(VTC News)- “Cảm giác xấu hổ, bất lực, nhục nhã và cả đáng thương cho hành trình tìm chữ cho con…” - Tâm sự của một phụ huynh.
Đúng một ngày sau sự cố “Xô đổ cổng trường” để mua đơn vào lớp 1 tại trường Thực nghiệm, giờ đây những phụ huynh mới “hoàn hồn” và đủ bình tĩnh để chia sẻ thật những cảm xúc của chính mình.
VTC News xin trích đăng tâm sự của 2 phụ huynh đã tham gia “xô đổ cổng trường” để mua đơn cho con vào lớp 1 được chia sẻ trên diễn đàn Webtretho.
Nhiều phụ huynh cảm thấy may mắn vì mình đã "sống sót" sau cuộc đua giành một lá đơn vào trường Thực nghiệm (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Dù đã giành chiến thắng trong cuộc đua điền kinh theo đúng nghĩa để có một lá đơn cho con vào trường Thực nghiệm nhưng tâm trạng của chị thay vì hả hê lại có gì đó phảng phất buồn.
“Bây giờ mình mới có đủ tâm trạng để có thể ngồi gõ lại những cảm nhận, nhưng nghĩ suy,... sau khi đọc gần hết những comment của mọi người ở các báo và hôm nay là bài báo của chị Hường.
Một lần nữa cảm ơn chị đã nói hộ tất cả. Cảm giác xấu hổ, bất lực, nhục nhã và cả đáng thương cho hành trình tìm chữ cho con, chỉ vì đâu đó trong lòng mong con có một không gian để chơi sau những giờ học, chỉ vì để tiện đón đưa 2 đứa cùng trường....
Cũng chỉ để mong con lớn lên sau này có những kỷ niệm đẹp thế nào là sân trường giờ ra chơi,... hãy thử hỏi lại xem, có bao nhiêu trường học có sân chơi đủ để các con được thoải mái giữa đất Hà Nội - cái rốn của cả nước?
Tối qua, cả nhà mới lại quay trở về ông bà nội sau mấy ngày gửi con ở ông bà ngoại. Vừa về đến nhà, bà nội vô tư bảo: Mẹ xem tivi, báo mạng thấy trường Thực nghiệm cảnh mua bán chen lấn sợ quá. Thế các con thế nào? ...
Mình chỉ bảo: Bà ơi, cái gì xảy ra rồi thôi đừng nói trước mặt con trẻ, đâu có hay.
Đang ăn cơm, con trai lớn nói với em: Em nhớ nhé, vì bọn em vào lớp 1 mà trường mới tan hoang đấy. Mọi người bẻ gẫy hết cả hàng rào, cổng đầy túi bóng vứt. Sáng nay anh vào trường thấy hết rồi. Chỉ không được nhìn thấy cổng trường đổ vì các bác bảo vệ đã sửa chữa nó. Mà chắc cổng trường nặng thế, các bác ý phải thuê dựng lại tốn đầy tiền đấy.
Em: Đâu đâu, cổng trường đổ đâu, cho em xem. Em chưa được nhìn cổng trường đổ.
Anh: Đồ chẳng biết gì lại con thích xem cổng trường đổ, đúng là đồ trẻ con chưa đi học.
...
Bà, bố mẹ ngồi lặng im không nói câu gì. Biết nói gì đây?
Tối, trước khi đi ngủ, vẫn tin nhắn, vẫn những cú điện thoại của mọi người từ quê hay ở những nơi khác hỏi thăm tình hình .
Hôm nay xin đến muộn để đi khám bệnh cho anh lớn, tranh thủ xin nghỉ sáng vào Phường để đóng dấu ngày mai đỡ xin phép. Vừa đưa đơn, mọi người đã hỏi tới tấp: Em xếp hàng từ mấy giờ? Đổ cổng trường thế nào? ...
Vẫn lại những câu hỏi đó, vẫn những thông tin đó, không biết giấu nỗi buồn đi đâu.
Sau niềm vui có được lá đơn vào lớp 1 cho con là "nỗi buồn không biết giấu đi đâu" |
Vết đau ở ngực đã se se lại, vết trầy xước ở chân tay chỉ còn lại một màu tím và đôi chỗ đỏ đỏ vì tụ máu chưa chuyển màu, nhưng cầm lá đơn trong tay rồi, mà lòng vẫn trùng xuống, đặt dấu hỏi lớn có qua được ngày đo kiểm thể chất hay cũng lại hình thức vẽ ra cho những mẹ ngây thơ như mình đây?
Buồn nhiều hơn vui, chẳng đổ lỗi vì điều gì bởi những cơ quan rộng rộng họ còn đang nhăm nhe đi bán lấy tiền để xây chỗ khác thì mảnh đất hứa như trường Thực nghiệm có không gian học đường lý tưởng, mọi người đổ xô vào mong muốn như mình cũng là điều dễ hiểu và cảm thông.
Số tích kê của mình buổi sáng mà đã suýt soát 500 thì không biết buổi chiều thêm bao nhiêu và sau mình còn bao nhiêu, đièu đó không quan trọng mà hy vọng sang năm, nhà trường có cách làm khác để thông tin minh bạch hơn, rõ ràng hơn, quy củ hơn để tránh cho những phụ huynh mong muốn có con vào trường đỡ khổ và vất vả như năm nay.
Bởi ngoại giao thì đã xong rồi, có Obama thì cũng ổn rồi, chỉ còn lại những người thiếu hai điều trên họ có cơ sở để lựa chọn và có định hướng tốt hơn, tránh những điều không hay về chính nhà trường cũng như những cái nhìn, những suy nghĩ về những phụ huynh như bọn mình.
"Một cuộc chiến" phải nhờ đến cả lực lượng công an hỗ trợ |
Một lần nữa, cảm ơn tất cả các bạn đã hỏi thăm, đã PM, nhắn tin, gọi điện thăm hỏi tới sức khoẻ của mình cũng như những lời chúc cho con may mắn.
Mình cũng mong những điều đó tới tất cả các bạn không phải vì học Thực nghiệm hay không Thực nghiệm.
Chúc cho những chân giá trị thật vẫn sống được trong cuộc sống hôm nay. Chúc tất cả các con thi tốt và được làm bạn cùng nhau để có những kỷ niệm đẹp về thực nghiệm, nếu may mắn đỗ.
Chúc tới tất cả các con ở mọi trường ngoan, học giỏi và trưởng thành .
Cảm ơn về tất cả”.
Một phụ huynh khác lại mang trong mình tâm trạng bi quan dù đã có trong tay lá đơn vào trường Thực nghiệm.
“Mình bi quan nghĩ rằng với cảnh này thì ngay cả những người muốn vô tư nhất như mình sang năm cũng sẽ rút kinh nghiệm bằng cách này cách khác.
Vô hình chung, nhà trường đẩy phụ huynh vào các cuộc chạy đua ngày càng căng thẳng, quyết liệt trước kỳ tuyển sinh.
Lá đơn đăng ký vào lớp 1 đưa đến nhiều cảm xúc cho các bậc phụ huynh |
Nếu vậy, theo chọn lọc xã hội, đây sẽ là công cuộc thực nghiệm dành cho cha mẹ chứ không phải con trẻ là nghiệm thể được sàng lọc phù hợp với tiêu chí nghiên cứu của trường.
Tuy nhiên, mình vẫn nuôi một niềm hy vọng nhỏ bé là sẽ có sự tác động tích cực nào đó để mọi việc được trở về với đúng ý nghĩa thực chất của nó.
Và các bậc cha mẹ năm sau sẽ không phải trải qua những giây phút bi quan như mình.
Còn con trẻ, các con sẽ luôn được hưởng niềm vui đến môi trường học tập lành mạnh, được chào đón nâng niu từ những bước đầu đời”.
Khởi Nguyên (ghi)
Bình luận