"Lại game Trung Quốc à", "Tưởng gì, chán", "Sao toàn mua game Trung Quốc về thế?"... đó là ba trong rất nhiều kiểu than vãn của game thủ Việt Nam mỗi khi thấy một MMO mới cập bến nội địa. Đặc biệt trong năm 2011 này số lượng game online từ xứ sở Gấu trúc chiếm tới hơn 90% lại càng tạo thêm tâm lý chán nản.
Game na ná nhau từ TQ cập bến Việt Nam quá nhiều.
Sự lặp đi lặp lại của gameplay, đồ họa khiến trong số hàng chục đầu webgame về nước năm nay thì chắc chắn phải có tới 3, 4 cái tên na ná nhau. Thậm chí nhiều người còn đặt ra câu hỏi không hiểu vì sao các NPH cứ nhằm vào thể loại này mà nhắm mắt mua về. "Nguyên cái game TGHM mà Perfect World cũng chỉnh sửa đi thành vài cái game khác thì bảo sao không chán", một game thủ tâm sự, đây là điều không ai có thể phủ nhận.
Thế nhưng dù chán ngán đến đâu chăng nữa, đại bộ phận người chơi đều phải tặc lưỡi công nhận rằng những tháng ngày sống chung với MMO Trung Quốc còn kéo dài lâu, rất lâu nữa. Đơn giản vì nó có quá nhiều lợi thế tại Việt Nam mà nhiều game nước ngoài không thể tạo dựng được.
Văn hóa đã thấm vào máu game thủ
Không thể phủ nhận một điều rằng những câu chuyện lịch sử đầy sức cuốn hút của Trung Quốc đã ăn sâu vào đầu người Việt Nam nói chung hay những game thủ nói riêng. Ngay từ thủa bé, chúng ta đã say mê trước những câu chuyện, những bộ phim truyền hình về Tam Quốc, Tây Du Ký... hay những bộ tiểu thuyết của Kim Dung, Cổ Long...
Bối cảnh kiếm hiệp truyền thống đã ăn sâu vào máu của game thủ Việt.
Không có gì lạ khi các game online kiếm hiệp, tiên hiệp hiện vẫn đang thống trị thị trường Việt. Dễ thấy, bí quyết thành công của chúng tất nhiên không phải đến từ gameplay, đồ họa quá vượt trội mà một phần lớn trong đó đến từ chính bối cảnh, các class nhân vật ăn theo những đại môn phái như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi... cũng như những chiêu thức skill với cái tên rất kêu của chúng như Hàng Long Thập Bát Chưởng, Dịch Cân Kinh...
Tất nhiên, những yếu tố mang màu sắc võ hiệp chỉ có ở trong những game online của Trung Quốc và chính điều này đã khiến chúng luôn luôn chiếm được lợi thế trước những game online nước ngoài. Có thể thấy, những Chúa Tể Phục Sinh (Runes of Magic), Maple Story... dù cực kì được ưa chuộng ở nước ngoài nhưng khi về đến Việt Nam, chúng ta đã nhanh chóng bị đào thải bởi chính gamer nước nhà.
Nền móng được tạo nên cũng từ game TQ
Khi nói về nguyên nhân tại sao game Trung Quốc lại chiếm lĩnh thị trường Việt như hiện tại, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò vô cùng quan trọng đến từ Võ Lâm Truyền Kỳ. Ra đời sớm gần nhất Việt Nam, kể từ thời mà chúng ta ra hàng Net chỉ để chơi Haft Life, DDay, WarCraft III Defend Tower (custom map) hay thậm chí là StarCraft thì Võ Lâm Truyền Kỳ đã khiến cho game thủ Việt nhận thức được sức hút của việc được chơi online.
Võ Lâm Truyền Kỳ đã đặt nền móng vững chắc cho các game online của Trung Quốc tiến vào Việt Nam sau này.
Rất nhanh, Võ Lâm Truyền Kỳ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của game thủ nước nhà và thậm chí, nó còn lôi kéo được một bộ phận những người "chưa bao giờ biết chơi game là gì" tham gia. Đầu tiên, đó là những người đã đi làm và sau đấy là cả những nữ game thủ, Võ Lâm Truyền Kỳ với lối chơi đơn giản (vào thời điểm mới ra mắt) chỉ có đánh quái bằng tay (dùng chuột click) nhưng khi nhớ lại, chúng ta vẫn phải mỉm cười với một thời kì mà nhà nhà Võ Lâm, người người Võ Lâm.
Sau Võ Lâm Truyền Kỳ, các game online khác của Trung Quốc tiếp tục kế nhiệm tốt cái nền mà đàn anh đã để lại mà trong đó, chúng ta không thể nhắc đến 2 cái tên Thiên Long Bát Bộ và đặc biệt là Kiếm Thế.
Ở đây, điều chúng ta cần phải nhắc đến không phải là gameplay của các tựa game kế nhiệm quá đặc sắc mà đôi khi, điều khiến chúng thành công lại chính là những nét tương đồng với chính Võ Lâm Truyền Kỳ. Khi tham gia một tựa game mới, chúng ta thường gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối với việc lựa chọn nhân vật, cách lên skill, cách luyện tướng và điều này đôi khi gây ra ác cảm đối với những đối tượng gamer bình dân.
Thành công vượt bậc của Kiếm Thế chính là lý giải rõ nhất nguyên nhân này.
Họ không chơi game vì nó có đồ họa đẹp hay những nét phá cách trong gameplay, họ chơi game vì nó có cộng đồng, chơi cho vui và đương nhiên, yêu cầu ở đây là nó phải dễ chơi. Kế tục từ Võ Lâm Truyền Kỳ, những gamer này có thể dễ dàng làm quen với các game online Trung Quốc cũng có lối chơi na ná, tương tự nhưng chính điều này lại khiến chúng "hút khách" ở thị trường Việt.
Nỗi sợ "ế hàng" của NPH
Sau những yếu tố về phía game thủ, chúng ta chuyển sang bàn luận về "cái khó" của NPH - Những tên độc tài trong làng game nước nhà. Đầu tiên, hãy nói về giá bản quyền. Cần phải hiểu rằng, các tựa game online của Trung Quốc cũng có tính chất giống như các loại hàng hóa của nước này, khá rẻ. So với các game online bom tấn của Hàn Quốc thì không phải tính, chắc chắn giá bản quyền của chúng chỉ bằng khoảng 1/2 cho tới 1/3.
Ai sẽ đảm bảo lợi nhuận cho NPH nếu họ dám mạo hiểm đưa các bom tấn về.
Ta có thể lấy ví dụ như thế này: Nếu như muốn phát hành một tựa game bom tấn của Hàn Quốc thì với chi phí ấy, NPH có thể mua được từ 2 đến 3 game online "tầm trung" khác của Trung Quốc, trong khi hiệu quả về kinh tế thì bom tấn của Hàn chưa chắc đã bằng được cái thứ "tầm trung" đến từ nước làng giềng.
Vậy thì tại sao NPH lại phải mạo hiểm? Trên thực tế, ở nước ta, nếu tính đến các game online xuất sứ không phải Trung Quốc mà vẫn thành công được ở Việt Nam thì có lẽ chỉ đếm được trên đầu bàn tay (MU, Gunny...).
MU - Game bom tấn hiếm hoi thành công ở Việt Nam.
Ngoài ra, để thu hồi lại vốn đầu tư và kiếm được lợi nhuận thì tất nhiên, NPH cũng phải có những chính sách đặc biệt để khuyến khích gamer "nạp thẻ" và ngay lập tức, điều này sẽ bị rất nhiều gamer phàn nàn, bực tức và thậm chí là tẩy chay. Với số vốn lớn đã bỏ ra để đưa bom tấn về nước mà khi phát hành lại chỉ dám "hút máu" như những tựa game online bình thường thì chắc chắn là không được.
Hiện tại, nếu không tính đến các Webgame đang tràn ngập thị trường Việt thì các game online chính thống của Trung Quốc đều đã có được những vị trí nhất định trong lòng gamer Việt. Hơn thế nữa, dù có kêu ca đi chăng mấy thì trong tương lai, game online Trung Quốc vẫn sẽ được về nước mà thôi (không tính tới Webgame).
(Theo GenK)
(Theo GenK)
Bình luận