đà Nẵng phát hiện ca mắc COVID-19 nặng đầu tiên, bác sĩ Việt Anh là một trong những người đầu tiên tham gia Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ Đà Nẵng. Anh và cả đội luôn chuẩn bị tâm lý trước và hành lý luôn chuẩn bị sẵn để lên đường bất cứ khi nào có lệnh.
Đội nhận lệnh đi Đà Nẵng lúc giữa trưa, Khoảng 3h chiều hôm đó cả đội lên máy bay đi luôn. Đội phải chuẩn bị các thiết bị, vật tư ECMO hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng. Với Việt Anh, trước đó, anh chỉ đi công tác xa nhà khoảng 2-3 ngày. Lần đi Đà Nẵng anh xác định có thể ở dài hơn khoảng 2-3 tuần. Cuối cùng chuyến đi này kéo dài đến 5 tuần.
“Tôi nghĩ bác sĩ trẻ nào dấn thân vào tâm dịch đều cố gắng hết mình, hi sinh thời gian, sức khỏe, tuổi trẻ để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó cũng tự nhắc bản thân gắng sức đuổi dịch bệnh để về đoàn tụ với gia đình”, BS Việt Anh chia sẻ.
Hơn 1 tháng ở tâm dịch Đà Nẵng, cũng như nhiều bác sỹ khác không tránh khỏi có lúc mệt mỏi, căng thẳng nhưng khi nhớ lại mục tiêu học ngành y của mình là mong muốn chăm sóc sức khỏe cho gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, BS Việt Anh quyết tâm đem hết kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm cứu chữa bệnh nhân nặng.
Thời điểm Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đến Đà Nẵng mới phát hiện một ca dương tính nặng. Nhưng ngay hôm sau ghi nhận thêm nhiều ca dương tính khác ở ngay khoa Hồi sức, gây áp lực rất lớn lên y bác sĩ tại tại khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng và Đội phản ứng nhanh.
Trong 2 tuần đầu tiên, BS Việt Anh trực tiếp tham gia điều trị các bệnh nhân có triệu chứng nguy kịch, những trường hợp phải thở máy, ECMO, lọc máu.
Dịch tấn công vào các khoa có bệnh nền nặng gây khó khăn cả về nhân lực, vật lực. Ca tử vong xuất hiện và dần tăng lên khiến các y bác sỹ căng thẳng vô cùng. Thời điểm đó lại chỉ có 3 bác sĩ chuyên khoa hồi sức làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. BS Việt Anh vừa phải theo dõi bệnh nhân nặng vừa trao đổi chuyên môn với nhân viên y tế ở đó.
“Hai tuần đầu tiên là thời gian khó khăn nhất. Các bác sĩ làm việc liên tục, rất căng thẳng và mệt mỏi. Có khi 12 giờ đêm đi đặt ECMO cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân tử vong, chúng tôi rất buồn, tự nhủ phải cố gắng hơn, tìm cách hỗ trợ bệnh nhân còn lại.
Có bệnh nhân như BN1536, bệnh lý nền nặng, phải chạy ECMO, lọc máu, thay huyết tương, nhưng dần dần bệnh nhân cũng khắc phục được. Khi tỉnh táo, bệnh nhân cầm tờ giấy cảm ơn nhân viên y tế. Khoảnh khắc đó đem lại niềm phấn khởi, động lực để chúng tôi điều trị tiếp các bệnh nhân khác”, BS Việt Anh kể lại.
Theo Việt Anh, đội ngũ y bác sỹ nỗ lực hết mình, cùng chiến lược chỉ đạo nhanh, đúng đắn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sự giúp đỡ, chia sẻ của các bệnh viện lân cận, sự đồng lòng của mọi người, dịch được đẩy lùi. “Chúng tôi vui không kể hết, vỡ òa khi Đà Nẵng công bố hết dịch”, BS Việt Anh nói.
Sau khi không còn bệnh nhân F0 nguy kịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, BS Việt Anh tiếp tục về tham gia điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi tiếp nhận các ca nhiễm COVID-19. Đến ngày 31/8/2020, khi tình hình dịch ở Đà Nẵng được kiểm soát, lực lượng y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mới rời Đà Nẵng.
Năm 2020, BS Ngô Việt Anh là một trong 12 công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM. Anh tự hào khi nhận giải thưởng này. Cùng với việc lực lượng y tế nói chung được đánh giá cao trong chống dịch bệnh năm 2020, đây là phần thưởng lớn để nhiều bác sỹ trẻ luôn sẵn sàng chiến đấu hết mình, sẵn sàng ra "tiền tuyến" để chống dịch COVID-19.
Thời gian tới BS Việt Anh mong muốn trau dồi thêm kiến thức về hồi sức cấp cứu và một số chứng chỉ bổ sung cho lĩnh vực hồi sức cấp cứu, để cống hiến tốt hơn cho khoa, cho bệnh viện và cho cộng đồng.
Bình luận