Sáng 13/12, tại trụ sở, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm (lần 4), xét xử bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết) và vợ là Phạm Thị Quyết về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Tại phiên xử hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn Lẫm tiếp tục vắng mặt do đang điều trị tai biến mạch máu não tại bệnh viện ở Thái Bình.
Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường "Nhuệ", SN 1971, trú tại TP Thái Bình) và Bùi Mạnh Tiến (thường gọi Tiến "trắng", SN 1995, ở huyện Vũ Thư, Thái Bình, cả hai đang thụ án tại các trại giam) được triệu tập đến phiên tòa với vai trò là nhân chứng cũng vắng mặt không có lý do.
Đồng thời, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng cũng vắng mặt.
Theo vị đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội, đây là vụ án có đơn kêu oan từ các bị cáo, đồng thời được dự luận quan tâm nên đã được đề nghị xem xét tạm hoãn phiên tòa.
Tuy nhiên, sau 3 lần mở phiên tòa phúc thẩm tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình và bị tạm hoãn, đồng thời căn cứ vào các quy định của pháp luật, tại phiên tòa lần thứ 4 này, HĐXX vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai.
Thay mặt HĐXX, chủ tọa phiên tòa công bố bản án mà TAND cấp sơ thẩm đã tuyên tại Thái Bình. Trong phần xét hỏi, Phạm Thị Quyết không trả lời câu hỏi của tòa và liên tục kêu oan. Vợ chồng bị hại là Nguyễn Văn Tới thực hiện nghĩa vụ trả lời các câu hỏi của HĐXX nên Viện KSND Cấp cao quyết định giữ quyền công tố tại phiên tòa. Các luật sư cũng không có câu hỏi nào đối với bị cáo, bị hại.
Sau thời gian giải lao, phiên tòa tiếp tục làm việc. Đại diện Viện KSND Cấp cao nêu quan điểm, do tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Văn Lẫm đang phải điều trị tại bệnh viện nên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo, đề nghị HĐXX xem xét tạm hoãn phiên tòa.
Tương tự, bị cáo Phạm Thị Quyết và các luật sư cũng đề nghị tạm hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, HĐXX tuyên tạm hoãn phiên tòa, đồng thời ấn định mở lại phiên tòa để tiếp tục xét xử vụ án này vào 8h ngày 22/12/2022, tại trụ sở TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Trước đó, trong các ngày 13/7, 22/9 và 22/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án này tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, 3 lần nêu trên, bị cáo Nguyễn Văn Lẫm phải nhập viện điều trị bệnh, một số luật sư và các bị hại, nhân chứng cũng vắng mặt nên phiên tòa phải tạm hoãn.
Theo bản cáo trạng số 56 ngày 20/7/2021 của Viện KSND tỉnh Thái Bình, năm 2013 và năm 2016, các bị can Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết vay 900 triệu đồng của ông Đỗ Văn Tới bằng hợp đồng có thế chấp tài sản là xe ô tô Camry, BKS 17K-9966, cam kết không thế chấp, không bán, cho, tặng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu không được sự thỏa thuận của ông Tới.
Ngày 12/4/2017, khi chưa trả nợ số tiền nêu trên cho ông Tới, Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết đem chiếc xe đã thế chấp vay tiền của ông Tới bán cho ông Phạm Công Tự mà không được sự đồng ý của ông Tới.
Khi ông Tới yêu cầu trả nợ và hỏi về chiếc Camry là tài sản thế chấp, Nguyễn Văn Lẫm không trả nợ và nói dối với ông Tới là chưa bán xe, đồng thời mang tài sản thế chấp cất giấu ở nhiều nơi.
Khi bị tố giác, Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết đã gian dối, tạo dựng việc ông Tới đã nhận tiền và viết giấy biên nhận (sau đó giấy biên nhận này bị mất), từ bỏ trách nhiệm trả nợ số tiền 900 triệu đồng của ông Đỗ Văn Tới.
“Hành vi nêu trên của các bị can Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự”, bản cáo trạng nêu rõ.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/12/2021, HĐXX TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù, bị cáo Phạm Thị Quyết 13 năm tù tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ Luật Hình sự.
Đồng thời, vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết phải trả cho vợ chồng ông Đỗ Văn Tới (bị hại) tổng số tiền 900 triệu đồng. TAND tỉnh Thái Bình cũng tiếp tục có quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị cáo nêu trên.
Sau đó, vợ chồng Giám đốc Công ty Lâm Quyết làm đơn kháng cáo.
Bình luận