• Zalo

'Tâm phúc của NSND Lê Hùng chẳng hề quý trọng ông'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 05/06/2012 03:08:00 +07:00Google News

VTC News) - "Từ trước đến giờ những người mà Lê Hùng coi là tâm phúc chẳng hề quý trọng ông" - Nhà viết kịch Chu Thơm.

(VTC News) - “Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ và chưa ở đâu sự phê bình lãnh đạo cao nhất của đơn vị mình lại thẳng thắn và mạnh dạn như vậy. Qua đó một điều đã được “lộ sáng”, đó là từ trước đến giờ những người mà Lê Hùng coi là “tâm phúc” chẳng hề quý trọng ông” - Nhà viết kịch Chu Thơm bình luận.

Quyết định Thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam ngày 27/3/2012 như một cơn địa chấn khiến không những nghệ sỹ của Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ mà cả những người làm nghề nói chung, bức xúc.

Lạ kỳ một điều, rằng tất cả các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ lại không hề háo hức với việc sáp nhập ấy. Chính sự tỉnh táo của họ đã kịp thời ngăn chặn thảm hoạ mất đi cái thương hiệu và bản sắc mà các thế hệ cha anh và chính họ tạo dựng trong lòng khán giả yêu sân khấu.

NSND Lan Hương, người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất trước quyết định sáp nhập ha nhà hát Tuổi trẻ và Kịch VN. 
Vì vậy, việc lãnh đạo Bộ VHTTDL thu hồi quyết định trên ngày 21/5/2012 là việc làm rất kịp thời và hợp lòng nghệ sỹ. Chắc chắn rồi đây lãnh đạo Bộ VHTT&DL sẽ xem xét trách nhiệm và năng lực của các cán bộ thuộc cơ quan Bộ đã chấp bút cho bản Đề án của NSND Lê Hùng để trình Bộ trưởng ký.

Nhưng bao nhiêu búa rìu “dư luận” đều nhắm về phía NSND Lê Hùng khi một số nghệ sỹ của hai nhà hát coi ông - kẻ khởi xướng ra bản đề án sáp nhập kia là: Tác giả của Đề án đẻ non, Kẻ cưỡng hôn, Đề án chạy hưu hoặc người chưa đủ tài năng, uy tín trình độ tổ chức lẫn tư duy quản lý, tóm lại là một lãnh đạo vô cùng non kém…

Khi nhận quyết định hủy sáp nhập hai nhà hát, NSƯT Anh Tú, Trưởng đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ nói: “Việc sáp nhập không tốt đẹp hơn mà ngược lại còn làm tan hoang mọi thứ. Phải chờ đủ mạnh, có cơ sở, trụ sở, có những người có tầm, có tài, có năng lực làm lãnh đạo thì may ra...

Anh Lê Hùng đến tuổi về hưu rồi, lại chưa nhìn thấy ai cả. Mang thai 9 tháng 10 ngày đẻ con ra, còn đây mới 5 tháng bắt nó phải ra một hình hài thì làm sao được”.

Đạo diễn Tuấn Hải, Nhà hát Kịch VN từng thẳng thắn cho rằng: “Anh Hùng chưa đủ tài năng, uy tín, trình độ tổ chức lẫn tư duy quản lý. Tất cả đều vô cùng non kém, mọi thứ đều rất cảm tính và ngây thơ, để cho anh em có thể tâm phục khẩu phục. Nói tóm lại anh không thể là linh hồn để nắm giữ sinh mạng cho hai nhà hát. 

Về cái tâm, hãy nhìn sang cảnh hao tâm tổn trí của hai ông Phó Giám đốc bên Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) là Trương Nhuận và Thế Vinh. So với lịch làm việc của 2 người ấy, thử hỏi một năm anh Hùng ở NHTT được bao nhiêu ngày, ở Nhà nhát Kịch VN được bao nhiêu buổi?".

Nói về năng lực quản lý của NSND Lê Hùng, NSƯT Chí Trung từng chia sẻ: “Tôi nói rồi, và hôm nay vẫn nói rằng đã giải phẫu thì giải phẫu luôn đi. Bởi anh Hùng làm nghệ thuật thì nhiều người không bằng, nhưng làm quản lí thì ai cũng hơn bác ấy. Ba năm hay 30 năm nữa cũng thế thôi. Chúng ta đang đánh mất đạo diễn tài để đổi lấy nhà quản lí tồi”.

Người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong vụ sáp nhập hai nhà hát, NSND Lan Hương đã từng xin lỗi NSND Lê Hùng trước cuộc họp nội bộ Nhà hát Tuổi trẻ hom 2/5 vừa qua, bởi ông Lê Hùng là thầy, là anh, của NSND Lan Hương.

Nhưng NSND Lan Hương vẫn có những hành động quyết liệt để đấu tranh cho việc dừng sáp nhập hai nhà hát. Thậm chí chị còn bị nhắc nhở bởi đã khiếu nại vượt cấp khi có đơn xin xem xét chuyện sáp nhập nhà hát và số phận của đoàn kịch hình thể do chị phụ trách lên Thủ tướng.

Nhà biên kịch Chu Thơm. 
Trước những phản đối mạnh mẽ trên của các nghệ sĩ, ngày 4/6, tại buổi gặp mặt của lãnh đạo Bộ VHTT&DL với  Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi trẻ bàn vấn đề nhân sự, nhà viết kịch Chu Thơm đã cho rằng:

“Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ và chưa ở đâu sự phê bình lãnh đạo cao nhất của đơn vị mình lại thẳng thắn và mạnh dạn như vậy. Qua đó một điều đã được “lộ sáng”, đó là từ trước đến giờ những người mà Lê Hùng coi là “tâm phúc” chẳng hề quý trọng ông.

Chỉ tiếc một điều rằng giá như cái sự phê bình thẳng thắn và mạnh dạn ấy xảy ra cách đây vài năm, khi ông mới sang kiêm nhiệm giám đốc Nhà hát kịch VN thì ông còn có cơ hội để sửa chữa, chứ giờ khi ông đã là anh hùng sa cơ thất thế, ngày về hưu đã cận kề, chẳng còn ai để mà lãnh đạo nữa thì nó chẳng hề có  tác dụng chút nào.

Chính vì vậy, bên cạnh cái được vỡ oà khiến cho những nghệ sỹ có tài, có tâm hả hê sung sướng và những người vốn chẳng ưa ông “cười như đười ươi giữ ống” thì cái mất lặng lẽ cứa vào sự tự trọng của những người làm nghề, khi thấy chỉ vì một quyết định vội vàng của Bộ mà tình đồng nghiệp, tình anh em, thầy trò được xây dựng từ mấy chục năm nay giờ đã vỡ tan. Và thật đớn đau: khi tình đã vỡ thì chẳng gì có thể hàn gắn lại được.

Là một người đã từng nhiều năm duyệt vở ở Nhà hát Tuổi trẻ và chứng kiến mỗi ngày một vở mới được công diễn là một ngày hội và dàn diễn viên tài năng được khán giả mến mộ, tôi luôn thầm ước ao rằng nếu các đơn vị nghệ thuật sân khấu trên đất nước VN đều có được không khí và tình cảm đồng nghiệp ấy.

Nếu vậy thì chắc chắn trung tâm sân khấu kịch nói nước nhà sẽ chuyển từ phía Nam ra Bắc như xưa. Giờ thấy quan hệ giữa Lê Hùng và  anh em tôi không khỏi chạnh lòng và thấy câu “Chết vì tình là cái chết bất thình lình” của giới trẻ quá đúng”.

Đàm Mộng Hoài(Tổng hợp)
 

Bình luận
vtcnews.vn